Việt Nam – Cầu nối chiến lược của DN Hàn Quốc
Không chỉ những vấn đề về chính sách, môi trường kinh doanh chung, nhiều doanh nghiệp (trong số hơn 120 doanh nghiệp) Hàn Quốc có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra vào đầu tuần này tại Hà Nội, đã không bỏ lỡ cơ hội làm ăn cụ thể.
Đó là tiềm năng đầu tư vào TP. Đà Nẵng, các biện pháp thúc đẩy Dự án Tháp Hàn Quốc tại TP.HCM. Được biết, riêng về Dự án Tháp Hàn Quốc tại TP.HCM, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đã có buổi làm việc với Thành phố vào ngày 5/7/2007. Tập đoàn Bảo hiểm xuất khẩu Hàn Quốc (KEIC) và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ tài chính cho các dự án có sự tham gia của các đối tác Hàn Quốc thông qua việc cấp bảo lãnh tín dụng xuất khẩu…
Có thể những thông tin cụ thể về các dự án, các cơ hội đầu tư không đủ để chứng minh những thay đổi lớn trong làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Song, trong thông báo chung của Nhóm công tác thương mại - đầu tư với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tại cuộc họp đầu tiên vừa qua, phía Hàn Quốc tiếp tục khẳng định mối quan tâm với các dự án lớn của Việt Nam, như Dự án xây dựng nhà máy điện lớn, Dự án nhà máy sản xuất nhựa PP… và điều quan trọng là được tham gia quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu tại các dự án lớn của Việt Nam một cách công bằng.
Có thể thấy, chiều hướng đầu tư lớn hơn với sự góp mặt của các đại gia, các nhà đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghệ cao của doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng rõ nét. Hầu hết các tên tuổi lớn của Hàn Quốc như Hyundai, Posco, Keppel, Kumho Asiana… đều đã có mặt tại Việt Nam, với các dự án đang triển khai có hiệu quả. Như vậy, song hành với lượng vốn đang có nhiều kỳ vọng tăng lên, chất lượng và quy mô các dự án đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ thực sự tạo nên sự biến đổi về chất. Vị thế của các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ lớn hơn nhiều trong mối tương quan giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với xu hướng này, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc sẽ trở thành một trong những làn sóng chủ đạo đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, trong các cuộc làm việc đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các DN Việt Nam - Hàn Quốc trong việc triển khai các dự án cụ thể, các doanh nghiệp Hàn Quốc như Doosan Vina, Kumho Tires, Ubicom… vẫn phàn nàn về các hạn chế liên quan đến tuyển dụng nhân viên nước ngoài, về quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, thuế thu nhập cá nhân, hệ thống tín dụng thư trong nước… Phần việc của Tổ công tác hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc trong việc triển khai các dự án sẽ không chỉ dừng ở những cuộc họp đầu tiên này.
“Việt Nam, thời kỳ hậu WTO” là chủ đề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời là tâm điểm mà các nhà đầu tư Hàn Quốc hướng tới. Bởi, theo phân tích của chính các nhà đầu tư, nghiên cứu mà các doanh nghiệp Hàn Quốc trao đổi với nhau tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc với sự có mặt của khoảng 450 doanh nghiệp hai nước, thì Việt Nam đang là “cầu nối” chiến lược giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - ASEAN chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 vừa qua.
LĐ
|