Chủ Nhật, 29/07/2007 23:28

Bàn về đạo kinh doanh của người Việt: Thà muộn còn hơn không!

Lần đầu tiên, hơn 30 nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cùng hơn 200 doanh nhân tiêu biểu trên toàn quốc đã gặp gỡ nhau trong cuộc hội thảo quốc gia để bàn về đạo kinh doanh của người Việt được tổ chức vào sáng ngày 28.7 tại KS Majestic, TP.HCM.

Sự kiện này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ hợp Giáo dục PACE cùng Nhà xuất bản Trẻ đồng tổ chức. Sau đây là ghi nhận về các ý kiến của những nhân vật đáng chú ý có mặt trong buổi hội thảo.

Một câu hỏi được nhiều đại biểu tham dự hội thảo quan tâm là tại sao ban tổ chức lại chọn thời điểm này để nêu vấn đề “Người Việt đã có đạo kinh doanh hay chưa?”.

Theo ý kiến của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Trưởng ban Tổ chức hội thảo, những vụ việc tiêu cực mà báo chí đề cập  đến trong thời gian vừa qua như vụ nước tương có chứa độc tố 3-MCPD, sự có mặt tràn lan của các chất hàn the, phoóc môn trong các loại thực phẩm làm gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng hay gần đây nhất là vụ phao tin bồn nước Toàn Mỹ có chứa chất độc hại là những ví dụ điển hình để dư luận đặt câu hỏi về đạo đức của người kinh doanh ở Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc giải thích về sự cấp bách của một hội thảo quốc gia bàn về đạo đức kinh doanh: “Xác lập được đạo kinh doanh sẽ là bước đầu tiên để chúng ta xây dựng một văn hoá kinh doanh cho doanh nhân Việt. Đó là lý do để tất cả chúng ta cùng ngồi lại và phối hợp để tổ chức buổi hội thảo này”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Một chủ đề rất hay, rất hữu ích và cũng rất khó

Nhà sử học kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc trả lời câu hỏi của Thanhnien Online về lý do khiến ông đặc biệt quan tâm và đồng ý có mặt trên ghế Chủ tịch đoàn tại hội thảo này: “Nghề doanh nhân đã bước sang một giai đoạn mới trong lịch sử kinh thương của nước nhà. Chúng ta tuy có đi chậm so với thế giới bởi những lý do lịch sử nhưng đã đến lúc giới doanh nhân phải trả lời câu hỏi của xã hội: Người Việt đã có đạo kinh doanh chưa? Đây quả là một chủ đề rất hay, rất hữu ích và cũng rất khó!”.

Ông Dương Trung Quốc nói tiếp: Khái niệm “Đạo kinh doanh của người Việt” là một khái niệm mới do thế hệ chúng ta đặt ra. Tuy nhiên, khái niệm này có liên hệ đến khái niệm ”Đạo làm giàu” của thế hệ các nhà Duy Tân ở đầu thế kỷ trước, đặc biệt là cụ Cử Lương Văn Can, người đặt nền móng cho cái gọi là đạo kinh doanh của người Việt.

Theo như nhận xét của Lương Văn Can về những yếu kém trong tư chất con người Việt Nam khi bước vào thương trường từ đầu thế kỷ trước: ”Người mình không có thương phẩm - Không kiên tâm - Không nghị lực - Không biết trọng nghề - Không có thương học - Kém đường giao thiệp - Không biết tiết kiệm - Khinh hàng nội hoá”. Ông Dương Trung Quốc bình luận: Đó là những điều mà đến nay, sau một thế kỷ vẫn tồn tại như di chứng của một căn bệnh mãn tính. Cuộc hội thảo hôm nay đề cập đến những điều còn tồn tại của đạo kinh doanh Việt Nam. Tuy muộn còn hơn không!

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Cái "khó" khi bàn về đạo kinh doanh

Cũng ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn cùng ông Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội bày tỏ quan điểm: “Chúng ta ít nhiều ai cũng biết, ngày xưa cha ông ta thường có tâm lý “trọng nông, ức thương”. Nghề trồng lúa được coi trọng, nghề bán gạo bị dè bỉu. Trong tâm niệm của người xưa, buôn bán thường gắn liền với chuyện lừa gạt, ít nhất là chuyện mua rẻ, bán đắt. Vì vậy, nghề này thường bị coi khinh, thậm chí bị ghét bỏ.

Trước câu hỏi: Người Việt có đạo kinh doanh hay không? Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “Nói có thật không dễ, nhưng nói không cũng thật không dễ”. Trên thực tế, quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam chỉ mới được ghi nhận lại trong Hiến pháp năm 1992. Trong bối cảnh như vậy, tinh hoa kinh doanh của người Việt thật sự khó có đủ thời gian tích tụ lại thành đạo kinh doanh.

Theo ý kiến cá nhân của ông Dũng, cái khó của giới doanh nhân Việt Nam là tìm ra giải pháp để có thể cân bằng giữa việc tối đa hoá lợi nhuận và việc bảo đảm các nghĩa vụ về đạo đức, đóng góp cho xã hội, tuân thủ các quy định về môi trường xã hội, tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên hay thực hiện các biện pháp phòng tránh những biểu hiện lừa dối khách hàng...

Thực tế cho thấy, có rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị biến thành nạn nhân khi dùng phải hàng giả, hàng nhái và những sản phẩm hàng hoá kém chất lượng... Có thể gọi đấy là sự “vô đạo” trong kinh doanh của nhiều người chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của cộng đồng. Ông Dũng phân tích: Trong văn hoá Việt, làm gì cũng phải có “đạo” và kinh doanh không phải là một ngoại lệ.  Chỉ có điều cái “đạo” này đang trong giai đoạn hình thành và phát triển.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Doanh nhân càng ngày càng quan tâm đến văn hoá

Sự xuất hiện của nhà văn Nguyên Ngọc tại hội thảo gây sự tò mò của không ít quan khách tham dự. Trao đổi với Thanhnien Online, ông Nguyên Ngọc khẳng định: Gần đây, không phải do ngẫu nhiên mà giới trí thức và giới doanh nhân trong xã hội ta trở nên gắn bó với nhau hơn. Người trí thức thường trực âu lo về số phận của đất nước và họ đã tìm thấy những người bạn đồng hành đáng tin cậy ở các nhà doanh nghiệp. Chúng tôi cùng âu lo, cùng cần đến nhau lắm lắm!

Nhà văn lão thành chân thành bộc bạch: “Tôi có mấy lần nói, và hình như cũng có người không thật bằng lòng, rằng theo tôi, doanh nhân là tầng lớp tiên tiến, có thể tiên tiến nhất trong xã hội ta hiện nay. Chính họ, chỉ có họ mới là người tiếp xúc, vật lộn với những cái mới nhất, nóng bỏng nhất, cập nhật nhất của thế giới. Họ chính là động lực để tạo nên sự đột phá mới của đất nước”. Theo ông Nguyên Ngọc, chính điều này tạo nên “gốc rễ của cái gọi là văn hoá kinh doanh của người Việt” ngày nay. Ông nói: “Có một tầng lớp doanh nhân ngày càng quan tâm đến văn hoá hơn”  và ông tin rằng đó là triển vọng tươi sáng cho tương lai nước nhà.

Người trong cuộc nói gì?

Sau đây là những ý kiến trích từ tham luận của những nhà doanh nghiệp nói về sự cần thiết cũng như những thách thức đối với  việc thiết lập những chuẩn mực về đạo đức kinh doanh ở Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc đối ngoại công ty Pepsi Việt Nam: Cần nhìn vào bài học từ Trung Quốc!

Ông Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng các doanh nghiệp không nên chạy theo lợi ích ngắn hạn, cục bộ mà làm ảnh hưởng đến uy tín của mình và gây hại đối với lợi ích của cộng đồng. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn vào bài học từ các doanh nghiệp Trung Quốc:

“Chất lượng sút giảm của thực phẩm và hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc do chứa nhiều hoá chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng được phát hiện tại nhiều nước trong thời gian gần đây không những khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phá sản mà còn làm giảm sụt nghiêm trọng uy tín của hàng hoá Trung Quốc trên thị trường thế giới”.

Ông Đỗ Duy Thái - Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt: Cần kêu gọi lòng tự hào dân tộc trong giới doanh nhân Việt Nam!

“Chúng ta nên tự hào về các bậc tiền bối. Trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, những Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà... từng nung nấu viết lên những trang sử vẻ vang cho giới doanh thương nước nhà. Bởi họ luôn tâm niệm không để người nước ngoài coi thường người Việt, không để người nước ngoài cho rằng dân ta không biết kinh doanh. Bởi họ đã nhận thức được rằng dùng việc kinh doanh có thể thay đổi xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp hơn”. 

Tiến sĩ Lý Qúy Trung - Tổng giám đốc Nam An Group và Phở 24: Vấn đề là ở tầm nhìn!

Có tầm nhìn xa, doanh nghiệp sẽ tránh xa với những cám dỗ tức thời do “ăn xổi ở thì”, đi tắt bằng cách sao chép mô hình kinh doanh, làm hàng giả, hàng nhái. Vì làm hàng giả, hàng nhái thì không thể xây dựng uy tín, xây dựng thương hiệu được. Xây dựng chữ tín không khác gì xây dựng thương hiệu, một con đường gần như bắt buộc để dẫn đến thành công.

Nhân hội thảo “Bàn về đạo kinh doanh, ban tổ chức đã giới thiệu đến quan khách 25 tập sách về 25 doanh nhân nổi tiếng. Đây là kết quả của dự án nghiên cứu “Đi tìm Đạo kinh doanh của Việt Nam và thế giới” do Tổ hợp Giáo dục PACE thực hiện và đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Thay mặt nhóm tác giả bộ sách, ông Giản Tư Trung - Người sáng lập PACE, tỏ ý tin tưởng:“Qua bộ sách này, bạn đọc sẽ có thêm kiến giải về “đạo kinh doanh”, để từ đó, tự mình đưa ra một định nghĩa cho nghề kinh doanh và tự mình khẳng định rằng, kinh doanh là để kiếm tiền hay phụng sự xã hội”.

Thanh nien

Các tin tức khác

>   Honda Việt Nam bán gần 2.800 chiếc Civic (29/07/2007)

>   Phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (29/07/2007)

>   Thực phẩm chế biến: Miếng bánh ngon còn lớn! (29/07/2007)

>   Phương tiện truyền thông Bỉ giới thiệu về du lịch VN (29/07/2007)

>   Honda khởi công xây nhà máy thứ hai tại VN (29/07/2007)

>   Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh xúc tiến thương mại (29/07/2007)

>   Hải Phòng: Hạ thủy thành công tàu hàng trọng tải 22.500 tấn (29/07/2007)

>   65 triệu USD xây Tổ hợp Crown Plaza tại Mỹ Đình (29/07/2007)

>   Bình Dương: Xuất khẩu đồ gỗ đạt gần 600 triệu USD (29/07/2007)

>   Giá thép leo thang, quản lý bó tay? (28/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật