Khống chế cho vay chứng khoán: Cú sốc mang tên hành chính!
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị 03, về khống chế dư nợ vốn vay chứng khoán. Giới đầu tư chứng khoán coi đây là "cú sốc" mạnh nhất vào thị trường trong giai đoạn hiện nay và chắc chắn kéo dài cho tới hết năm 2007, thậm chí là đầu năm 2008.
Chỉ thị số 03/2007/CT–NHNN, ngày 28/5/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá… cho khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán của Tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% tổng dư nợ của Tổ chức tín dụng đó được ban hành vào đúng thời điểm tính theo quy luật hằng năm là chỉ số chứng khoán sụt giảm, giao dịch cổ phiếu OTC trầm lắng.
"Cú sốc" mang tên biện pháp hành chính
Từ thời điểm đó đến nay đã hơn 3 tháng, đủ thời gian để xem lại những tác động cụ thể của Chỉ thị này đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (NHTM) và nhà đầu tư chứng khoán.
Nằm trong thị trường chứng khoán (TTCK), chịu tác động trực tiếp của Chỉ thị 03 bao gồm cả diễn biến trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (từ đầu tháng 8/2007 chuyển thành Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM – HOSE) và trên thị trường giao dịch cổ phiếu phi tập trung – OTC, cả trên thị trường đấu thầu cổ phiếu phát hành lần đầu – IPO của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá.
TTCK Việt Nam bắt đầu giảm giá từ cuối tháng 4/2007, tháng 5/2007 lại tiếp tục giảm hơn vào tháng 6/2007. Đang trên đà đi xuống với tốc độ lớn, nên Chỉ thị 03 được coi như “cú sốc“ làm cho thị trường chao đảo hơn. Thực tế, nếu như chỉ số VN–Index đầu tháng 6/2007 còn 1.039,66 điểm thì liên tục “tụt dốc”, đến ngày 6/8/2007 chỉ còn 883,9 điểm... đến trung tuần tháng 9/2007 cũng chỉ xoay quanh mốc 900 điểm, tiếp tục biến động phức tạp và giảm mạnh trong những ngày sau đó.
Tương tự chỉ số trên Trung tâm GDCK Hà Nội cũng giảm từ trên 300 điểm xuống còn gần 250 điểm, đến ngày 17/8/2007 chỉ còn 248 điểm… đến trung tuần tháng 9/2007 cũng chỉ xoay quanh mức 250 điểm. Giá cổ phiếu trên thị trường OTC còn sụt giảm mạnh hơn, đến nay giảm khoảng 30% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 03 và giao dịch nhìn chung ở trong tình trạng trì trệ. Cổ phiếu đưa ra đấu giá lần đầu – IPO cũng đạt kết quả thấp và giá giảm.
3% - Ngưỡng khống chế quá khắt khe và không hợp lý
Chỉ thị 03 ban hành cuối tháng 5/2007 có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 7/2007 trong sự bất ngờ và phản ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư, các NHTM cổ phần, công ty chứng khoán, giới nghiên cứu…
Sở dĩ được coi là bất ngờ bởi vì trước đó NHNN cũng chỉ cảnh báo. Đồng thời, theo quy định của luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan, thì việc cho khách hàng vay vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau nếu pháp luật không cấm thì đó là thuộc quyền tự chủ của Tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên đến đầu tháng 7/2007, NHNN mới có văn bản hướng dẫn, theo đó tỷ lệ dưới 3% phải đảm bảo vào thời điểm 31/12/2007. Điều đó có nghĩa là tác động của Chỉ thị 03 đến TTCK sẽ còn kéo dài ít ra là đến hết năm 2007 và chắc chắn sẽ còn kéo dài sang đầu năm 2008.
Bởi vì các hợp đồng tín dụng cho vay vốn đầu tư chứng khoán ký kết giữa ngân hàng và khách hàng có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Nhiều hợp đồng có thời hạn cho vay 9 tháng và 12 tháng, được ký kết trước tháng 6/2007, có nghĩa là đến 31/12/2007 chưa đến hạn trả nợ. Do đó không thể vì thực hiện Chỉ thị 03 mà các NHTM đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu khách hàng trả nợ trước hạn được.
