!
Thứ Năm, 01/11/2007 10:29

Dịch vụ ngân hàng Việt Nam: Quá sơ khai

 "... Việt Nam có hơn 80 triệu dân và những người có thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn rất ít. Đây là một mảnh đất hoang - có nghĩa là còn rất nhiều “đất” để khai thác. Nhưng nếu nhìn vào số lượng ngân hàng đang hoạt động và tiềm năng thực sự nhưng chưa được tận dụng hết của 80 triệu dân Việt, thì có ý kiến cho rằng thị trường ngân hàng Việt Nam là quá chật chội..."

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tiềm năng không nhỏ nhưng dịch vụ quá sơ khai”

Việt Nam có hơn 80 triệu dân và những người có thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn rất ít. Đây là một mảnh đất hoang có nghĩa là còn rất nhiều “đất” để khai thác. Nhưng nếu nhìn vào số lượng ngân hàng đang hoạt động và tiềm năng thực sự nhưng chưa được tận dụng hết của 80 triệu dân Việt Nam, thì có ý kiến cho rằng thị trường ngân hàng Việt Nam là quá chật chội.

Nhưng hầu hết các ngân hàng quy mô còn nhỏ, dịch vụ còn thô sơ nên tôi nghĩ rằng tiềm năng của thị trường ngân hàng ở Việt Nam còn rất lớn vì nó chưa được khai thác nhiều, tức là còn rất nhiều chỗ trống cho các dịch vụ mới, cho việc mở rộng thị trường. Số lượng các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng tư nhân, ngân hàng cổ phần, ngân hàng nước ngoài hiện nay ở Việt Nam rất nhiều nhưng nếu như người nào tài, người nào khéo, thì còn mở rộng thị phần của mình được rất nhiều.

Còn những người còn lại bị bật ra hoặc bị ép vào một góc, thì có thể đối với họ thị trường này là chật chội. Nhưng tôi nhắc lại là thị trường ngân hàng ở Việt Nam là một miền đất chưa được khai phá, tuy rằng có nhiều người đến nhưng họ chưa có nhiều công cụ trong tay, chưa có nhiều kinh nghiệm nên mỗi ông có thể khai khẩn được vùng đấy ấy một ít thôi, nếu khai thác hết công suất, thì thị trường ngân hàng Việt Nam không hề chật.

Theo tôi thì bất kì người dân nào cũng là khách hàng tiềm năng của dịch vụ ngân hàng dẫu là người nghèo. Vấn đề là người ta dùng bao nhiêu và dùng như thế nào. Khi người dân được tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng, thì họ có khả năng làm giàu nhiều hơn, làm kinh doanh dễ hơn và lúc đó nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.

Ở Việt Nam, dịch vụ ngân hàng thương mại chỉ mới thực sự hoạt động khoảng gần hai chục năm trở lại đây. Trước kia là không có, tuy rằng cũng có ngân hàng nhà nước nhưng thực sự họ không hoạt động theo đúng nghĩa của nó. Họ là một ông thủ quỹ của nhà nước và ông ấy chỉ có nhiệm vụ in tiền và phát tiền chứ ông ấy không biết gì về dịch vụ ngân hàng cả. Tức là toàn bộ hệ thống ngân hàng của Việt Nam những năm 90 trở về trước là coi như không có.

Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đã có những sự phát triển rất mạnh. Nhưng mạnh đến thế nào thì cũng mới chỉ là bước đầu bởi vì trước đó nó chưa có. Chúng ta phải học lại hết, từ những người quản lý nhà nước cho đến những người làm ngân hàng thương mại dẫu là quốc doanh hay là tư nhân. Và chính vì thế dịch vụ còn rất thô sơ: Chủ yếu là nhận tiền gửi, mở tài khoản, cho vay, bảo lãnh, nhận cầm cố, thế chấp, sản phẩm thì chưa có nhiều.

Ở các nước phát triển mạnh họ có vài ba nghìn sản phẩm khác nhau còn ngân hàng Việt Nam được gọi là mạnh lắm thì cũng chỉ có được dăm ba trăm loại. Quan trọng nhất đây là một ngành dịch vụ, mà đã là một ngành dịch vụ thì sự phong phú của nó hoàn toàn phụ thuộc vào đầu óc của những người tạo ra sản phẩm đó. Tuy rằng phát triển rất nhanh nhưng vẫn còn sơ khai và đi sau các nước khác rất nhiều. Dịch vụ của ngân hàng ở Việt Nam còn thiếu, nghèo nàn, sơ khai và là mảnh đất rất là hoang để cho người nào có công cụ, người nào có đầu óc, người nào nhanh nhạy có thể khai phá. Đó là một cơ hội không nhỏ.

Bà Nguyễn Thu Hà – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank: “Nhân lực thừa nhưng thiếu nguồn nhân lực cao cấp”

Nhân sự trong ngành ngân hàng hiện nay có nhiều bất cập xuất phát từ nhu cầu hội nhập cũng như nhu cầu mở rộng thị trường. Các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam mang theo rất nhiều cái mới: Tư duy mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới, công nghệ mới, họ cũng muốn sử dụng nguồn nhân lực có sẵn của Việt Nam để triển khai những thứ mới đó nhưng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay chưa bắt kịp được với nhu cầu bề ngoài cả cả về số lượng và chất lượng. Cả hai điểm đó còn rất nhiều hạn chế.

