"Sẽ thanh tra ráo riết thị trường chứng khoán"
Ngày 3/12, tại Hà Nội, bên lề cuộc đối thoại lần 2 với các đối tác phát triển về phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói, trong năm 2008, sẽ ráo riết tổ chức thanh tra thị trường chứng khoán.
Sau giao thông, hải quan sẽ là công an và tòa án
Hiện nay, nhiều loại hình tham nhũng mới đã xuất hiện như rửa tiền qua thị trường chứng khoán. Vậy cơ quan phòng chống tham nhũng có cách thức như thế nào để phòng, chống loại tội phạm này?
- Kinh tế phát triển theo chiều hướng nào thì các hành vi tham nhũng cũng phát triển theo chiều hướng như thế. Vấn đề quan trọng là chúng ta nhìn thấy được để tìm cách ngăn ngừa, xử lý.
Vừa qua, trên lĩnh vực cổ phần hóa rõ ràng đem lại hiệu quả lớn, nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, chúng ta đã tạo ra được thế và lực mới. Nhưng trên lĩnh vực này cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực, quan trọng nhất là vấn đề định giá tài sản không đúng để sau đó cổ phần hóa làm lợi cho một số người.
Thứ hai, khi phát hành cổ phiếu, nói chung làm không minh bạch nên "đẻ" ra nhiều vấn đề. Thủ tướng đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng phải chấn chỉnh tiến trình, nhất là các cơ quan chức năng phải tham gia để xác định được chính xác trị giá tài sản. Phải làm chặt chẽ hơn, công khai hơn và đảm bảo có nhiều người có trách nhiệm tham gia hơn.
Ở lĩnh vực thị trường chứng khoán, chúng ta biết đó là tất yếu của kinh tế thị trường. Mở cửa thị trường này, chúng ta thấy rõ có nhiều kẽ hở nên người ta mới lợi dụng đưa ra cổ phần ảo, chứng khoán ảo làm lợi cho một số người và một số người thua thiệt dẫn đến phá sản, nhà nước không kiểm soát được.
Vừa qua Chính phủ quyết định lập ra một ủy ban giám sát chặt chẽ đảm bảo không có vấn đề ảo. Từ năm tới, chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra ráo riết vấn đề này. Năm vừa rồi, chúng tôi cũng đã tiến hành làm với một số tổ chức cổ phần hóa và đã có kinh nghiệm.
Cách đây 2 năm, Thụy Điển đã tài trợ một quỹ để tiến hành điều tra tham nhũng. Những nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học thanh tra đã chứng minh tính đúng đắn của nghiên cứu này khi chỉ ra rằng, tham nhũng diễn ra phổ biến ở một số ngành như hải quan. Vậy chúng ta đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này, chứ không dừng ở nghiên cứu rồi để đấy?
- Chúng ta đã có rất nhiều nghiên cứu, tất cả cơ quan Nhà nước đều có đề tài nghiên cứu như Quốc hội, Chính phủ, Ban nội chính, nhưng tựu trung lại, chúng ta đều nghiên cứu chống tham nhũng trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm.
Trong những năm vừa qua, một giải pháp để tăng cường chống tham nhũng là hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực như giao thông; hoặc là bằng những biệp pháp quản lý cụ thể hoặc bằng những điều lệnh cụ thể, đặc biệt là những quy chế quản lý và đã phát hiện được nhiều trường hợp.
Bên hải quan cũng phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp sai phạm. Bước đầu, chúng ta đã ý thức được trách nhiệm và đã thiết lập được cơ chế quản lý cán bộ, công chức. Trên thực tế đã xử lý không ít các trường hợp nên đã có tác dụng ngăn ngừa.
Thủ tướng chỉ đạo chúng ta tiếp tục hướng tới hai lực lượng chính là công an và các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án. Phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn để hoạt động của tòa án không còn những vấn đề tiêu cực.
Như vậy, tôi nghĩ chúng ta đang triển khai việc phòng chống tham nhũng bằng các giải pháp chung chứ không phải chỉ bằng những biện pháp riêng lẻ.
Cải cách chế độ tiền lương
Trong chiến lược phòng, chống tham nhũng từ này đến năm 2020 của Chính phủ đang được xây dựng, khâu đột phá là gì?
- Đây là một chiến lược tương đối dài hạn, tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất.
Thứ nhất là công khai minh bạch. Đây là vấn đề xương sống nhất của việc thực hiện chiến lược. Càng công khai minh bạch, càng kiểm soát được các hoạt động, nhất là công khai hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai việc cán bộ, công chức nhà nước đã làm. Từ đây cũng công khai luôn cả tài sản và thu nhập của công chức nhà nước, đó là vấn đề phải thực hiện lâu dài bằng nhiều giải pháp.
Vấn đề thứ hai là phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, vì phòng, chống tham nhũng phải bằng sức mạnh tổng hợp, vừa bằng tổ chức chính trị vừa có sự tham gia của toàn dân. Không thể chỉ dựa vào bộ máy nhà nước mà phải có sự đồng thuận của nhiều tổ chức xã hội.
Thời gian tiếp theo phải có cơ chế chính sách để người dân phát huy vai trò của mình trong việc chống tham nhũng và cũng làm thế nào để người dân hiểu có một việc làm thiết thực, có dũng khí, dám chịu trách nhiệm về việc tố cáo tham nhũng để giúp các cơ quan làm có hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ 3 cũng quan trọng không kém đã được Thủ tướng chỉ đạo là cải cách chế độ tiền lương, bởi vì vấn đề này có quan hệ rất mật thiết đến việc chống tham nhũng. Những công chức nhà nước phải có một nguồn sống, nguồn thu nhập tương đối ổn định để họ yên tâm làm việc, không vướng vào những vụ việc sai sót.
Với chế độ tiền lương hiện còn rất hạn hẹp, đời sống của công chức còn khó khăn. Tất nhiên, chúng ta không có tham vọng dùng tiền lương để giải quyết mọi thứ. Nhưng tiền lương sẽ là một động lực để các cán bộ công chức làm việc tốt hơn, giữ mình một cách tích cực hơn.
Đánh kẻ chạy đi...
Chính phủ vừa có đề xuất khoan hồng đối với các trường hợp tham nhũng xảy ra trước khi có Luật Phòng, chống tham nhũng và xử lý nghiêm khắc hơn với hành vi xảy ra sau đó. Đâu là cơ sở của đề xuất này, thưa ông?
- Hiện đây mới chỉ là ý tưởng thôi. Ý tưởng này xuất phát từ thực tiễn, từ chính sách chung, chúng ta đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Như vậy, những người ngoan cố, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, có hành vi che dấu thì chúng ta phải nghiêm trị.
Ngược lại, đối tượng đã nhận thức được lỗi lầm, có hành vi phục thiện, ăn năn thì chúng ta phải thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng. Vận dụng vào đây, chúng tôi thấy rằng đối với người có hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng họ sớm thấy hành vi đấy là sai, báo cáo lại với tổ chức và khắc phục hậu quả thì chúng ta phải khoan hồng.
Chúng tôi cũng mạnh dạn kiến nghị chỉ xử lý đến một mức độ nào đấy thôi, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
VNN
|