Thuế thu nhập từ chứng khoán: Mức 25% là quá cao
Trong đợt "trưng cầu" ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về thuế thu nhập cá nhân do UB Thường vụ Quốc hội tổ chức vừa qua, rất nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với cách tính thuế trên chuyển nhượng CK và trên cổ tức. Các chuyên gia cho rằng, nếu không xem xét lại sẽ ảnh hưởng xấu đến TTCK non trẻ của VN.
Thiếu cơ sở pháp lý
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư CK - nhận xét: Mức thuế 25% là quá cao. Cơ quan quản lý thuế không đủ cơ sở pháp lý để xây dựng được phương pháp tính các khoản cho phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
Đối với chi phí môi giới CK, nếu mua bán CK niêm yết còn có chứng từ pháp lý, nhưng nếu mua bán trên thị trường phi tập trung thì không thể có. Các khoản chi phí mua thông tin, chi phí đào tạo, chi phí vay vốn, đi lại ăn ở trong quá trình đầu tư... đều là những khoản không thể xác định bằng chứng từ.
Bên cạnh đó, việc xác định phương pháp tính giá mua, giá bán trên thị trường phi tập trung cũng không thực hiện được, vì việc mua bán không qua Cty CK, không cần mở tài khoản. Nếu lấy hợp đồng mua bán làm căn cứ xác định giá thì sẽ không khả thi và tạo tâm lý lách luật ở một số cá nhân, từ đó không đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế.
Theo ông Hải, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan... không đánh thuế vào chuyển nhượng CK, còn Trung Quốc thì áp dụng mức thuế rất thấp. Đối với thị trường tập trung, nên dùng phương pháp thuế khoán trên từng giao dịch: Đánh thuế căn cứ vào giá bán với thuế suất khoảng 0,05% - 0,1%. Với thị trường phi tập trung, do khó xác định giá mua bán nên căn cứ vào mệnh giá và có thuế suất cao hơn, khoảng 0,5%.
Để đối phó với "sốt" CK?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Tứ cho rằng, thuế suất 25% là không khả thi, dường như thiên về đối phó với những cơn sốt CK. Theo TS Nguyễn Văn Tuyến (Trường ĐH Luật HN), cần phải cân nhắc về khoản thuế thu nhập này và quyền lợi NĐT cá nhân. Vừa qua có một số NĐT cá nhân giàu lên nhanh chóng, nhưng chỉ là hiện tượng nhất thời.
Khi đánh thuế cần phải xem xét để giảm thiểu những hiệu ứng tiêu cực đối với giới đầu tư cá nhân và đối với TTCK non trẻ bằng cách quy định một lộ trình hợp lý. TS Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng: Có thể trong thời gian qua có một số người đạt được thu nhập cao qua kinh doanh CK, nhưng khi tính thuế cần căn cứ vào điều kiện thị trường hoạt động bình thường, chứ không phải trong một giai đoạn nhất thời, và cũng phải tính đến việc khuyến khích phát triển một thị trường còn sơ khai.
Cổ tức: Thuế chồng lên thuế
TS Nguyễn Văn Tuyến đề nghị cần xem xét lại thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập về lợi tức cổ phần, lợi tức từ hình thức góp vốn kinh doanh. Trước khi chia lợi tức cổ phần hoặc lợi tức góp vốn kinh doanh, tổ chức kinh tế nhận vốn góp đã phải nộp thuế thu nhập DN.
Nếu tiếp tục đánh thuế sẽ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Luật thuế như nguyên tắc công bằng, nguyên tắc không đánh thuế 2 lần đối với một khoản thu nhập. Luật gia Cao Bá Khoát cũng nhận xét: Đánh thuế trên cổ tức là thuế chồng lên thuế, vì cổ tức là khoản thu nhập sau thuế. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thuỷ (ĐH Luật TPHCM) cũng có cùng quan điểm: Đánh thuế TNCN trên lợi tức cổ phần là bất hợp lý, là đánh thuế 2 lần.
LĐ
|