Tại thời điểm ban hành Chỉ thị 03, phần đông các NHTM cổ phần cho vay đầu tư chứng khoán có tỷ lệ cho vay lĩnh vực này lên tới 7-10%, cá biệt có NHTM cổ phần lên tới trên 40%. Do đó ngay từ khi Chỉ thị 03 ban hành, các NHTM đã ngừng không cho khách hàng vay vốn với bất cứ hình thức bảo đảm tiền vay nào để đầu tư chứng khoán, mua cổ phiếu. Nên ngay từ thời điểm đó dòng vốn tín dụng từ kênh NHTM đã bị chặn lại không được chảy sang TTCK.
Hơn nữa, biện pháp can thiệp hành chính đó của NHNN không những chặn dòng vốn từ ngân hàng chạy sang TTCK, mà còn thu hút vốn từ TTCK về hệ thống ngân hàng với khối lượng rất lớn thì mới đảm bảo được tỷ lệ dưới 3%, đã tác động lớn đến giá cả chứng khoán và TTCK.
Đến kỳ hạn trả nợ, hàng loạt nhà đầu tư phải lo bán cổ phiếu, bán chứng khoán với bất kỳ giá nào để có nguồn trả nợ ngân hàng.
Đối với nhiều hợp đồng tín dụng tuy chưa đến hạn trả nợ, nhưng tài sản đảm bảo tiền vay là cầm cố cổ phiếu, chứng khoán, song giá chứng khoán và giá cổ phiếu giảm mạnh, giá trị tài sản đảm bảo tiền vay sụt giảm mạnh tới 40%-50%, thậm chí 60%, nên theo cam kết trong hợp đồng tín dụng, các NHTM cho vay vốn yêu cầu nhà đầu tư phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo, hoặc rút giảm nợ vay.
Trong trường hợp này phần đông các nhà đầu tư hoặc là phải bán non cổ phiếu, bán non chứng khoán với bất cứ giá nào để rút giảm dư nợ. Đành rằng có một số nhà đầu tư tìm kiếm thêm được tài sản đảm bảo tiền vay để bổ sung cho ngân hàng, nhưng tỷ lệ không phải nhiều. Bởi vậy, Chỉ thị 03 không những chặn dòng vốn từ ngân hàng chảy sang TTCK, mà còn tạo ra dòng chảy ngược, từ TTCK tiền bắt buộc phải thu hút trở lại ngân hàng.
Kiểm soát: không có nghĩa là ngăn chặn lưu thông
Từ đầu năm 2007 đến nay hàng chục công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư tài chính được thành lập… cổ đông phải góp hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới, cần tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với mỗi ngân hàng.
Các cổ đông hiện hữu của 34 NHTM cổ phần, hàng chục công ty chứng khoán đang hoạt động cũng phải bằng mọi cách tìm kiếm vốn để góp vào ngân hàng, công ty chứng khoán qua các đợt tăng vốn. Trong điều kiện không vay được vốn ngân hàng, nên cổ đông chỉ còn cách là bán quyền mua cổ phiếu với giá thấp, hay bán cổ phiếu với bất cứ giá nào để có được tiền mặt nộp mua theo đúng thời gian quy định.
Phát triển nền kinh tế theo xu hướng hội nhập quốc tế, giữa các thị trường: thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản, TTCK, thị trường hàng hoá… có mối quan hệ chặt chẽ và liên thông với nhau. Cho vay vốn để kinh doanh chứng khoán không phải là nhiệm vụ, là chức năng của NHTM, song đây là một nghiệp vụ cho vay, là một trong số các lĩnh vực đầu tư của khách hàng vay vốn mà ngân hàng có biện pháp quản trị rủi ro, áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay phù hợp.
