Đầu tư phôi thép như thế nào?
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mỗi năm ngành thép phải nhập khẩu tới 60% phôi.
Thiếu phôi thì phải đầu tư nhưng thay vì khởi động bằng các dự án liên kết quy mô lớn, thì các nhà đầu tư đang "riêng một góc trời" với những nhà máy mini...
Không một diễn đàn nào về phát triển công nghiệp liên quan đến ngành thép lại không nhắc tới điệp khúc thiếu phôi. "Bài ca thiếu phôi" còn đi vào trong quy hoạch ngành thép hay kế hoạch hoạt động hàng năm của Hiệp hội Thép và cả trong báo cáo "đánh giá thông tin" ngành này để ngân hàng cho vay vốn khi mua chúng từ các doanh nghiệp chuyên cung cấp "thông tin tín nhiệm doanh nghiệp".
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói: "Ngành thép Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, sản xuất phôi thép năm 2006 mới chỉ ở mức 1,4 triệu tấn, đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu".
Cũng vì phụ thuộc phần lớn vào việc đi mua nên mỗi khi giá phôi nhập khẩu tăng, ngành thép trong nước nhao lên tăng giá. Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nói: "Chỉ trong 6 tháng đầu năm, xây dựng cơ bản của nhà nước phải điều chỉnh đầu tư tăng 1.800 tỷ đồng do giá thép tăng".
Không chỉ gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá (vì thép nằm trong rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng), cung phôi bị thiếu còn là cơ hội cho các nhà máy phôi trong nước "đỏng đảnh". Ông Cường cho biết: "Các nhà máy thép cán muốn mua phôi phải xếp hàng như chờ bốc thuốc".
Thực tế, nếu như các doanh nghiệp phân phối thép có thể nợ gối thép của các nhà máy cán thì các nhà máy cán lại không bao giờ có thể nói đến chuyện nợ tiền mua phôi mặc dù giá phôi hiện đã lên tới mức 9,5 triệu đồng/tấn.
Ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thêm, tại thời điểm hiện nay, ngành thép Việt Nam đang phải mua phôi với giá 515 USD/tấn, tăng khoảng 2 triệu đồng/tấn so với giá phôi trung bình của năm 2006.
Dĩ nhiên, khi thiếu phôi, lập tức thị trường sẽ vào cuộc. Chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, đã có ít nhất 4 nhà máy phôi ra đời.
Một nhà máy ở Hải Phòng, một nhà máy ở Hà Tĩnh đón nguồn quặng Thạch Khê và hai nhà máy ở Bắc Kạn. Chưa kể, một dự án phôi khác của một doanh nghiệp thép đã lên sàn chứng khoán cũng đang hoàn thiện mặt bằng ở Hải Phòng. Còn nếu kể cả trong dự định thì rất nhiều doanh nghiệp thép cán cũng đang phủ kế hoạch làm phôi.
Thế nhưng nguồn thép phế đã bị chặn lại bởi quy định ngặt nghèo của Luật môi trường, nên các nhà máy phôi chỉ có thể trông đợi vào nguồn quặng trong nước và nhập khẩu.
Ông Cường bi quan: "Điều lo nhất là những nhà máy phôi đã khởi công đều là lò cao mini với công suất từ 180 m3 - 220 m3, đã bị một số nước cấm bởi chúng tiêu hao năng lượng than cốc, điện, dầu FO rất lớn. Trong khi những thứ này hầu như phải nhập khẩu".
Một quan chức của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng phàn nàn rằng: "Những lò luyện kiểu này chỉ tổ làm ô nhiễm môi trường vì nếu đầu tư thiết bị xử lý ô nhiễm đạt yêu cầu thì dự án coi như lỗ!".
Điều băn khoăn thứ hai là nguồn quặng. Theo số liệu của một số cơ quan chuyên môn, trữ lượng quặng sắt của Việt Nam khoảng 1,2 tỷ tấn nhưng đó chỉ là con số dự báo. Muốn có được con số chính xác, phải đi từ đo đạc bản đồ, tìm kiếm sơ bộ, tìm kiếm tỷ mỉ, thăm dò sơ bộ, thăm dò tỷ mỉ rồi mới đưa ra con số khẳng định trữ lượng.
Theo một chuyên gia mỏ của VNsteel, con số 1,2 tỷ nói trên chỉ mới dừng ở mức dự báo, ngoại trừ trữ lượng hơn 500 triệu tấn ở mỏ Thạch Khê và 100 triệu tấn ở mỏ Quý Sa là đã được khẳng định chắc chắn. Phần còn lại đều hết sức mơ hồ.
Từ đây, đã nảy sinh ra một hướng khác là mua quặng nước ngoài nhưng hệ thống cảng biển Việt Nam chưa có cảng nước sâu chuyên dùng cho nhập xuất khẩu quặng. Nếu vận chuyển bằng tàu nhỏ thì chi phí giá thành sẽ cao, dự án không khả thi.
Một chuyên gia kinh tế cho biết hiện tại, các nhà máy phôi của Việt Nam "tầm tầm" 300 nghìn tấn/năm, cao hơn một chút là 500 nghìn tấn/năm. Trước mắt, các nhà máy này có thể tồn tại nhưng trong tương lai, khi Nhà máy phôi Thạch Khê và Quý Sa đi vào hoạt động thì chẳng thể nào cạnh tranh nổi.
Đại diện của VNsteel cho rằng: "Một doanh nghiệp nhỏ không đủ tiền đầu tư một công trình đạt quy mô công nghiệp, nhưng nếu Nhà nước có những quy định chặt chẽ về định hướng, đòi hỏi quy mô công suất tối thiểu thì buộc các nhà đầu tư phải bắt tay nhau để làm một cái "ra tấm, ra món". Đó là giải pháp mà các nước vẫn đang làm. Có quy mô hiện đại, đủ lớn khi đó mới áp dụng công nghệ hiện đại".
Theo đó, cơ quan quản lý thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính thì nên đề ra các tiêu chí cụ thể, ví dụ như tiêu chuẩn tiêu hao bao nhiêu đơn vị dầu FO, than cốc, điện trên mỗi tấn phôi.
"Vô hình chung, quy định tiêu chuẩn càng khắt khe, buộc công su tấnhà máy phải lớn thêm và muốn lớn thêm thì các tư bản phải bắt tay hợp tác" - Ông Tam kết luận.
VNE
|