“Kích cầu” đối với cổ phiếu mới: Lợi bất cập hại
Việc một số công ty chứng khoán quyết định miễn phí giao dịch đối với những cổ phiếu mới niêm yết trong tháng 9 và tháng 10 được coi là động thái tích cực nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu này. Tuy nhiên, chính yếu tố “kích cầu” này sẽ tạo nên những rủi ro nhất định cho cả nhà đầu tư lẫn công ty có cổ phiếu niêm yết.
Mới đây nhất, Công ty Chứng khoán APEC tại Hà Nội cùng các chi nhánh APEC tại TP.HCM và Hải Phòng đã chính thức công bố việc giảm phí giao dịch xuống 0% đối với nhà đầu tư khi thực hiện mua bán các mã chứng khoán được niêm yết trong tháng 9 và tháng 10/2007. Mục đích của việc giảm phí là lôi kéo khách hàng đến mở tài khoản tại APEC. Song chính đơn vị này đã không tính đến những hệ lụy từ quyết định của mình đối với giá cổ phiếu.
Nếu quá trình giảm phí đối với các cổ phiếu mới trở thành một “làn sóng” thì sẽ làm mất bình đẳng giữa các cổ phiếu mới và cổ phiếu cũ. Hệ quả của nó sẽ là những rủi ro về giá cổ phiếu, bởi đây là môi trường tốt cho việc đầu cơ “làm giá”. Với quá trình mua vào, bán ra cổ phiếu không mất phí, nhà đầu tư sẽ dễ trở thành những nhà đầu cơ.
Đầu tư vào những cổ phiếu được giảm phí cũng có nghĩa là đầu tư vào rủi ro. Với lợi thế không mất phí, khối lượng giao dịch đối với những cổ phiếu mới chắc chắn sẽ nhiều hơn và sẽ giảm xuống khi các công ty chứng khoán công bố hết thời hạn khuyến mãi phí dịch vụ. Do đó, việc các công ty chứng khoán giảm phí sẽ tạo thêm khối lượng giao dịch “ảo”.
Nếu so sánh, lợi ích kinh tế mà nhà đầu tư thu được từ việc giảm phí sẽ nhỏ hơn những rủi ro từ việc “làm giá” cổ phiếu rất nhiều. Đáng nói là, quá trình “làm giá” cổ phiếu thường khó nhận biết và có thể kéo dài theo từng tầng, từng nấc giá, nên nhà đầu tư sẽ có thể mắc sai lầm tới vài lần khi đầu tư vào những cổ phiếu đó. “Có thể trước mắt, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi, nhưng sẽ không tốt cho việc xác định đúng giá trị và khối lượng của cổ phiếu mới niêm yết nói riêng và phương pháp tính chỉ số chung nói chung”, Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM thừa nhận.
Thực tế, hiện tượng “kích cầu” ở các công ty chứng khoán đã diễn ra từ lâu. Hình thức được ứng dụng phổ biến nhất là thông qua các biện pháp cho vay cầm cố. Theo đó, với một số mã cổ phiếu, công ty chứng khoán đứng ra làm trung gian cho các tổ chức tín dụng để nhà đầu tư có thể mua được nhiều cổ phiếu hơn.
Theo giới phân tích, nếu so sánh các biện pháp “kích cầu” cổ phiếu mới lên sàn, rủi ro từ hình thức tăng tỷ lệ cầm cố sẽ nhẹ hơn so với việc giảm phí, vì nó chỉ giới hạn ở một số công ty chứng khoán, nên khó tạo thành “làn sóng” đầu cơ. Cũng theo giới phân tích, việc áp dụng biện pháp nào cũng đều có thể tác động trực tiếp tới khối lượng và giá cổ phiếu, đồng thời tạo thêm sự phức tạp cho thị trường. Thị trường vừa trải qua một đợt điều chỉnh giảm và diễn biến vẫn còn phức tạp, do vậy, nhà đầu tư cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.
ĐTCK
|