!
Thứ Năm, 01/11/2007 15:10

Chấm dứt dùng tiền Nhà nước cứu các ngân hàng đổ vỡ

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) đang xây dựng Đề án Tiếp nhận và xử lý các tổ chức tài chính - ngân hàng bị khủng hoảng. Đề án này sẽ hình thành cơ chế cảnh báo và xử lý khủng hoảng ngân hàng một cách chuyên nghiệp và tuân theo thị trường. Việc dùng tiền của Nhà nước để cứu các ngân hàng đổ vỡ cũng sẽ chấm dứt.

Xử lý khủng hoảng: 10 năm chưa xong

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, cách đây vài năm, khủng hoảng xảy ra với Ngân hàng Á Châu, Phương Nam hay Ngân hàng Cổ phần Nông thôn Ninh Bình. Nguyên nhân là do những tin đồn không chính xác về lãnh đạo hay hoạt động của ngân hàng, hàng ngàn người đã đổ xô đến rút tiền gây cho ngân hàng nhiều nguy cơ đổ vỡ. Đấy thực ra chỉ là một trường hợp nhẹ trong các kịch bản khủng hoảng. Các tổ chức này chỉ gặp khó khăn đột xuất và mất khả năng chi trả. Tuy nhiên, việc xử lý cũng rất lúng túng và mất hàng tháng trời.

Đặc biệt, hai ngân hàng cổ phần là Nam Đô và Việt Hoa đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ năm 1997, đến nay đã 10 năm mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Ngân sách đã bơm vào đó một khoản tiền khá lớn để khắc phục nhưng vẫn chưa biết đến bao giờ mới xử lý xong.

Đến nay, Ngân hàng Việt Hoa vẫn nợ trong nước 115 tỷ, nước ngoài 95 triệu USD mà không ai có thể trả lời là bao giờ trả được. Với Nam Đô, Nhà nước đưa vào khoảng 300 tỷ nhưng đến nay Nhà nước không thu hồi được 1 đồng nào, các ngân hàng thì vẫn còn nhưng là một món nợ khó xử lý.

Thậm chí, không thể quên 8 ngàn HTX và quỹ tín dụng bị đổ vỡ vào những năm 1990 mà hậu quả để lại rất nặng nề cho cả Nhà nước, người gửi tiền. Đến tận bây giờ, hệ thống quỹ tín dụng cũng chưa hẳn đã xóa hết những "dư âm" từ sự sụp đổ hàng loạt trước đây.

Trong khi đó ở Mỹ, ngân Ngân hàng Hamilton xảy ra khủng hoảng do cho vay quốc tế thiếu thận trong và quản lý yếu kém, dẫn đến đổ vỡ vào năm 2003 người ta chỉ mất có 90 ngày để xử lý và tỷ lệ tài sản thu hồi là 98%, tất cả người gửi tiền đều được bảo hiểm. Ở Hàn Quốc, từ 5 ngân hàng nhỏ, yếu kém, Chính phủ đã chủ động tái cơ cấu bằng cách bơm thêm 12,8 tỷ USD vào làm lành mạnh hóa tài chính, tiến hành hợp nhất thành Tập đoàn tài chính Woori, sau đó cổ phần hóa rút vốn nhà nước về. Từ 5 ngân hàng sắp phá sản đã trở thành định chế tài chính hàng đầu Hàn Quốc với 93 tỷ USD.

Tuân theo quy luật quốc tế: Không thể chậm hơn

Theo ông Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc DIV, đến thời điểm này mới nghiên cứu cơ chế phí bảo hiểm tiền gửi theo rủi ro và cơ chế xử lý khủng hoảng là muộn. Đến bây giờ, chúng ta phải thực hiện, nhất là khi chúng ta ký BTA vào WTO thì không thể chậm hơn được nữa.

"Chuyển sang kinh tế thị trường thì cần giã từ những gì còn lại của cơ chế bao cấp, điều này sẽ có lợi về lâu dài cho Nhà nước, các tổ chức và người dân. Có những cái lợi dài hạn không hẳn đã nhận ra ngay khi uy tín quốc gia ngày càng nâng cao, có thêm cơ hội đón nguồn vốn đầu tư và vay vốn với lãi suất thấp," ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh, khi hội nhập quốc tế, các tổ chức tín dụng Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức cạnh tranh. Sẽ có tổ chức tốt ngày càng phát triển, có tổ chức kém bị phá sản; có tổ chức vốn nhỏ có thể bị các ngân hàng lớn thôn tính... Tất cả những tình huống này cần được các cơ quan chức năng tiên liệu trước và có biện pháp sẵn sàng ứng phó. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý về phá sản phù hợp với môi trường tài chính đặc thù Việt Nam, chưa phân công trách nhiệm trong chia sẻ thông tin và xử lý đổ vỡ, thời gian xử lý quá dài và tài sản thu hồi thấp.

Trong đề án tiếp nhận và xử lý khủng khoảng, các chuyên gia tư DIV đã định ra 7 kịch bản tiếp nhận và xử lý khủng hoảng như: Tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn đột xuất và tạm thời mất khả năng chi trả; tổ chức mất khả năng thanh toán, đứng trước nguy cơ đổ vỡ nhưng đã xây dựng được kế hoạch khả thi để tự phục hồi; tổ chức mất khả năng thanh toán, không thể tồn tại và đã có một tổ chức tài chính lành mạnh đồng ý tiếp nhận; các tổ chức nhỏ tự thỏa thuận với nhau trong việc hợp nhất thành tổ chức có quy mô lớn; tổ chức tín dụng nhỏ phải hợp nhất theo chỉ định; tổ chức mất khả năng thanh toán, không thể tồn tại và không có tổ chức nào đồng ý tiếp nhận; khủng hoảng hệ thống với các tình huống hoảng loạn rút tiền quy mô lớn, sụp đổ có tính dây chuyền.

Đi cùng với mỗi kịch bản sẽ có những giải pháp phù hợp. Bên cạnh các quy định, công cụ hiện có, DIV sẽ xây dựng thêm 2 công cụ là ngân hàng bắc cầu, công ty quản lý và khai thác tài sản của tổ chức bị đổ vỡ.

Ông Sơn nhấn mạnh, hoạt động ngân hàng đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng chính sách xử lý khủng khoảng chưa có. Đã đến lúc Việt Nam phải tuân theo thông lệ quốc tế với nguyên tắc, minh bạch, hiệu quả bảo đảm quyền lợi và giảm tối đa sử dụng ngân sách.

Nếu như trước đây có khủng hoảng hay đổ vỡ đều trông chờ ngân sách giải quyết thì nay phải thay đổi, khủng hoảng khu vực nào thì chí phí sẽ do khu vực đấy bỏ ra để xử lý. Bảo hiểm tiền gửi là tổ chức đặc thù trong mạng an toàn tài chính quốc gia đứng ra thực hiện điều này. Thậm chí, theo thông lệ quốc tế thì DIV có thể sẽ tham gia cảnh báo khi có dấu hiệu, xử lý khủng hoảng và cả tái cấu trúc tài chính cho các tổ chức tài chính có vấn đề.

Phí rủi ro thay thế phí đồng hạng

DIV đang xây dựng Đề án Hệ thống phí trên cơ sở rủi ro. Theo đó, việc thu phí đồng hạng, áp dụng thống nhất cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ thay thế bằng phí phí rủi ro. Đây là phí được xác định trên cơ sở đánh giá rủi ro của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; rủi ro ở mức độ nào sẽ có quy định mức giá phí hợp với nguyên tắc là rủi ro cao thì phí cao và rủi ro thấp thi phí thấp. Phí rủi ro sẽ khuyến khích các hoạt động hiệu quả hơn.

Càng giảm thiểu rủi ro thì càng có phí thấp, càng giảm thiểu rủi ro thì chất lượng và uy tín càng cao, nhất là khi niêm yết và hoạt động trên thị trường chứng khoán. Việc đánh giá rủi ro của các tổ chức sẽ được tiến hành một cách độc lập, theo tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chí đánh giá sẽ được hài hòa giữa định tính và định lượng, theo các tiêu chí công khai mà chính các tổ chức cũng có thể tự đánh giá về mình

Theo yêu cầu hội nhập, phí đồng hạng không phù hợp do thiếu minh bạch và không công bằng. Việt Nam đã cam kết với các tổ chức quốc tế việc xây dựng phí rủi ro nhưng hơn hết đây là nhu cầu của Việt Nam trong xây dựng và vận hành các cơ chế an toàn tài chính theo thị trường.

VNN

Các tin tức khác

>   Đằng sau việc USD mất giá (01/11/2007)

>   “Thu ngân sách sẽ giảm dần phụ thuộc vào bên ngoài” (01/11/2007)

>   Vàng, dầu thô cùng đội giá (01/11/2007)

>   Phương án mới cho thuế thu nhập cá nhân (01/11/2007)

>   Dịch vụ ngân hàng Việt Nam: Quá sơ khai (01/11/2007)

>   Nhân viên ngân hàng lừa 37,2 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán (01/11/2007)

>   FED cắt giảm lãi suất USD xuống còn 4,5% (01/11/2007)

>   Sẽ hạ thuế nhập khẩu linh kiện ôtô (01/11/2007)

>   Chính phủ yêu cầu giảm thuế thực phẩm và tăng thuế bất động sản (01/11/2007)

>   Vietcombank bị sự cố trên toàn hệ thống (31/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật