Thao túng giá: khó phát hiện, khó phạt
Thị trường điều chỉnh giảm song nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá vùn vụt, lượng cung nhỏ giọt bất chấp tình hình sản xuất, kinh doanh của DN không có thông tin nào khả quan đột biến. Điều này khiến không ít nhà đầu tư bức xúc phản ánh, rõ ràng là có hiện tượng làm giá và mong chờ cơ quan giám sát thị trường vào cuộc để có thông tin cho công chúng đầu tư rõ.
Tuy nhiên, trên thực tế, với trình độ ngày một "khôn ngoan" hơn của các đại gia, việc điều tra giám sát những hiện tượng như vậy dường như nằm ngoài khả năng của UBCK.
Trong một email gửi ĐTCK hôm 18/12, nhà đầu tư Trần Ngọc Thu (167 Điên Biên Phủ, Quận 1, TP. HCM) bức xúc phản ánh: "Hiện tượng bất thường, hay nói chính xác là làm giá vẫn đang hiển hiện hàng ngày trong bối cảnh TTCK vẫn còn sơ khai. Chúng tôi mong có những bài phân tích như "vạch áo" LBM, VIS để giúp TTCK trong sáng hơn và nhà đầu tư thiếu hiểu biết nhanh chóng nhận ra các cổ phiếu đang bị làm giá. Hiện nay, tôi thấy BTC là mã bất thường nhất tại HOSE. Vai trò của UBCK là giám sát TTCK, đảm bảo TTCK phát triển lành mạnh và minh bạch. Tuy nhiên, tôi thấy UBCK chưa làm được nhiều trong vai trò này".
Đây chỉ là ý kiến của một nhà đầu tư có trách nhiệm với thị trường song trên thực tế, việc phân tích tìm hiểu về tình trạng "làm giá" rất khó khăn, ngay chuyên gia của các CTCK khi được hỏi cho ý kiến nhận xét về diễn biến giá cổ phiếu X, Y, Z... cũng chỉ dám nhận định: "Đúng đấy, nhưng đây chỉ là nhận xét dựa vào cảm nhận thôi".
Thông thường, cổ phiếu bị làm giá chủ yếu rơi vào những DN có vốn điều lệ nhỏ, khối lượng cổ phiếu lưu hành thấp và có tính thanh khoản ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, một đặc điểm nữa dễ nhận thấy là quý trước hoặc thời gian trước đó, giá cổ phiếu có sự phục hồi nhất định hoặc có thông tin nào đó khá tích cực về DN. Những nhà đầu tư có mục đích "làm giá" ngay đầu phiên, thậm chí từ hôm trước đã đặt mua vài chục nghìn cổ phiếu ở giá trần, cũng chính họ dùng tài khoản khác đặt bán vẫn cổ phiếu đó, như vậy cổ phiếu vẫn trong tay và họ chỉ mất phí giao dịch. Chân dung của những nhà đầu tư này có thể được mô tả như sau: trong tài khoản luôn có vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, lọc lõi và có mối quan hệ rộng. Để tránh bị phát hiện, họ dùng vài chục tài khoản, mở tại nhiều CTCK khác nhau, trong một phiên có thể "quay" nhiều tài khoản.
Cũng xuất hiện tình trạng "làm giá" ở chính DN mới lên sàn. Thường đây là DN mà cổ đông bên ngoài nắm rất ít hoặc hầu như không có cổ phiếu, trong khi đó DN lại có một cam kết với người lao động hạn chế bán cổ phần ra trong một khoảng thời gian nào đó sau khi cổ phiếu chào sàn... Chính lãnh đạo DN dùng những tài khoản khác nhau mua bán, tung hứng đẩy giá cổ phiếu tăng vù vù. Mục đích của những DN này có thể được "biện bạch" rằng, không phải nhắm đến cổ phiếu giá cao và lợi nhuận vài tỷ đồng, mà cái lớn hơn là thương hiệu, hình ảnh trong mắt cổ đông chiến lược...
Dù được ngụy trang bằng lý do nào chăng nữa, nạn nhân cuối cùng của những chiêu làm giá vẫn là các nhà đầu tư thiếu hiểu biết, lao vào mua cổ phiếu theo phong trào, theo "mách nước", thậm chí có những nhà đầu tư mới gặp nhau lần đầu trên sàn đã nghe theo thông tin "rỉ tai" và thử chất lượng thông tin bằng cách mua vào một vài lô. Cũng có nhà đầu tư thừa kinh nghiệm để nhận biết cổ phiếu đó đang bị làm giá nhưng vẫn "té nước theo mưa", với hy vọng kịp đẩy lửa sang tay người khác.
Làm gì để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ và góp phần thanh lọc cái xấu trên thị trường? Trả lời câu hỏi này, một số CTCK (ở góc độ nhà môi giới) cho hay, với cảm nhận của mình, họ thấy rõ ràng cổ phiếu A, B đang bị làm giá nhưng không thể đưa ra bằng chứng để khẳng định, cũng vì không có bằng chứng, trong khi những nhà đầu tư kia đều là khách VIP nên tốt nhất là im lặng. Lời khuyên của CTCK là nhà đầu tư hãy tự trang bị kiến thức cho mình, tự bảo vệ mình chứ khó có thể trông chờ vào người khác.
Câu hỏi này cũng đã được ĐTCK chuyển tới người lãnh đạo cao nhất của UBCK, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng trong cuộc gặp với báo chí tuần qua. Ông Bằng thừa nhận, việc phát hiện và xử phạt các hành vi thao túng giá trên TTCK hiện còn nhiều hạn chế và khó khăn. Có nhiều thông tin từ Sở Giao dịch gửi lên, từ Ban Phát triển thị trường chuyển sang Thanh tra Chứng khoán không làm được. Nguyên nhân có nhiều, có thể do năng lực chưa đủ, công nghệ chưa cao, lực lượng thanh tra lại quá mỏng... Hiện UBCK đã thành lập Ban Giám sát để phân tích, theo dõi sát sao mọi động thái trên thị trường, mục đích là phát hiện ra dấu hiệu vi phạm, để khi chuyển sang Thanh tra thì thông tin cũng đã khá rõ ràng. Bộ Tài chính và Bộ Công an tới đây sẽ ký kết thông tư liên tịch liên quan đến việc điều tra, xử phạt những hành vi vi phạm trên TTCK. Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho rằng, không nên hình sự hóa mọi hành vi sai phạm trên thị trường.
Cái khó của người trong cuộc đã rõ, còn ý kiến các chuyên gia thì sao? Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ thi hành Luật DN từng nêu ra ý tưởng thành lập Hiệp hội Các cổ đổng thiểu số để bảo vệ quyền lợi của những người "thấp cổ bé họng" và đề cao vai trò của các tổ chức, hiệp hội trong việc tạo dựng thị trường minh bạch hơn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều chuyên gia chứng khoán Mỹ chia sẻ tại các hội thảo bảo vệ nhà đầu tư. Những tổ chức có thể không đứng ra giải quyết được xung đột song với kiến thức, khả năng am hiểu luật pháp... họ có thể lên tiếng, phản ánh và phân tích về những hiện tượng như một lời cảnh báo và cần giải đáp từ các thành viên thị trường.
ĐTCK
|