Thứ Hai, 30/07/2007 06:29

Định giá sự phát triển

Toàn cầu hóa và tự do thương mại có lẽ là hai khuôn mặt chính của lịch sử kinh tế thế giới trong những thập niên qua. Không những mang tính biểu tượng, thành quả mà hai quá trình này đem lại còn có thể ví von như một phép màu.

Phép màu đó biến những thị trấn nghèo hẻo lánh, các khu ổ chuột tồi tàn, những sa mạc khô cằn thành khu công nghiệp tối tân, những thương xá, trung tâm mua sắm tiện nghi, hàng loạt dãy nhà chọc trời hiện đại,…

Một ước mơ bùng nổ như cơn sóng thần từ Á sang Âu, lan rộng đến các nước châu Mỹ La tinh, qua cả lục địa châu Phi còn chìm trong giấc ngủ: sự khát khao của các nước chậm tiến bước nhanh sang kỷ nguyên hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập vào thế giới toàn cầu.

Dưới tác động dòng chảy đó, chưa bao giờ đề tài “phát triển bền vững” lại trở thành thời thượng như hiện nay. Đặc biệt, khi mặt trái của vấn đề càng được các giới nghiên cứu phân tích và đưa ra công luận một cách rộng rãi, có hệ thống. Từ hiện tượng nhiệt hóa địa cầu, ô nhiễm môi sinh, đến các báo động về khoảng cách giàu nghèo đang chênh lệch, sự bất công, không bình đẳng giữa những nhóm khác nhau…

Sự lạc quan về lợi ích của lời hứa toàn cầu hóa và thương mại sẽ đem lại cho tất cả các quốc gia, đang được đặt dưới dấu chấm hỏi lớn.

Một mặt, tăng trưởng kinh tế mang lại nhiều tiền bạc, sản phẩm vật chất. Mặt khác, phát triển hiểu trên một mức cao hơn, bao gồm cả những tiến bộ về phẩm chất cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần. Sự chuyển động chóng mặt của thế giới xung quanh đặt chúng ta vào những bài toán hóc búa của thời cuộc.

Trong số đó nổi bật lên nan đề: nên định giá ra sao con đường phát triển của Việt Nam. Làm gì để đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến các nhu cầu của thế hệ mai sau; để sự thịnh vượng lan tỏa như ánh sáng bình minh chiếu rọi không chỉ các phố phường thành thị mà đến khắp các thôn quê, làng xã; để câu quan họ, giọng ca trù, tiếng hò trên sông Vàm Cỏ không bị chôn vùi trong làn sóng văn hóa pop, rap, hip hop năm châu.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Mọi thứ đều có cái giá của nó”. Và cái giá cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam sẽ được đánh đổi như thế nào?

Nguyên lý đầu tiên của kinh tế học

Trong chương đầu tiên của cuốn sách nhập môn “Những nguyên lý kinh tế học”, giáo sư Mankiw viết rằng: Mặc dù kinh tế học nghiên cứu nền kinh tế dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng môn học này thống nhất với nhau về một số ý tưởng cơ bản mà ông gọi là mười nguyên lý của kinh tế học.

Trong đó, nguyên lý đầu tiên nhấn mạnh: con người luôn phải đối mặt với những sự đánh đổi. Diễn đạt cách khác, quá trình đưa ra một quyết định đòi hỏi phải đánh đổi một mục tiêu này để thực hiện một mục tiêu khác. Sự đánh đổi đó luôn tồn tại trong bất cứ lựa chọn duy lý nào của con người.

Thí dụ kinh điển ở đây ông nêu ra là sự đánh đổi giữa “súng” và “bơ”. Khi chi tiêu cho quốc phòng càng nhiều nhằm tăng khả năng phòng thủ của đất nước (súng), chúng ta phải giảm bớt ngân sách cho các hàng tiêu dùng cho cuộc sống của người dân (bơ).

Thêm một thí dụ khác. Lần này là câu chuyện “ngụ ngôn cửa kính vỡ” của nhà lý luận kinh tế người Pháp Frédéric Bastiat (1801-1850). Bastiat cho rằng vì tầm nhìn thiển cận, con người chúng ta chỉ tính toán lẽ được thua qua những yếu tố thấy được trước mắt, mà bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn.

Minh họa cho lý luận ấy, ông dẫn chứng bằng một câu chuyện ngụ ngôn: Một đứa trẻ ném đá làm vỡ kính, khiến chủ nhà phải thuê thợ lắp tấm kính khác. Mọi người rầy la đứa trẻ ngỗ nghịch, nhưng mừng vì người thợ làm kính đã kiếm được 6 đồng nhờ thay tấm kính vỡ.

Tuy vậy, họ quên đi rằng 6 đồng của chủ nhà đáng lẽ phải được tiêu vào việc khác, thí dụ như mua giày chẳng hạn. Cái mất của tấm kính vỡ là cái được của người làm kính, nhưng cái mất vô hình và không tính ra là của thợ giày.

Lý thuyết này đặt vào trường hợp thực tiễn của Việt Nam cho chúng ta đồng thời hai nhận xét đáng chú ý: (i) Sự tăng trưởng kinh tế là bề mặt nổi của những đánh đổi đang còn khuất dưới tảng băng chìm, (2) Một chính sách dưới tầm nhìn ngắn hạn sẽ chỉ có thể làm lợi cho một nhóm người này, mà có thể bỏ quên đi những thành phần khác.

Trong trường hợp đó, cái giá đánh đổi chắc chắn sẽ mắc hơn gấp nhiều lần. Vậy sau 20 năm đổi mới và chuẩn bị cho chặng đường phía trước, đáp ứng mục đích tăng trưởng kinh tế, chúng ta đã, đang và sẽ phải đánh đổi những gì?

Những bài toán đang tìm lời giải

Có thể nêu ra ở đây ba vấn đề “đánh đổi” nóng hổi hình thành trong quá trình mở cửa kinh tế:

(i) Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Hội nghị cập nhật nghèo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức cuối tháng 3-2007 công bố rằng: Khoảng cách giữa các nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất đang bị nới rộng một cách liên tục và đáng kể.

Cụ thể: năm 1993, chi cho tiêu dùng bình quân đầu người của gia đình giàu nhất cao gấp 5 lần so với gia đình nghèo nhất thì tỷ lệ này tăng lên 6,3 lần vào năm 2004. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi đang có xu hướng ngày càng giãn ra (1993, 20% số hộ có thu nhập cao nhất gấp 4,43 lần 20% số hộ thu nhập thấp nhất, đến 1996 - 7,3 lần; 2005 - 9 lần).

Bài toán bất bình đẳng xã hội, nhất là trong phân phối về mặt vật chất, trước hết là tài sản, thu nhập đang là một tồn tại khách quan trong xã hội (TTXVN, 30-3-2007). Vậy sự đánh đổi của tăng trưởng trong trường hợp này là sự giàu có lên của một nhóm người, và sự bần cùng của một nhóm người khác.

(ii) Báo cáo Môi trường quốc gia 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được công bố ngày 12-4-2007 cho biết các sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ và hệ thống sông Đồng Nai đang chết dần do ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng. Và điều đáng nói là tuyệt đại bộ phận suy thoái môi trường là do chính con người chúng ta gây ra. Những con sông đang chết do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, nước thải y tế…

Không chỉ sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ và sông Đồng Nai đang chết mà những con sông khác, các hồ lớn nhỏ không được nêu trong báo cáo cũng có thể đang chết.

Hình ảnh “những dòng sông chết” khiến chúng ta nhớ lại lời bình luận của TS Nguyễn Sĩ Dũng: Phát triển thì phải có tăng trưởng, nhưng tăng trưởng không đồng nghĩa với phát triển. Một tư duy mới là rất quan trọng cho thời kỳ hội nhập.

Với tư duy này, mọi sự tăng trưởng nhờ vào việc gây thêm tổn hại cho môi trường không thể được coi là phát triển được (TT, 15-5-2007). Quả thật, “không còn môi trường trong lành, giàu có là vô nghĩa”.

(iii) Sự thịnh vượng vật chất đòi hỏi một chuẩn mực lề thói ứng xử về tinh thần tương đương mà chúng ta gọi đó là văn hóa của mỗi con người, rộng hơn nữa là của mỗi quốc gia.

Từ quá khứ đến hiện tại, con người đã trải qua nhiều quá trình từ đơn lẻ đến đồng nhất giữa hai yếu tố này: dựa vào trồng lúa, nuôi gia súc hình thành nên văn minh nông nghiệp; xã hội công nghiệp máy móc ở những năm đầu thế kỷ XIX đòi hỏi một lối tổ chức chuyên nghiệp, trên tinh thần kỷ luật; tiến tới mô hình xã hội thế kỷ XXI yếu tố văn hóa tôn trọng cá nhân, bảo vệ sở hữu tri thức trở thành tiền đề để mở cánh cửa xã hội dịch vụ và tri thức.

Như vậy, hội nhập quốc tế không chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế, mà sâu xa hơn chính là sự va chạm của nền văn hóa dân tộc vươn ra môi trường toàn cầu. Nếu chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên đi những yếu tố văn hóa tinh thần, thì cái giá cho sự đánh đổi này chắc chắn sẽ phải trả lại một lúc nào đó bằng một cái giá khác đắt gấp nhiều lần trong tương lai.

Hạnh phúc ở con đường

Việc nhận thức được những sự đánh đổi trong cuộc sống mang ý nghĩa quan trọng, mặc dù điều đó không cho chúng ta biết cần phải ra những quyết định thế nào. Chính phủ không nên đóng cửa hết các nhà máy công nghiệp với lý do bảo vệ môi trường.

Giảm khoảng cách giàu nghèo dựa trên sức nâng những người còn nghèo, chứ không phải trên sức kéo những người giàu hướng xuống để mọi người “bình đẳng” trong một xã hội ổn định nhưng không phát triển.

Trong khung cảnh của Việt Nam và thế giới như hiện nay, bất kỳ giải pháp cực đoan nào cũng sẽ dễ dẫn đến một hệ lụy không sao lường trước được. Cái cần thiết là một biện pháp dung hòa!

Đi tìm một tư duy mới trong cái khuôn chứa cũ, bất chợt gặp lại ý tưởng từ câu nói của Alfred D’Souza: “Happiness is a journey, not a destination”, tạm dịch: hạnh phúc ở cuộc hành trình, chứ không phải là đích đến. Phát triển là gì nếu những người lao động, lực lượng chủ yếu làm nên sự tăng trưởng kinh tế, song không được hưởng thụ một cách xứng đáng với những thành quả của mình làm ra.

Phát triển là gì, nếu môi sinh bị tàn phá, những cánh rừng, những dòng sông đang chết dần chết mòn; con người hiện đại hơn nhưng không văn minh hơn, nền văn hóa còn bị đóng khung bởi những lề thói lạc hậu. Hơn bao giờ hết, khi đã nhận thức rõ được những phương án lựa chọn, chúng ta phải xác định trách nhiệm  với cộng đồng và môi trường xung quanh hơn.

Ý thức cá nhân, ý thức cộng đồng cần được bày tỏ qua các chính sách, luật pháp nhằm dung hòa lợi ích của những nhóm kinh tế, xã hội,… khác nhau, hướng đến mục tiêu ổn định cho con thuyền kinh tế Việt Nam tiến bước.

Con đường không phải trải hoa hồng, nhưng cũng không đầy chông gai tua tủa. Cảm nhận được hạnh phúc trên hành trình hướng tới tương lai của mỗi cá nhân chính là phép màu kỳ diệu nhất mà phát triển đem lại cho tất cả chúng ta.

Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Các tin tức khác

>   Bộ Công nghiệp trao giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho Cty Điện Quang (30/07/2007)

>   Bàn về đạo kinh doanh của người Việt: Thà muộn còn hơn không! (29/07/2007)

>   Honda Việt Nam bán gần 2.800 chiếc Civic (29/07/2007)

>   Phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (29/07/2007)

>   Thực phẩm chế biến: Miếng bánh ngon còn lớn! (29/07/2007)

>   Phương tiện truyền thông Bỉ giới thiệu về du lịch VN (29/07/2007)

>   Honda khởi công xây nhà máy thứ hai tại VN (29/07/2007)

>   Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh xúc tiến thương mại (29/07/2007)

>   Hải Phòng: Hạ thủy thành công tàu hàng trọng tải 22.500 tấn (29/07/2007)

>   65 triệu USD xây Tổ hợp Crown Plaza tại Mỹ Đình (29/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật