Thứ Tư, 25/07/2007 06:16

Xuất khẩu 2007 có bị “vỡ trận”?

“Kết quả xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2007 chưa như ý, sức ép gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho nửa năm còn lại là cực kỳ khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thành Biên đã nêu vấn đề tại giao ban xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2007 tại TP.HCM hôm 24-7.

Tăng nhưng vẫn lo

Theo ông Phạm Thế Dũng, vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại), dù kết quả xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2007 ước tăng trên 20% so với cùng kỳ 2006 với tổng kim ngạch ước khoảng 22,54 tỉ USD, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng mà bộ đã hoạch định.

“Nếu xét đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của cả năm là 48,1 - 48,3 tỉ USD, rõ ràng chúng ta đang đối mặt với một áp lực rất lớn cho nửa năm còn lại. Điều này không đơn giản chút nào khi một số mặt hàng xuất khẩu trọng điểm có khả năng khó hoàn thành chỉ tiêu của mình”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoại trừ cà phê, dệt may, giày dép, thủy sản, sản phẩm nhựa... vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ổn định, một loạt mặt hàng chủ lực khác lại có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng thấp do nguồn hàng sụt giảm nghiêm trọng.

So với cùng kỳ năm ngoái, gạo chỉ mới xuất khẩu được 2,3 triệu tấn (tương ứng với khoảng 732 triệu USD), giảm 5% về giá và 18% về số lượng. Cao su sau sáu tháng đầu năm chỉ mang về khoảng 527 triệu USD, giảm 4% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, thấp gần bốn lần so với mục tiêu của năm phải là tăng trên 7%. Xuất khẩu dầu thô sáu tháng đầu năm 2007 chỉ đạt 7,7 triệu tấn, giảm đến 6,7% về lượng, trong khi muốn hoàn thành kế hoạch cả năm thì phải đạt 17,5 triệu tấn...

Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thành Biên:

Muốn đạt kế hoạch phải giữ chất lượng

Vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu đang nổi lên rất bức xúc. Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, hiệu quả thì nguy cơ mất thị trường là rất lớn. Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính dành nguồn tiền thích hợp cho việc kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, tuyên truyền giáo dục người dân. Phải lo từ khâu đánh bắt, nuôi trồng đến qui trình chế biến một cách tổng thể, đồng bộ. Về xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ, chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiểu tác động từ chương trình giám sát của phía Mỹ. Trước mắt, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát xuất xứ hàng hóa, ngưng việc tạm nhập tái xuất mặt hàng dệt may nhằm chống chuyển tải bất hợp pháp. Đề xuất này đã được Thủ tướng chấp thuận.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, phó tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN, có khá nhiều lý do khiến xuất khẩu gạo “sa sút phong độ”. “Khan hiếm tàu chở hàng, cước phí vận chuyển tăng gần 40% so với cùng kỳ 2006 đã tác động không ít vào giá xuất khẩu gạo vì phát sinh chi phí lưu kho.

Thế nên dù giá xuất khẩu rất được giá với mức bình quân 290 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 39-40 USD/tấn, nhưng hiệu quả xuất khẩu vẫn thấp”, ông Huệ thừa nhận.

Hạt tiêu cũng rơi vào cảnh “cháy hàng” khi lượng xuất giảm đến 31,1% dù giá xuất khẩu tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. “Ngành hồ tiêu đang bị bạn hàng các nước châu Mỹ và châu Âu hạn chế nhập hàng vì cho rằng tiêu VN bán giá... đắt quá. Chẳng qua họ muốn ép giá, đòi chúng tôi bán giá thấp nên mới nói thế”, ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho biết.

Theo ông Nam, do lượng tiêu xuất khẩu của VN hiện chiếm đến 50% nhu cầu nhập khẩu của thế giới, chất lượng lại rất ổn định nên “không có lý do gì chúng tôi lại không bán với giá tốt nhất”.

