Câu hỏi lớn về Room
Gần 20 tỷ USD là tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên thị trường chứng khoán chính thức và không chính thức tại Việt Nam, tính đến giữa tháng 12/2007. Đây là con số được UBCK thống kê dựa trên báo cáo của các thành viên lưu ký trong và ngoài nước.
Bóc tách trong 20 tỷ USD giá trị đầu tư của nhà ĐTNN hiện nay, UBCK cho biết, có 7,6 tỷ USD được ghi nhận trên thị trường chính thức (HOSE và HASTC), phần còn lại được thực hiện trên TTCK tự do. Nếu so với lượng vốn ĐTNN chảy vào TTCK Việt Nam tính đến thời điểm cuối năm 2006 là 2,3 tỷ USD, thì năm 2007 đáng được gọi là năm đột phá trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI).
Một so sánh nữa cho chúng ta thấy độ lớn của dòng vốn FPI trong năm nay. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm 2007 là năm lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, với 20,3 tỷ USD. Đó là kết quả của nhiều sự cải cách trong suốt 20 năm thực thi Luật Đầu tư nước ngoài.
Về lượng, gần 20 tỷ USD vốn FPI so với 20,3 tỷ USD vốn FDI không có nhiều sự khác biệt, cho thấy một thành quả đáng ghi nhận của TTCK Việt Nam năm 2007. Nhưng đằng sau kết quả này, công tác thu hút và quản lý dòng vốn ngoại trên TTCK còn nhiều vấn đề phải bàn, nhất là câu chuyện về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà ĐTNN trong DN (room), dư luận đã nói cả năm nay vẫn chưa đâu vào đâu…
WTO và quyền mua cổ phiếu của người nước ngoài
Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện này cộng với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị lớn khác diễn ra tại Việt Nam trong cùng thời kỳ đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hàng chục tỷ USD vốn FDI và FPI cùng đổ vào Việt Nam trong năm 2007, góp phần vào việc thay đổi cục diện kinh doanh của nhiều DN, thiết lập vị thế mới cho TTCK và đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.
Năm 2007 sắp đi qua và một cam kết hết sức quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO cần được quan tâm và bàn luận lúc này là cam kết nới rộng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN trong các DN thuộc ngành dịch vụ tại Việt Nam. Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam đề cập: nhà ĐTNN được phép mua không quá 30% vốn cổ phần của một DN trong nước và quy định này sẽ được xoá bỏ sau 1 năm, kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO. Thời điểm 11/1/2008 đang cận kề. Vậy chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với cam kết nêu trên?
Một loạt câu hỏi về room đã được một số chuyên gia đặt lên bàn cân. Nếu phải xoá bỏ tỷ lệ khống chế mua cổ phần của nhà ĐTNN trong DN ngành dịch vụ thì sẽ xoá như thế nào, xoá bao nhiêu? Các DN ngành sản xuất (do không đề cập trong WTO) thì room cho nhà ĐTNN có điều chỉnh không, điều chỉnh như thế nào? DN vừa hoạt động sản xuất, vừa cung cấp dịch vụ (hầu hết các DN lớn đều thực hiện cả 2 mảng này) thì quy định về room sẽ phân định ra sao? DNNN hoạt động trong ngành dịch vụ khi cổ phần hoá có chịu sự điều chỉnh của cam kết WTO nói trên không?...
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về room có thể chia làm 2 mảng. Mảng thị trường chính thức có Quyết định 238/2005/QĐ-TTg (trong đó quy định room cho nhà ĐTNN tối đa 49%, trừ DN ngành ngân hàng). Mảng thị trường tự do (cổ phiếu của các DN chưa niêm yết) có nhiều văn bản điều chỉnh như Luật Đầu tư, Quyết định 36/2003/QĐ-TTg, Nghị định 139/2007/NĐ-CP; cam kết của Việt Nam gia nhập WTO… Tuy nhiên, nhiều quy định trong các văn bản kể trên chưa khớp nhau. Dễ nhận thấy nhất là sự khác biệt giữa Quyết định 36 khi quy định room trong DN chưa niêm yết là 30%, còn Nghị định 139 cho phép mở room đến 100% trong loại DN này (trừ một số trường hợp). Hiện nay, Nghị định 139 chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện, gây ra sự lúng túng của các thành viên thị trường trong thực thi quy định mới. Sâu hơn một chút, một số ngành không có trong biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ (tại WTO) như phát thanh, truyền hình… theo quy định của Nghị định 139 là được mở room đến 100%, nhưng đây lại là những ngành thuộc danh mục hạn chế đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư. Vậy room cho những ngành này được phân định như thế nào?
Cần một nghiên cứu nghiêm túc về room
Room vốn là một câu chuyện rất nhạy cảm trên TTCK, bởi 2 lần Chính phủ ra quyết định mở room trên TTCK (từ 20% lên 30% và từ 30% lên 49%) là 2 lần TTCK tiếp thêm luồng sức mạnh để bứt phá lên một ngưỡng mới. Trong lúc thị trường suy giảm hiện nay, tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư trên sàn là chờ đợi những chính sách mới của Nhà nước để kích thích TTCK, trong đó có chính sách mở room, với hy vọng sẽ được tiếp tục chứng kiến (và hưởng thụ) sự bứt phá ngoạn mục của giá cổ phiếu. Vì vậy, những phát ngôn về room trở nên rất nhạy cảm và dễ gây ra những tác động tâm lý tới thị trường.
Bối cảnh quy định pháp lý về room hiện chưa thống nhất; thị trường dễ phản ứng thái quá với loại thông tin này, đang đặt ra một đòi hỏi lớn với cơ quan quản lý, đó là phải có một sự nghiên cứu nghiêm túc về room. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, công việc này hiện được giao cho Cục Tài chính doanh nghiệp. Còn tại UBCK, tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong DN từng là vấn đề được tranh luận để tìm ra một quy định hợp lý cho thị trường cổ phiếu của công ty đại chúng (thị trường đăng ký giao dịch). Tuy nhiên, cũng do các quy định hiện hành có nhiều điểm chưa thống nhất, nên cuối cùng, giải pháp room cho nhà ĐTNN trên thị trường đăng ký giao dịch bằng với room trên thị trường niêm yết (49%, trừ DN ngành ngân hàng) đã được Bộ Tài chính tạm chọn lựa để tạo cơ sở pháp lý cho thị trường này đi vào hoạt động (Quyết định số 3567/QĐ-BTC). Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đương nhiên gồm 2 mảng thị trường lớn là thị trường được quản lý và thị trường tự do, nên vấn đề về room cần được giải quyết rốt ráo trên cả 2 thị trường này.
Một lý do nữa buộc các cơ quan liên quan cần để tâm hơn đến việc sớm ban hành một quy định thống nhất về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong DN Việt Nam là khả năng nhà ĐTNN dựa vào văn bản pháp lý có hiệu lực quốc tế (cam kết tại WTO) để phản ứng với các quy định đang áp dụng tại Việt Nam về vấn đề này.
Tham khảo của ĐTCK đối với một số tổ chức đầu tư lớn đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, họ không quá bức bối với tỷ lệ khống chế đầu tư hiện nay và cho rằng, tại nhiều DN, room cho nhà ĐTNN còn chưa được lấp đầy (chỉ có khoảng 20 DN niêm yết trong số 240 DN niêm yết đầy room). Sức ép mở room từ các tổ chức ĐTNN đang hoạt động tại Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên, theo một số luật sư, khả năng nhà ĐTNN phản ứng với sự bất nhất trong quy định về room tại Việt Nam vẫn có thể xảy ra. Tâm lý chung của nhà ĐTNN khi đến Việt Nam là muốn được đầu tư, kinh doanh trong một môi trường minh bạch, bình đẳng và ổn định về pháp lý.
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam đã xác lập được vị trí trong nền kinh tế và được coi là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn bậc nhất thế giới, ngoài việc quản lý, điều hành, một nhiệm vụ quan trọng khác là phải duy trì và phát triển hình ảnh TTCK Việt Nam trên trường quốc tế. Có lẽ đã là khá muộn để cơ quan có thẩm quyền bắt tay xây dựng một văn bản mới về room, và vì thế chúng ta không nên muộn thêm nữa, khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam gia nhập WTO.
Theo thống kê của UBCK, số lượng tài khoản giao dịch của nhà ĐTNN trên TTCK hiện nay khoảng 7.500 tài khoản, trong đó có khoảng 300 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức, tăng gấp 3 lần so với năm 2006. Nhà ĐTNN hiện đang nắm giữ từ 25-30% số cổ phần của công ty niêm yết và doanh số giao dịch của loại nhà đầu tư này chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường.
ĐTCK
|