Cạnh tranh làm tăng tính chuyên nghiệp
Phân tích kỹ thuật đang là mảng nghiệp vụ rất quan trọng trong việc phát triển tính chuyên nghiệp và thu hút khách hàng của các công ty chứng khoán hiện nay.
Với giá trị giao dịch trung bình trên cả hai trung tâm TPHCM và Hà Nội hiện nay khoảng 500 tỉ đồng/ngày thì hầu hết các công ty chứng khoán (cả cũ lẫn mới) đều nằm trong tình trạng thu không đủ chi. Nhiều công ty chứng khoán đã bắt đầu tìm giải pháp để hạn chế thua lỗ và cạnh tranh với các công ty chứng khoán khác. Chính trong sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, tính chuyên nghiệp của các công ty chứng khoán đã bắt đầu phát triển.
Tìm lợi thế riêng để thu hút khách hàng
Sự tiện nghi, hữu ích của các sàn giao dịch hiện đại, chuyên nghiệp cộng với việc giảm phí môi giới ban đầu hiện nay không còn hấp dẫn các NĐT nữa. Để thu hút khách hàng, một số công ty chứng khoán như: Rồng Việt (VDSC), Hoàng Gia (ROSE)... đã mở các lớp dạy miễn phí cho NĐT. Để tồn tại và khẳng định, các công ty chứng khoán mới đang tìm những lợi thế riêng của mình để cạnh tranh và thu hút các NĐT. Công ty Chứng khoán Gia Quyền (EPS) ngay từ khi mới thành lập đã tạo dựng một cơ cấu khá bài bản theo mô hình của các công ty chứng khoán nước ngoài để xây dựng nền tảng cho sự phát triển vững chắc tiến tới mô hình ngân hàng đầu tư. Công ty Chứng khoán Hoàng Gia (ROSE) tận dụng được đội ngũ nhân viên kinh nghiệm, chuyên nghiệp làm tư vấn đầu tư cho các tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài...
Sau một số bản báo cáo phân tích nhận định thị trường của các tổ chức quốc tế, các công ty chứng khoán như: Bảo Việt (BVSC), Rồng Việt (VDSC), Biển Việt (CBV)... cho ra đời những bản báo cáo về tình hình kinh tế nói chung, về lĩnh vực phát triển từng ngành nghề, về các chủ trương chính sách tác động đến thị trường... Dù những bản phân tích này không có nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận và đánh giá về thị trường, song đây cũng là một bước phát triển mới trong lĩnh vực đầu tư tài chính ở Việt Nam hiện nay.
Phân tích kỹ thuật: Mảnh đất khó vào
Vì thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chuyển động chủ yếu theo quy luật cung – cầu nên phân tích kỹ thuật đang rất cần thiết đối với NĐT. Thực tế, những bản phân tích này mới chỉ thấy xuất hiện ở Công ty Chứng khoán Thăng Long, những công ty còn lại chủ yếu vẫn là tường thuật thị trường. Hiện nay các công ty chứng khoán đang phát triển nghiệp vụ này nhưng còn rất khó khăn, vì mọi phân tích và dự đoán đều được các NĐT theo dõi rất kỹ, sự sai lệch quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến uy tín nghiệp vụ của công ty.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt, các NĐT vẫn thích đến các sàn đông người, dù không tiện lợi và phí giảm như các sàn mới. Đó là do ở đó họ tìm được những lời tư vấn của các NĐT có kinh nghiệm và tìm kiếm thêm thông tin bên ngoài. Nếu ở các sàn mới có những chuyên gia chuyên nghiệp như vậy, chắc chắn họ sẽ tìm đến.
Ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển, tư vấn đầu tư là khâu cạnh tranh chính trong việc thu hút khách hàng. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng trong sự cạnh tranh hiện nay, nếu các công ty chứng khoán chỉ lo hiện đại hóa các kỹ thuật giao dịch thì mới chỉ tạo dựng được phần xác mà chưa có phần hồn. Điều chính yếu là trình độ chuyên nghiệp về phân tích tài chính, phân tích thị trường của công ty. Ở Trung Quốc thời kỳ đầu mới mở cửa thị trường đã có hơn 1.000 công ty chứng khoán, nhưng đến nay chỉ còn khoảng vài trăm công ty. Sự cạnh tranh sẽ giúp các NĐT được hưởng lợi nhiều hơn và sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp cho các công ty chứng khoán.
NLĐ
|