Thứ Sáu, 06/07/2007 11:02

Thả nổi giá cước viễn thông

Chính phủ vừa ban hành quyết định cho phép các doanh nghiệp viễn thông được tự ấn định cước dịch vụ của mình. Giới chuyên môn nhìn nhận, động thái này sẽ tạo đà cho những đợt giảm giá có lợi cho người tiêu dùng.

Theo Quyết định số 39 về việc quản lý giá cước dịch vụ viễn thông của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 6, nhà khai thác dịch vụ được tự quyết định giá cước dựa trên biến động thị trường và lợi nhuận của mình. Trước thời điểm áp dụng giá cước mới, các doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với Bộ Bưu chính Viễn thông biết về kế hoạch điều chỉnh. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Bộ sẽ phải trả lời đồng ý hoặc không. Nếu từ chối thì phải đưa ra lý do, còn nếu không có câu trả lời, doanh nghiệp được phép áp dụng theo đúng kế hoạch.

Trước đây, theo cách quản lý giá cước cũ, các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế (trên 30% thị phần) mỗi lần muốn điều chỉnh phải có phương án trình Bộ Bưu chính Viễn thông, trong đó nêu rõ khung giá dự kiến thay đổi. Trên cơ sở khung giá này, Bộ sẽ cân nhắc cho phép doanh nghiệp giảm cụ thể bao nhiêu phần trăm.

Như vậy, điểm mới của Quyết định 39 là dù doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế hay không đều được quyền chủ động về giá.

Một quan chức Tập đoàn VNPT nhận xét, việc cho phép tự định giá cước dịch vụ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động cân đối các chính sách bán hàng của mình. Trước đây, VNPT được xếp vào diện doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần nên bị khống chế về giá cước. Mỗi lần muốn giảm giá, Tổng công ty này phải trình phương án, khung trần - sàn và chờ Bộ quyết định. Trong khi đó, các mạng khác như Viettel hay S-Fone, EVN Telecom... được tự quyết định và chớp cơ hội làm trước.

"Với quy định mới này, các doanh nghiệp sẽ bình đẳng hơn, họ sẽ tự quyết định quyền sống của mình theo hướng lời ăn lỗ chịu. Vấn đề còn lại cách quản lý của Bộ như thế nào", ông này nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng kinh tế, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế - xã hội Hà Nội nhận xét: "Việc thả nổi giá cước viễn thông được coi là liều thuốc hữu hiệu mà Chính phủ đưa ra đúng lúc với lĩnh vực được coi là khá cạnh tranh này".

Theo ông, Chính phủ đang có chủ trương bỏ kiểm soát giá đối với nhiều mặt hàng, dịch vụ chiến lược, trong đó có xăng dầu, viễn thông... Tuy nhiên, việc thả nổi giá cước viễn thông không gây biến động nhiều và phạm vi ảnh hưởng của nó không lớn như mặt hàng xăng dầu. Bởi lẽ thời gian qua thị trường viễn thông đã rất phát triển, cạnh tranh khiến giá cước cũng giảm đáng kể. Trong ngắn hạn, cũng khó có chuyện các doanh nghiệp bắt tay nhau liên minh tăng giá, lũng đoạn thị trường. "Tới đây, sẽ có những đợt giảm giá rất mạnh, có lợi cho người tiêu dùng", ông Phong nhận định.

Trong cuộc trao đổi mới đây với VnExpress, Trưởng ban Hội nhập Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương Võ Chí Thành cũng nhận định: "Việc thả nổi giá cước viễn thông là tất yếu xảy ra vì trong bối cảnh nền kinh tế thị trường Nhà nước không thể cứ quản mãi".

Theo ông, thị trường đã bão hòa, công nghệ ngày một phát triển cho phép nhà khai thác mở rộng nhiều loại hình dịch vụ, theo đó, người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. "Điều này cũng có nghĩa, giá cước viễn thông sẽ ngày một rẻ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, không có doanh nghiệp nào dám tăng giá bán vì làm như thế sẽ bị khách hàng quay lưng lại".

Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng nhấn mạnh, việc cho phép các doanh nghiệp định giá bán sẽ dần xóa bỏ cơ chế xin cho. Một khi giá cước đã dần giảm tới mức giá thành thì các nhà khai thác bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Cơ quan quản lý không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính mà bằng các chế tài xử phạt đối với các hành vi liên kết tăng giá hoặc bán phá giá. "Nếu đơn vị nào dùng vị thế của mình để chèn ép các doanh nghiệp khác chắc chắn sẽ bị thổi còi", ông Thắng nhấn mạnh.

Thị trường viễn thông đã phân chia thị phần rõ ràng, trong đó, 3 nhà khai thác có cùng công nghệ GSM là VinaPhone, MobiFone và Viettel đang thắng thế với trên 90% thị phần. Miếng bánh còn lại thuộc về 3 nhà khai thác sử dụng công nghệ CDMA là S-Fone, HT Mobile và EVN Telecom.

VnExpress

Các tin tức khác

>   1.300 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại TPHCM (06/07/2007)

>   Cầu Cần Thơ: Cả 2 gói thầu đường dẫn đều chậm tiến độ (06/07/2007)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua mạng (06/07/2007)

>   VASEP kiến nghị kiểm tra chặt việc nuôi, chế biến thủy sản (06/07/2007)

>   Việt Nam mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Ấn Độ (06/07/2007)

>   Cảng Đà Nẵng: Đạt sản lượng cao trong 6 tháng đầu năm (05/07/2007)

>   Cuối tháng 9.2007 sẽ quản lý thuê bao di động trả trước (05/07/2007)

>   Hợp tác với công ty của Séc sản xuất xe tải (05/07/2007)

>   Báo Lào ca ngợi Việt Nam thu hút đầu tư hiệu quả (05/07/2007)

>   Nhiệt điện Uông Bí mở rộng đạt công suất tối đa 300MW (05/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật