Thứ Sáu, 28/12/2007 13:40

Còn "cửa" vay vốn kinh doanh chứng khoán

Đến thời điểm này, hầu như cánh cửa của các ngân hàng cổ phần (NHCP) đã đóng lại trước các nhà đầu tư (NĐT) đến vay vốn kinh doanh chứng khoán (CK) bằng tài sản đảm bảo là cổ phiếu.

Nhưng với khối ngân hàng thương mại quốc doanh, đây lại là cơ hội để phát triển dịch vụ khá "màu mỡ" này. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khối này đã mạnh tay bơm vốn cho NĐT thông qua các CTCK. Chính vì vậy, giới kinh doanh cổ phiếu vẫn còn nhiều cơ hội để cầm cố CK, dù thời hạn cuối để các NH báo cáo tình hình dư nợ cho vay cầm cố đang cận kề.

Ngày 21/12 vừa qua, CTCK Đông Dương (DDS) đã liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, cung cấp các dịch vụ cho vay hỗ trợ đầu tư CK. Theo đó, với dịch vụ cho vay cầm cố CK (bao gồm cầm cố CK đợi ghi có), NĐT có thể vay đến 50% thị giá cổ phiếu, lãi suất 1,1%/tháng. Đối với dịch vụ cho vay bảo chứng, DDS phối hợp Agribank cho vay đến 100% thị giá, lãi suất 1,1%/tháng. Ngoài ra, DDS còn phối hợp cung cấp dịch vụ ứng tiền ngày T, lãi suất 0,04%/ngày và thực hiện nghiệp vụ "repo" đối với cổ phiếu chưa niêm yết. Bên cạnh đó, DDS còn kết hợp với BIDV- Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đang trong quá trình tìm kiếm thêm một số nhà băng khác để có thêm hạn mức vốn cho NĐT.

CTCK Gia Quyền (EPS) tuy mới tham gia vào TTCK nhưng đã nhanh chóng thu hút được một lượng khách hàng khá lớn dựa trên các dịch vụ tiện ích. Ngoài việc cho NĐT ứng trước tiền bán CK ngay sau khi khớp lệnh, EPS vừa bắt tay với Vietcombank để hỗ trợ vốn cho NĐT. Bà Lê Minh Ngà - Giám đốc Tài chính EPS cho biết, mỗi NĐT có thể vay cầm cố CK tại EPS với số vốn tối đa lên đến 5 tỷ đồng và có thể được vay đến 45% thị giá CK cầm cố. Riêng đối với vay ứng trước, EPS không hạn chế mức vay tối đa và NĐT được vay đến 99% giá trị CK. EPS còn cho NĐT cầm cố hầu hết các loại cổ phiếu niêm yết trong thời gian 6 - 12 tháng. Tuy nhiên, danh mục này sẽ có sự thay đổi tùy thời điểm và NĐT có thể trả nợ gốc và lãi vào cuối kỳ.

Thực tế hiện nay, nguồn vốn của NĐT đang cạn dần. Một phần do ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ trong cho vay CK của NHNN. Như vậy, việc có được nguồn vốn cho vay cầm cố là một lợi thế lớn đối với các CTCK. Theo bà Ngà, với việc triển khai dịch vụ cầm cố CK trong lúc thị trường đang "khát vốn", EPS sẽ được rất nhiều NĐT quan tâm. Đến nay, EPS đã ký kết với 5 ngân hàng về thỏa thuận hỗ trợ vốn cho NĐT mở tài khoản tại Công ty.

Các NHCP đều cho biết, thời điểm này đã ngưng hẳn việc cho vay cầm cố CK, vì thời hạn thu hồi nợ quá gấp so với thời gian trong hợp đồng đã ký với NĐT, trong khi tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố ở một số đơn vị vẫn vượt ngưỡng cho phép. Tính đến  ngày 25/12, chỉ còn đúng 5 ngày để NHCP chạy đua trong việc thu hồi nợ vay cầm cố về đúng hạn mức. Vì vậy, nguồn vốn của các ngân hàng quốc doanh được xem là cơ hội duy nhất cho NĐT hiện nay. Bà Phạm Thúy Nga - Trưởng phòng Chính sách và Phát triển sản phẩm Vietcombank cho biết, hiện tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố của ngân hàng này chỉ mới ở mức xấp xỉ 1% trên tổng dư nợ, nên vẫn còn nhiều cơ hội cho NĐT.

Ngoài EPS, bà Nga cho biết, trong thời gian tới Vietcombank sẽ còn liên kết thêm với nhiều CTCK khác để tạo điều kiện phát triển dịch vụ này. Tuy nhiên, vẫn theo bà Nga, Vietcombank sẽ thực hiện triệt để chủ trương của NHNN. Nghĩa là, cho dù hạn mức dư nợ cho vay cầm cố vẫn nằm dưới ngưỡng quy định, nhưng nếu NHNN chỉ đạo tạm ngưng, Vietcombank sẽ tuân theo. Cũng cần phải thấy rằng, Vietcombank là một trong những ngân hàng triển khai cho vay cầm cố CK chậm nhất trong khối ngân hàng quốc doanh. EPS cũng được xem là đơn vị đầu tiên được sử dụng nguồn vốn của ngân hàng này để cho NĐT vay cầm cố cổ phiếu. Trước đó, Agribank và BIDV là hai ngân hàng quốc doanh đã đẩy mạnh việc cho NĐT vay cầm cố thông qua các CTCK.

Mới đây, CTCK Sài Gòn (SSI) - Chi nhánh Hà Nội và Sở giao dịch Agribank đã liên kết thực hiện việc cho vay cầm cố cổ phiếu niêm yết. Các NĐT có tài khoản tại sàn SSI (Hà Nội) và SSI (Hải Phòng) đều có thể vay vốn kinh doanh CK, với 30% thị giá cổ phiếu cầm cố. Ngày 17/12 vừa qua, SSI và Sở giao dịch Ngân hàng liên doanh VID Public cũng đã liên kết thực hiện cho vay cầm cố cổ phiếu niêm yết. Cổ phiếu cầm cố là loại CK đã được niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM và TTGDCK Hà Nội có thị giá tại phiên đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất lớn hơn hoặc bằng 100.000 đồng và theo danh sách đã được Ngân hàng VID Public chấp nhận. Tỷ lệ cho vay được áp dụng bằng 400% mệnh giá nhưng không quá 40% thị giá cổ phiếu.

Như vậy, đây là thời điểm khó khăn khi hạn mức 31/12 đã gần kề, nhưng không có nghĩa là đã hết cơ hội vay cầm cố CK, vì tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố của khối ngân hàng quốc doanh vẫn còn khá rộng rãi. Bên cạnh đó, một số NHCP cho biết, sau khi tổng dư nợ tăng lên, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ đầy tiềm năng này.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Vì sao phải quy định lượng đặt mua tối thiếu? (28/12/2007)

>   Cán đích vẫn lo (28/12/2007)

>   Phạt nặng hơn (28/12/2007)

>   Quỹ VF4 nhận cam kết đầu tư 700 tỷ đồng (28/12/2007)

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết cho CTCP Sản xuất thương mại Thiên Long (27/12/2007)

>   DHA: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của cổ đông nội bộ (27/12/2007)

>   ITA công bố thông tin tức thời (27/12/2007)

>   VID niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (27/12/2007)

>   FAQUIMEX: Thông tin chấp thuận niêm yết (27/12/2007)

>   COM: Nghị quyết HĐQT (27/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật