Thời điểm thị trường trông ngóng
Mặc dù có nhiều lập luận được đưa ra về việc TTCK sẽ tăng trở lại vào cuối tháng 12, nhưng các chuyên gia cũng như nhiều nhà đầu tư vẫn chăm chú theo dõi từng thông tin trong nhiều luồng thông tin có thể tác động đến thị trường trong tâm trạng khá hồi hộp.
Những điều đáng quan tâm
Sự kiện IPO Vietcombank được quan tâm nhiều, không phải dưới góc độ một cơ hội đầu tư, mà là sự ảnh hưởng của nó đến thị trường. Để đảm bảo thời gian thực hiện IPO Vietcombank trong tháng 12, giới chuyên môn nhận định, tuần đầu tiên của tháng 12 sẽ có lịch trình cụ thể, giá khởi điểm, để kịp công bố trước 3 tuần khi tổ chức đấu giá theo quy định.
Và khi thông tin được công bố, sẽ tác động ngay tới thị trường bởi mọi sự rõ ràng bao giờ cũng tốt hơn cho TTCK.
Lạm phát thì đương nhiên phải được quan tâm bởi nó có ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế và đến các DN niêm yết. Giá đầu vào tăng cao có khả năng làm giảm lợi nhuận 3 tháng cuối năm của các DN.
Đó là lo ngại, nhưng thực tế thì hầu hết DN thuộc dạng blue-chip đều “tự chủ” trong việc hạch toán lợi nhuận cuối năm và thông thường, lợi nhuận dự kiến cả năm được đưa ra là con số đã nắm trong lòng bàn tay. Nhưng bên cạnh đó, những chính sách làm giảm lạm phát như rút bớt lượng tiền lưu thông, tăng lãi suất sẽ tác động tới cả thị trường nói chung. Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần giải bài toán lạm phát, nếu không thị trường còn rất nhiều khó khăn.
Thị trường vẫn phát triển theo xu thế
Theo lập luận của một nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam đang đi theo xu thế. Ở một thị trường đang phát triển, ngày đầu tiên nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào, ngày thứ 2 nhà đầu tư tiếp tục rót tiền, ngày thứ 3 họ bắt đầu thu hoạch, đánh giá kết quả đầu tư và ngày thứ 4, quyết định xem có bỏ tiền vào nữa hay không. Và TTCK Việt Nam chưa đi hết ngày đầu tiên. Điều đó lý giải, vì sao thị trường đang trầm lắng thì hàng loạt công ty quản lý quỹ lại ra mắt; các công ty chứng khoán, cả cũ và mới vẫn tiếp tục đua nhau mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ; các DN niêm yết và công ty đại chúng lại thu hút được đầu tư từ những quỹ nước ngoài khác nhau; các quỹ đầu tư của Nhật Bản rót lượng vốn lớn hơn vào thị trường Việt Nam…
Hầu hết đại diện các quỹ đầu tư đều cho biết, lượng tiền cần giải ngân của các quỹ còn rất lớn. Thời điểm này, các quỹ, nhà đầu tư nước ngoài chưa giải ngân dường như họ muốn thị trường êm ả để đấu giá Vietcombank được tốt đẹp.
Thắt lại để chuẩn bị mở ra
Hàng loạt chính sách nhằm kiểm soát sự phát triển có phần “bốc đồng” của TTCK được thực hiện thời gian qua như Chỉ thị 03, ban hành thuế thu nhập từ chứng khoán, quản lý thị trường OTC được nhìn nhận là bước đệm cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Câu chuyện mở room không được nhắc tới, nhưng ai cũng biết là tất yếu sẽ phải mở, vấn đề là thời điểm. Có điều là khi “vặn tay ga”, phải chuẩn bị “tay phanh” trước.
Khi thị trường Việt Nam phát triển đến quy mô nhất định, đương nhiên sẽ lọt vào rổ đầu tư của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới theo nguyên tắc đầu tư phân bổ rủi ro của các quỹ này. Trên thị trường, đã có những tín hiệu cho thấy, các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng hơn cả về số lượng và quy mô.
Cuối cùng, theo rất nhiều ý kiến mà ĐTCK ghi nhận được, thị trường đang có nhiều điểm thắt nút và tuần này là thời gian trông ngóng các điểm nút sẽ được nới lỏng, tháo dần ra.
ĐTCK
|