Cán đích vẫn lo
Trái với lo lắng của báo giới và những gì trước đây một số ngân hàng vẫn lớn tiếng rằng, sẽ không thể đưa tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán về 3% tổng dư nợ như quy định của Chỉ thị 03, thời điểm này hầu như ngân hàng nào cũng thở phào báo cáo “đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu”.
Báo chí thì cứ đổ lỗi rằng, vì Chỉ thị 03 nên thị trường mới khốn đốn giảm mạnh do cửa ngân hàng đã khóa chặt với đồng vốn. Nhưng thực tế thì sao, chính một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Khóa đằng này thì phải tìm cách mở đằng kia, không thì chết!”. Ấy là ông muốn chỉ ra rằng, để gồng mình cán đích, nhiều ngân hàng đã chạy đua cho vay tiêu dùng, chạy đua bơm vốn vào thị trường một cách quá dễ dãi. Nhìn lại cả năm 2007, khối lượng tiền ngân hàng bơm vào nền kinh tế lên tới hơn 300.000 tỷ đồng - mức lớn nhất từ trước đến nay. Không thể phủ nhận vai trò huyết mạch của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế đầy năng động, song thực trạng một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng lên tới 700 - 800% so với năm trước dấy lên không ít lo lắng trong giới chuyên gia. Quy mô tăng nóng như vậy, liệu ngân hàng có thực sự chọn được dự án tốt, có kiểm soát được rủi ro, có bám sát được thực tế sử dụng vốn của doanh nghiệp, cá nhân? Nếu không được nhìn nhận nghiêm túc, nguy cơ nợ xấu, khủng hoảng có thể xảy ra và gây rủi ro cho cả nền kinh tế. Khi ấy lo ngại rủi ro bong bóng khi ngân hàng đổ vốn vào chứng khoán cũng chỉ xếp thứ yếu.
Ngay cả trong nội bộ cơ quan quản lý cũng có ý kiến cho rằng, có vẻ như Chỉ thị 03 là nguyên nhân gây ra tăng trưởng tín dụng quá nóng. Thời gian qua có thể thấy, việc ngân hàng đua nhau mở rộng hoạt động, quy mô lớn, áp lực có doanh thu lợi nhuận cao là điều dễ nhận thấy. Cho vay chứng khoán lợi nhuận cao, thật khó bỏ và chưa chắc đã kém an toàn hơn các lĩnh vực khác. Với công thức 3%/tổng dư nợ, để việc cho vay không vi phạm, để có kết quả đẹp chỉ có cách duy nhất là tăng mẫu số, không ít tín dụng trá hình (thực chất là đổ vào chứng khoán) gia tăng. Rủi ro kinh tế và hệ thống ngân hàng chưa hẳn đã kém, và điều nguy hiểm hơn là trong khi cơ quan quản lý cố gắng tạo ra những thiết chế để đưa các định chế tài chính hoạt động ngày càng chuẩn mực, minh bạch thì những chính sách như vậy vô hình trung lại làm cho một bộ phận ngân hàng hoạt động kém minh bạch và phải nguỵ trang bằng muôn vàn hợp đồng ẩn danh khác.
Giám đốc một ngân hàng cổ phần từng nói, nếu như cần phải lách thì họ có muôn vàn cách để lách Chỉ thị 03. Một chính sách đúng đắn, cần thiết để duy trì thị trường phát triển bền vững nhưng chỉ có hiệu lực trên giấy, còn thực tế tiền vẫn sẵn sàng chảy vào chứng khoán thì liệu liều thuốc ấy có còn ý nghĩa? Nhìn sang Trung Quốc, các ngân hàng không khống chế cho vay kinh doanh chứng khoán nhưng để đảm bảo an toàn cho trái tim của nền kinh tế cũng như TTCK bớt nguy cơ bong bóng, Ngân hàng Trung ương nước này đã 10 lần tăng tỷ lệ dự trữ trong năm và hiện duy trì ở 14,5%.
ĐTCK
|