Có một số mảng công việc truyền thống như công việc tác nghiệp cụ thể: Bán sản phẩm, giao tiếp với khách hàng, sử dụng các dịch vụ đơn giản, thì cán bộ của chúng ta có thể đáp ứng được. Nhưng chúng ta thiếu những chuyên gia để thiết kế và cập nhật cái mới, hoặc những chuyên gia trong những lĩnh vực mới phát sinh trong ngành ngân hàng như quản lý đầu tư, quản lý quỹ, tư vấn tài chính doanh nghiệp, cổ phần hóa, phân tích tài chính doanh nghiệp…

Nhân sự của ngành ngân hàng hiện nay đang thiếu những nguồn nhân lực có trình độ cao. Đặc biệt hiện nay chúng tôi đang theo hướng quản trị doanh nghiệp mới nên thiếu cán bộ quản lý cấp cao theo thông lệ quốc tế, thiếu chuyên gia trong lĩnh vực mới như kiểm toán, kiểm soát nội bộ, thiết kế sản phẩm mới hoặc quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế mới. Nhân sự trong các lĩnh vực này hiện nay còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và thêm một điều quan trọng nữa là nguồn nhân lực và cách thức sử dụng nhân lực trong ngành ngân hàng của chúng ta vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp.

Đối với những loại hình dịch vụ mới, sản phẩm mới nó gắn bó chặt chẽ với tất cả hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiện có nên nó đòi hỏi nhân sự phải có một kiến thức tổng hợp và kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng mới có thể thiết kế được. Vì vậy, hiện tại chúng ta vẫn vừa phải sử dụng những nguồn nhân lực đã có kết hợp với đào tạo đội ngũ kế cận để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực cao cấp trong ngành ngân hàng. Về lâu dài, chúng ta vẫn phải sử dụng phương pháp này, còn việc thuê CEO người nước ngoài cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong khi nguồn nhân lực cao cấp của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Ông Trịnh Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc VIB Bank: “Thị trường ngân hàng bán lẻ có nhiều triển vọng và lợi thế”

Theo tôi được biết, đến năm 2010, dân số sống ở khu vực đô thị sẽ đạt 26 triệu, chiếm xấp xỉ 30% tổng dân số. Cơ cấu dân số trẻ dưới 30 tuổi ở mức 57% tại thời điểm hiện tại với đặc điểm năng động, có học vấn cao, thích tiêu dùng, thích thử cái mới... Mức thu nhập tại thành thị cũng đang gia tăng; theo tính toán của Bộ Thương mại cũ, đến năm 2010 GDP bình quân đầu người cao gấp 2,1 lần so với năm 2000 đạt 1.050-1.100 USD/năm, năm 2020 sẽ tăng từ 3,3- 3,6 lần so với năm 2000. Đó là những thuận lợi để phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện hệ thống ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, nhưng mật độ phục vụ còn rất thấp, đạt trung bình 5-6% và khoảng 22% ở một số thành phố lớn, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước láng giềng là rất cao khoảng 70- 80% (Thái Lan, Malaysia). Theo đó, tôi cho rằng tiềm năng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam còn rất lớn, còn nhiều cơ hội cho các ngân hàng nói chung và VIB Bank nói riêng.

Bản chất của ngân hàng bán lẻ là cung cấp những sản phẩm dịch vụ của ngân hàng cho từng phân đoạn khách hàng, do đó, nó đòi hỏi sự thâm nhập sâu vào thị trường để tìm hiểu và thỏa mãn tối đa nhu cầu đa dạng của từng phân đoạn khách hàng cụ thể. Ngân hàng nội địa sẽ phát huy thế mạnh năng động và linh hoạt trong việc biến đổi bản thân để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đa dạng đó của thị trường.

Trong khi đó, ngân hàng nước ngoài sẽ cần một thời gian dài để đáp ứng với một thị trường phức tạp về thể chế cũng như là đặc điểm đa dạng về nhu cầu của người dân như tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, với ưu thế về mạng lưới chi nhánh trải rộng trên toàn quốc, các ngân hàng nội địa đã sẵn sàng chào đón sự gia nhập thị trường ngân hàng bán lẻ của các “đại gia” trên toàn cầu như Citibank, HSBC, ANZ, Standard Charter Bank…

Vietimes 

Các tin tức khác

>   Nhân viên ngân hàng lừa 37,2 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán (01/11/2007)

>   FED cắt giảm lãi suất USD xuống còn 4,5% (01/11/2007)

>   Sẽ hạ thuế nhập khẩu linh kiện ôtô (01/11/2007)

>   Chính phủ yêu cầu giảm thuế thực phẩm và tăng thuế bất động sản (01/11/2007)

>   Vietcombank bị sự cố trên toàn hệ thống (31/10/2007)

>   Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Vietcombank và Incombank (31/10/2007)

>   Ngân hàng trung ương Thụy Điển nâng lãi suất cơ bản lên 4% (31/10/2007)

>   6/11, giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng (31/10/2007)

>   Vietcombank "níu" giá cổ phiếu ngân hàng (31/10/2007)

>   Tính chuyện giảm thuế linh kiện ô tô (31/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật