“Thương trường là chiến trường” hay "tất cả cùng thắng"?
Sau hàng loạt các vụ vi phạm trong kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm như vụ nước tương có chứa độc tố 3-MCPD; các sản phẩm pha hàn the, phoọc-môn; và gần đây nhất là vụ "phao tin" bồn nước inox có chứa chất gây ung thư... xã hội đã dấy lên câu hỏi "Thế nào là văn hóa kinh doanh (VHKD) của người Việt?".
Đây cũng chính là nội dung chính của buổi hội thảo quốc gia về VHKD do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ hợp giáo dục PACE và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức ngày 28.7 tại TP.HCM.
Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tại Đức, hiện nay đã về Việt Nam làm việc, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam đưa ra những so sánh rất thực tiễn về "đạo kinh doanh" qua phương châm kinh doanh giữa doanh nghiệp (DN) "tây" và "ta". Nếu như ở Mỹ, Nhật, EU... hoạt động cạnh tranh của các DN hướng tới mục tiêu "tất cả cùng thắng, không có kẻ bại" thì hầu hết DN Việt Nam vẫn đang "tâm đắc" với khẩu hiệu "thương trường là chiến trường". Có lẽ, xuất phát từ quan điểm này nên đã xảy ra nhiều vụ cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong thời gian vừa qua.
Nói đến DN Mỹ, người ta nghĩ ngay đến phương thức gắn bó người lao động (NLĐ) với DN bằng cách cho NLĐ cùng làm chủ DN qua việc tạo điều kiện tốt nhất để họ nắm giữ cổ phiếu DN. Đối với Đức và các nước EU, đó là cổ phiếu cộng thêm cho NLĐ bên cạnh một phần bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an sinh xã hội do DN đóng cho NLĐ; DN Nhật Bản lại nổi tiếng bởi chế độ đảm bảo việc làm suốt đời cho NLĐ... Thế nhưng rất khó có thể nêu ra một điển hình hay đặc trưng về VHKD của các DN Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, do hoàn cảnh lịch sử, tinh hoa kinh doanh của người Việt không có đủ thời gian để tích tụ thành đạo kinh doanh nhưng "đạo này đang hình thành và phát triển". Đứng từ góc độ DN, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý SJC cho rằng, chữ "tín" là yếu tố cơ bản trong "đạo kinh doanh". Trong giới kinh doanh vàng có những hợp đồng nhiều tỉ đồng chỉ thỏa thuận bằng một cuộc điện thoại nhưng 100% đều thực hiện dù giá vàng thay đổi, thị trường biến động... Nhưng việc thực hiện chữ "tín" như vậy còn quá ít. Rất nhiều lô hàng Việt Nam bị đối tác nước ngoài trả về vì chất lượng lần 2 không giống lần 1; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hàng xuất khẩu; bội tín với người tiêu dùng trong nước... nên chúng ta vẫn chưa đủ sức xây dựng chữ tín như một hình ảnh tiêu biểu trong VHKD Việt.
Tại sao có những người kiếm tiền nhanh, nhiều đồng thời được xã hội đặc biệt nể trọng nhưng cũng có nhiều người kiếm tiền nhanh, nhiều lại không nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, thậm chí bị xã hội tẩy chay? Câu trả lời chính là sự khác biệt VHKD của mỗi người. Dẫn chứng từ sự thành công của 2 doanh nhân nổi tiếng người Mỹ Henry Ford (người sáng lập hãng xe hơi Ford) và Sam Walton (ông chủ của Wal-Mart), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kết luận: "Đạo kinh doanh của những doanh nhân tiêu biểu này chính là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Bằng hoạt động kinh doanh của mình, họ vừa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho bản thân, vừa đem đến cho thế giới những giá trị vô cùng to lớn".
"Kiếm tiền hay phụng sự xã hội" cũng là vấn đề được ông Giản Tư Trung, người sáng lập PACE đề cập. Theo ông Trung, các huyền thoại doanh nhân dù có nhiều sự khác biệt nhưng cái "đạo" kinh doanh được họ quán triệt ngay bước đầu khởi nghiệp gian khó cho tới lúc thành công. Đó là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như là phương tiện để giải quyết các vấn đề xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Luật gia Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, động cơ tự nhiên cao nhất của doanh nhân là lợi nhuận và lợi nhuận không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trong quá trình săn đuổi lợi nhuận, sự đam mê kinh doanh dễ biến thành sự đam mê tài sản và lúc này, doanh nhân dễ bước qua giới hạn của đạo đức, thậm chí pháp luật.
Thnah nien
|