Nhà đầu tư chứng khoán phớt lờ lạm phát
Trong khi các chuyên gia lo ngại lạm phát sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán thì giới đầu tư lại chỉ để tâm tới những kế hoạch kinh doanh, dự án sắp thực hiện của các công ty niêm yết.
Theo các chuyên gia chứng khoán, đặc điểm của thị trường chứng khoán VN là nhà đầu tư cá thể và đầu tư theo trào lưu chiếm một lượng rất lớn. Những nhà đầu tư này thường không mấy quan tâm tới các chỉ số vĩ mô như lạm phát, mà chỉ tìm hiểu hoạt động của công ty niêm yết là chính.
Anh Hiền, nhà đầu tư sàn BSC (TP HCM) thừa nhận, trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu nào, anh chỉ theo dõi diễn biến giá, tình hình làm ăn cùng những dự án đầu tư của doanh nghiệp chứ chưa bao giờ quan tâm đến chuyện nền kinh tế có lạm phát hay không. "Xưa nay tôi cũng chưa thấy bài báo nào phân tích về sự liên quan giữa lạm phát và giá cổ phiếu", anh nói.
Tương tự như vậy, anh Chung, nhà đầu tư sàn SSI cũng cho biết: "Thông thường mỗi khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu nào, tôi hay để ý tới quan tâm tới cung - cầu trên thị trường và hoạt động của doanh nghiệp là chính".
Từng trải qua một số khóa học về kinh tế, chị Thanh, nhà đầu tư sàn SBS cũng cho biết, về lý thuyết khi đồng tiền mất giá, sản phẩm doanh nghiệp tạo ra sẽ tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Chỉ số lợi nhuận đó sẽ thể hiện ngay trên giá cổ phiếu. Tuy nhiên, chị chưa bao giờ thấy nhà đầu tư bàn tán về đề tài tỷ lệ lạm phát tăng trên sàn.
Không thể phớt lờ lạm phát
6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên tới 5,2% - vượt xa dự đoán 4% ban đầu . Theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay phải đạt trong khoảng 8,2-8,5% và lạm phát phải thấp hơn GDP. Điều đó có nghĩa là trong 6 tháng cuối năm, CPI chỉ được phép tăng dưới 3%. Theo các chuyên gia, mục tiêu này rất khó đạt được bởi còn nhiều yếu tố tăng giá tiềm ẩn, do đó nguy cơ lạm phát vượt tầm kiểm soát ngày một rõ nét.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank) cho rằng, lạm phát tăng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động và như vậy lãi suất cho vay cũng tăng theo. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhà sản xuất vì họ phải gánh chịu phần lãi suất gia tăng của ngân hàng. Về nguyên lý nó sẽ tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán ACBS cũng đồng tình, tỷ lệ lạm phát tăng đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống.
Ông Bình cho hay, ở các nước khác, chỉ số lạm phát chỉ cần nhích lên khoảng 0,25% là các nhà đầu tư đã bất an, bởi khi đó để kiểm lạm phát Ngân hàng Trung ương sẽ thắt chặt tín dụng bằng cách tăng lãi suất.
Theo ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia phân tích chứng khoán của Công ty Chứng khoán Thăng Long, tốc độ gia tăng lạm phát ngoài mong đợi của nền kinh tế VN như hiện nay đang được điều chỉnh bằng chính sách tiền tệ thắt chặt. Kịch bản này nếu tiếp tục diễn ra, thị trường sẽ có những sự điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng trưởng về mặt dài hạn.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), giá cả hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng tới đời sống, đặc biệt là túi tiền của người dân. Người dân sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho tiêu dùng và vì vậy sẽ ảnh hưởng tới số tiền dự trữ, tiền tiết kiệm của họ. Hệ quả là số tiền đổ vào chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm đi.
Tuy nhiên theo ông Hưng, thị trường chứng khoán VN hiện không chỉ phụ thuộc vào lạm phát, mà còn có tác động của cung cầu trên thị trường.
Ở thời điểm này, nguồn cung rất dồi dào trong khi cầu lại đang giảm xuống. Thị trường, đặc biệt là OTC, vẫn chưa lấy lại sự sôi động như trước đây. Theo phân tích của ông Hưng, bản chất của chứng khoán là hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nửa năm trước đây, cầu nhiều cung ít, để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, các công ty đã lên kế hoạch để phát hành thêm cổ phiếu. Hệ quả là đến nay, rất nhiều công ty lại cùng xin tổ chức các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lớn và thị trường lại rơi vào cảnh bội thực nguồn cung.
Theo ông Hưng, trong thời gian tới, nếu cơ quan quản lý không quản lý tốt các IPO thì thị trường sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu và giá cổ phiếu sẽ giảm.
VnExpress
|