Song việc NHNN ngăn chặn việc lưu thông vốn giữa thị trường tín dụng ngân hàng và TTCK bằng biện pháp hành chính không chỉ tác động ngay lập tức mà còn tác động tiêu cực trong thời gian dài. Nếu NHNN coi đây không phải là nhiệm vụ, không phải là chức năng của NHTM thì tại sao không đề nghị quy định trong luật các Tổ chức tín dụng hay văn bản dưới luật do NHNN ban hành; hoặc khi thấy các NHTM cho vay vốn đầu tư chứng khoán không đúng chức năng, không đúng nhiệm vụ thì tại sao không ngăn chặn ngay tức thì (?).
Để vốn từ hệ thống NHTM chảy sang TTCK tăng cao đến lúc đó vội vàng dùng biện pháp hành chính để can thiệp trực tiếp thu hút về, rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực là điều dễ hiểu. Cho đến nay, cơ sở để đưa ra tỷ lệ dưới 3% vẫn chưa có sức thuyết phục. Cách điều hành luôn đi theo sau thực tiễn, chạy theo sau sự năng động, sáng tạo của NHTM, đến khi gặp phải sự phản ứng dữ dội hợp lý của dư luận, của các nhà đầu tư, của các NHTM cổ phần… thì đưa ra nhiều giải thích được coi là “ngụy biện” không có sức thuyết phục.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, NHNN Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, ở nước ngoài chỉ có Ấn Độ khống chế cho vay chứng khoán không quá 5% dư nợ, còn ở các nước khác NHTM được tự quyết định trên cơ sở năng lực quản trị rủi ro của mình. Nếu NHTM nào có năng lực quản trị rủi ro tốt, thì có thể cho vay đầu tư chứng khoán với tỷ lệ cao, ngược lại sẽ bị NH trung ương tuýt còi. Tất nhiên không NHTM nào muốn đẩy mình vào thế rủi ro như vậy.
Kinh nghiệm thế giới
Ông Lê Đắc Sơn – Tổng giám đốc VP Bank cũng khẳng định, ở nước ngoài ngân hàng cho vay vốn đầu tư chứng khoán là chuyện bình thường, nhưng các ngân hàng thường cho vay thông qua quỹ đầu tư, công ty đầu tư căn cứ vào từng mã chứng khoán cụ thể. Song ở các TTCK phát triển trên thế giới tỷ lệ các nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 10%, nên các nhà đầu tư cá nhân vay vốn trực tiếp tại ngân hàng để mua chứng khoán cũng không nhiều.
Theo bà Gerri Walsh, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Mỹ , tại Mỹ, các ngân hàng vẫn cho khách hàng cầm cố cổ phiếu để vay vốn đầu tư chứng khoán. Song người vay phải mua bảo hiểm tại một công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho loại đầu tư này. Mức cho vay thông thường chỉ tương đương 25% giá trị cổ phiếu tính theo giá thị trường tại thời điểm cho vay.
Tại Việt Nam các NHTM cổ phần chỉ lựa chọn một số loại cổ phiếu của các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt để cho vay, thông tin minh bạch, chủ yếu là của NHTM cổ phần khác, công ty chứng khoán có uy tín. Mức vay cũng chỉ gấp 3 lần, tối đa gấp 5 lần mệnh giá, cũng chỉ bằng 30% giá thị trường.
Tại Trung Quốc, Chính phủ và trực tiếp là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng có một số quyết định điều chỉnh khác theo hướng thắt chặt tiền tệ nhằm hạn chế sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế, tác động gián tiếp kiềm chế sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán nước này, chứ không sử dụng biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp.
Theo đó tại thời điểm trung tuần tháng 5/2007, tỷ lệ dự trữ bắt buộc các ngân hàng thương mại phải nộp tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng thêm 0,5% lên tỷ lệ 11,5%. Cũng ở thời điểm trung tuần tháng 5/2007, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng thêm 0,27% lên mức 3,06%/năm, lãi suất cho vay tăng thêm 0,18% lên mức 6,57%/năm. Tiếp đến cuối tháng 7/2007, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lại quyết định tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu năm 2007.
Theo đó lãi suất tiền gửi nhân dân tệ kỳ hạn 1 năm tăng từ 3,06%/năm lên 3,33%/năm, lãi suất cho vay bằng nhân dân tệ cũng kỳ hạn 1 năm tăng từ 6,57%/năm lên 6,84%/năm; đồng thời bỏ ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2007. Đồng thời cũng tại thời điểm cuối tháng 7/2007, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% so với trước đó, lên 12%, bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/8/2007.
Đây là lần thứ 6 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Chính phủ Trung Quốc cũng quyết định giảm mạnh tỷ lệ thuế thu nhập đánh vào lãi suất tiết kiệm từ 20% xuống còn 5,0%, cũng thực hiện từ ngày 15/8/2007, nhằm khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, tác động giảm nguồn tiền này đầu tư vào chứng khoán. Bên cạnh đó tăng cao lãi suất cho vay để hạn chế việc khách hàng vay vốn đầu tư vào chứng khoán. Chính phủ Trung Quốc cũng tăng mức thuế đánh vào hoạt động đầu tư chứng khoán, để tác động gián tiếp hạn chế sự tăng trưởng nóng của TTCK.
TTCK: Không để "nóng" nhưng phải ổn định
Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính, mà trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có biện pháp kiềm chế sự phát triển quá nóng của TTCK nhưng phải đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường này.
Với Chỉ thị 03, với mục đích kiềm chế độ nóng nhưng lại có tác động theo chiều hướng ngược lại, tạo ra diễn biến thiếu ổn định, thiếu bền vững và sự điều chỉnh sâu kéo dài, ảnh hưởng cả đến kế hoạch IPO, và nguồn vốn đầu tư gián tiếp khi mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại thị trường còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Cũng cần phải nói thêm rằng, có ý kiến IMF hoan nghênh Chỉ thị 03 của NHNN. Song trong thập niên 90, Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF đưa ra khuyến nghị hạn mức tín dụng đối với các NHTM Việt Nam và cách đây một số năm thông qua hai khoản vay của chương trình hỗ trợ cải cách theo thể thức tín dụng dự phòng, chương trình hỗ trợ cán cân thanh toán... IMF đưa ra một số khuyến nghị chưa phù hợp mà Việt Nam không áp dụng được, nên cần có nhận thức rộng mở hơn về các khuyến nghị của IMF.
NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính nên có biện pháp can thiệp gián tiếp phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, tạo nên sự phát triển ổn định, vững chắc của TTCK.
Trong các ngày 9 và 10/8/2007, trước sự sụt giảm và để cứu nguy sự sụt giảm của TTCK toàn cầu, NH Trung ương các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bơm thêm vào hệ thống NHTM trên 328 tỷ USD. Trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB bơm ra 95 tỷ euro trong ngày 9/8 và ngày 10/8 bơm tiếp ra 62 tỷ euro, cao hơn nhiều con số bơm ra khi xảy ra cuộc khủng bố ngày 11/9/2001.
Trong ngày 9/8/2007, Cục Dự trữ liên bang Mỹ – Fed bơm ra 34 tỷ USD và trong ngày 10/8/2007 thực hiện 3 lần bơm can thiệp 38 tỷ USD. NHTW Canada, Australia, Nhật Bản… cũng bơm hàng chục tỷ USD vào các NHTM.
Tất nhiên TTCK Việt Nam còn quá nhỏ bé và chưa có sự liên thông với TTCK toàn cầu, nên ảnh hưởng của TTCK quốc tế, cũng như những can thiệp nói trên chưa tác động đến Việt Nam. Song đó cũng là những bài học kinh nghiệm cần tham khảo trong việc NH Trung ương và Bộ Tài chính giữ vai trò ổn định sự phát triển của TTCK.
VNN
|