Kế hoạch có bị vỡ?

Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thành Biên cho rằng để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2007, một số ngành hàng chủ lực như cà phê, dệt may, thủy sản... phải làm đầu tàu kéo sức tăng trưởng cho toàn ngành.

Một số ngành hàng “có vấn đề” như gạo, dầu thô... vẫn có thể tiếp tục hi vọng hồi phục vì thông thường vào các tháng cuối năm, những ngành hàng này đều có sự chuyển biến tích cực về mặt giá.

Riêng mặt hàng đồ gỗ, sản phẩm nhựa các loại, linh kiện điện tử cũng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng vì nhu cầu sử dụng cũng như kế hoạch xuất khẩu vẫn rất thuận lợi. Đặc biệt, dệt may tiếp tục được kỳ vọng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất khi kế hoạch mang về 7,3-7,5 tỉ USD vẫn khả thi. Hiện kim ngạch bình quân hằng tháng của ngành này đạt trên mức lý tưởng, với 600 triệu USD/tháng. Vì thế đây được xem là đầu tàu kéo con tàu xuất khẩu chung.

Tuy nhiên, theo ông Biên, có một thực tế là các DN buộc phải chịu một áp lực rất lớn khi “sức ép về việc vừa bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu, vừa đảm bảo chất lượng nguồn hàng xuất khẩu là một điều vô cùng khó khăn”.

Thừa nhận điều này, ông Vân Thành Huy, chủ tịch Hiệp hội Cà phê VN, cho rằng dù ngành cà phê cơ bản đã hoàn thành 92% mục tiêu cả năm, sáu tháng cuối năm chỉ còn xuất khoảng 300.000 tấn là đã đạt mức kỷ lục xuất khẩu 1,1-1,2 triệu tấn, mang về 1,5 tỉ USD. “Nhưng nếu 300.000 tấn còn lại chất lượng cà phê không đạt yêu cầu thì mục tiêu coi như... xong”.

Thủy sản cũng nằm trong “tầm ngắm” cần phải ổn định chất lượng khi đây chính là vấn đề sống còn đối với các DN xuất khẩu thủy sản bởi thực tế hiện nay, thị trường Nhật, Mỹ, EU kiểm tra rất gắt gao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt với thị trường Nhật, phía Nhật đã chính thức gửi thư yêu cầu VN cấp bách cải thiện chất lượng thủy sản và giải quyết vấn đề tồn dư kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu sang Nhật.

Thị trường Nga cũng đang làm khó dễ khi sắp tới một đoàn thanh tra cũng sẽ sang VN để kiểm tra lần cuối các cơ sở chế biến thủy sản nhằm xem xét khả năng cho phép nhập khẩu trở lại. Thế nên, để có thể tiếp tục mang về được 2,1 tỉ USD trong sáu tháng cuối năm, giải pháp trước mắt là Nhà nước sẽ chi 50 tỉ đồng để mua năm máy kiểm tra chất lượng thủy sản cho các DN xuất khẩu cũng chỉ nhằm mục tiêu hoàn thành kế hoạch xuất khẩu.

TuoiTre

Các tin tức khác

>   Bosch cam kết hỗ trợ VN phát triển nguồn năng lượng mới (25/07/2007)

>   Ông Nguyễn Minh Triết tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước (25/07/2007)

>   Pacific Airlines mở thêm 2 đường bay nội địa (25/07/2007)

>   Tháng 7: Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhưng vẫn dưới 1% (24/07/2007)

>   Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử trong cả nước (24/07/2007)

>   10 DN VN lọt vào top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á (24/07/2007)

>   Đầu tư phôi thép như thế nào? (24/07/2007)

>   Khó xác định đâu là... tập đoàn (24/07/2007)

>   “Giá sữa sẽ còn tăng lâu dài” (24/07/2007)

>   Gia nhập vùng kinh tế trọng điểm cũng như không (24/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật