Trước những thách thức từ thị trường Mỹ: Doanh nghiệp Dệt may tự tin ứng phó
Tin từ Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành tháng 6 đạt 680 triệu USD, nâng kim ngạch XK hàng dệt may từ đầu năm đến nay lên 3,4 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47% kế hoạch năm.
Mặc dù SXKD ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng và hạn ngạch dệt may XK sang Mỹ đã được dỡ bỏ, các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn bởi ảnh hưởng trực tiếp của Chương trình giám sát nhập khẩu (NK) trong 2 năm 2007-2008 và nguy cơ từ các cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng dệt may VN do Chính phủ Mỹ thực hiện.
Thực tế, lượng hàng dệt may XK vào thị trường Mỹ 6 tháng qua chỉ tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tập đoàn Dệt may VN cho biết, đến cuối tháng 6, nhiều khách hàng Mỹ vẫn chưa ký hợp đồng cho quý III/2007, không ít DN NK lớn như Nike, Adidas... còn giảm các đơn hàng gia công tại VN để chuyển sang thị trường khác. Đây là điều chưa từng xảy ra. Sở dĩ như vậy bởi họ đang lo lắng chờ những phán xét đầu tiên về kết quả giám sát của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vào tháng 8 tới. Nếu có những phản ứng bất lợi từ DOC, các nhà NK có thể rút VN khỏi danh sách. Theo kế hoạch, XK dệt may năm 2007 phấn đấu đạt 7,35 tỷ USD, nhưng với tốc độ như 6 tháng qua, kim ngạch XK cả năm không thể về đích. Và, nếu tình hình hiện nay của thị trường Mỹ không sớm được tháo gỡ, XK dệt may sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu, vì Mỹ hiện chiếm 55% thị phần XK dệt may VN, năm qua nhập khoảng 3,04 tỷ USD hàng dệt may nước ta.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu DOC quyết định điều tra phá giá, sẽ có trên 1 triệu lao động ngành dệt may và nhiều triệu thân nhân của họ chịu đói nghèo, nhiều DN VN phải đóng cửa. Ngoài ra, chính các nhà NK Mỹ cũng thiệt hại, vì thị trường cung cấp của VN rất quan trọng với họ. Để đối phó tình hình này, Vitas đang tích cực tiến hành nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc rút đơn hàng từ phía các nhà NK Mỹ như: kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng tác động để Chính phủ Mỹ dừng ngay chương trình giám sát hàng dệt may VN; tổ chức gặp gỡ các nhà NK Mỹ để "trấn an" tinh thần họ, cùng Bộ Thương mại thành lập hệ thống cấp phép XK để tự giám sát hàng dệt may XK, khiến các DN yên tâm và tự tin hơn. Bộ Thương mại cũng có thư gửi DOC và Tổng thống Bush nêu lên những điểm vô lý trong cơ chế này trái với quy định của WTO, và Tổng thống Bush đã cam kết sẽ đảm bảo thực hiện đúng cam kết WTO. Như vậy, các nhà NK có thể yên tâm đặt hàng tại VN. Với đà này, số đơn hàng sẽ tăng nhanh trong mấy tháng cuối năm.
Về phía DN dệt may, Vitas khuyến cáo nên củng cố hệ thống sổ sách kế toán, chứng từ minh bạch, tránh những sai sót với quy chế quốc tế, nhất là vấn đề chuyển tải bất hợp pháp. Đặc biệt, DN không nên nâng giá đơn hàng quá cao để tránh bán phá giá, bởi điều này sẽ làm mất khách hàng, vì các nhà cung cấp đều có giá cạnh tranh với giá quốc tế. Đồng thời DN nên tăng giá trị gia tăng, tính đáp ứng nhanh và phong cách phục vụ, tăng cường xúc tiến thương mại tìm kiếm đơn hàng, nhất là hạn chế XK những lô hàng giá thấp sang Mỹ, đặc biệt, nên tìm cách XK sang các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản... Trên thực tế, không ít DN đang áp dụng nhiều hướng đi tích cực. Điển hình là TCty may Việt Tiến đã hoàn tất các hợp đồng ký với khách hàng Mỹ trong năm 2007, giảm lượng hàng xuất đi Mỹ chỉ còn 30% tổng sản lượng, sang châu Âu 23%, Nhật 28%... Năm nay, TCty ký với Nhật 2 hợp đồng may hàng sơ mi thực hiện trong 5 năm, trị giá 107 triệu USD. Để tránh bị lệ thuộc một thị trường, lượng hàng xuất đi Mỹ của Cty may Tây Đô chỉ còn 1,5 triệu sản phẩm/năm, chiếm 30% tổng lượng hàng XK, còn lại là xuất sang châu Âu (40%) và các nước khác. Cty may Nhà Bè liên tục đầu tư phát triển sản xuất, chuyển mạnh sang những mặt hàng chất lượng cao phù hợp với thị trường, chú trọng phát huy sản phẩm mũi nhọn là bộ veston cao cấp đang XK sang thị trường Mỹ (không thuộc Cat. bị giám sát XK), các nước châu Âu và Nhật Bản với giá trị ngày càng lớn.
Hanoinet
|