"Doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tăng EPS bền vững"
Đó là ý kiến của ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital
Theo tôi, việc các DN lấy một phần tiền trong tổng tài sản như thặng dư vốn hay lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ thì tỷ lệ 70% tác động đến tâm lý thị trường, 10% đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ và 20% tác động tăng sức ép cho ban điều hành DN. Tại thời điểm chốt danh sách để công ty thưởng cổ phiếu, cổ phiếu trên thị trường sẽ tự điều chỉnh giá và cổ đông không được hưởng thêm giá trị gì.
Điều đáng nói ở đây là việc tăng vốn tạo sức ép với ban điều hành công ty phấn đấu giữ mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) và cổ tức chia hàng năm. Hầu hết công ty chưa chú trọng đến vấn đề EPS, tăng trưởng EPS hàng năm, đảm bảo năm sau cao hơn năm trước. Các nhà đầu tư có tổ chức mong muốn là EPS tăng trưởng một cách bền vững, chứ không phải là năm nào cũng tăng vốn.
Thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào một DN sẽ quan tâm đến vốn chủ sở hữu, doanh thu, thị phần, tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn coi trọng vốn điều lệ do một thời thực lực công ty được đánh giá chủ yếu qua yếu tố vốn điều lệ, bởi không có các bản báo cáo tài chính công khai. Ở nhiều nước, người ta không quan tâm đến vốn điều lệ, yếu tố này chỉ chiếm khoảng 5% trong quyết định đầu tư vào DN Việt Nam.
Có trường hợp, các DN chia cổ tức bằng cổ phiếu hàng năm để giữ lại tiền mặt, nếu trong trường hơp nhà đầu tư nhiệt tình với cổ phiếu thì họ có thể chấp nhận, nhưng chia cổ tức bằng cổ phiếu mãi thì nhà đầu tư không thích. Theo tôi, cùng với vấn đề phát hành cổ phiếu mà không tăng vốn chủ sở hữu, DN cần quan tâm đến việc tăng EPS bền vững.
ĐTCK
|