Thứ Sáu, 13/07/2007 10:23

“Sẽ giám sát vốn nước ngoài vào chứng khoán”

Ủy ban Chứng khoán vừa trình Chính phủ đề án thành lập Ban giám sát thị trường chứng khoán.

Theo đề án, Ban giám sát thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các trung tâm giao dịch chứng khoán thành một hệ thống giám sát liên tục, để thanh tra thực hiện việc cưỡng chế các sai phạm trên thị trường chứng khoán. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán.

Thưa ông, nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban giám sát thị trường chứng khoán là gì?

Ban này theo dõi toàn bộ biến động của thị trường, qua đó phân tích và đảm bảo cho tính thị trường ổn định. Ở đây, tôi muốn lưu ý là hiện nay phải phân biệt rõ từ thanh tra và giám sát. Giám sát là do Ban chức năng. Ví dụ như giám sát các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ là do Ban quản lý kinh doanh, giám sát các công ty đại chúng là do Ban quản lý phát hành.

Và khi có những dấu hiệu vi phạm thì toàn bộ những dấu hiệu đó, các tài liệu đó được chuyển sang bên thanh tra chứng khoán để bắt đầu tiến hành thanh tra cụ thể và trên cơ sở kết luận của thanh tra thì có kết luận xử phạt.

Có thể nói hiện nay khâu giám sát và phân tích các giao dịch trên thị trường hiện nay còn là một khâu yếu. Ở các nước, người ta có một hệ thống giám sát công nghệ thông tin tương đối chuẩn, toàn bộ các giao dịch trên thị trường có thể phục hồi lại được trong quá khứ, và trên cơ sở này, có những chuyên gia giỏi phân tích và tìm ra các dấu hiệu giao dịch làm giá, hoặc giao dịch nội gián... bất thường trên thị trường.

Đây là một khiếm khuyết của Ủy ban mà hiện nay chúng tôi đang tổ chức thành lập Ban giám sát thị trường này, đồng thời chuẩn bị tất cả các cơ sở hạ tầng như hệ thống công nghệ thông tin để cho hiện đại như các nước khác nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát của Ủy ban.

Riêng đối với các sở giao dịch chứng khoán và các trung tâm giao dịch ở Tp.HCM và Hà Nội, việc giám sát sẽ được thực hiện như thế nào?

Đối với sở giao dịch chứng khoán và các trung tâm giao dịch ở Tp.HCM, Hà Nội, các công ty chứng khoán là thành viên, do đó ở sở và ở trung tâm giao dịch chứng khoán có qui chế riêng với các thành viên đó để giám sát, đồng thời cũng tại sở và trung tâm, người ta giám sát các giao dịch đang được giao dịch trên sở và trung tâm đó, có những gì bất thường thì người ta có thể khuyến cáo, các thành viên vi phạm sẽ bị gọi ngay và có công văn đến...

 Trường hợp vi phạm rõ ràng cần được xử lý thì trung tâm và sở giao dịch chứng khoán chuyển tiếp lên Ủy ban Chứng khoán để thanh tra ra quyết định xử phạt.

Qui trình chung là như vậy. Ngoài ra còn có trung tâm lưu ký. Đây là nơi đăng ký thanh toán bù trừ lưu ký các chứng khoán. Ở đây cũng thực hiện các giám sát chuyển giao các chứng khoán.

Như ông nói thì về cơ bản, chúng ta đã có hoạt động giám sát khá tốt, nhưng trên thực tế thì đã có nhiều cổ phiếu trong nhiều phiên giao dịch đã liên tục tăng giá kịch trần nhưng không hề bị Ủy ban “tuýt còi”?

Một thị trường có hệ thống tốt thì ví dụ trong qui định 5 phiên tăng giá liên tục thì lập tức hệ thống ngắt và ngừng giao dịch ngay

Hệ thống hiện nay đang được chuẩn bị hình thành và hy vọng cuối năm 2008, chúng ta có một hệ thống giao dịch tương đối hoàn chỉnh và đi kèm hệ thống giao dịch này, thông tin sẽ đi xuyên suốt trong hệ thống, hỗ trợ cho việc giám sát thị trường.

Sang năm, Việt Nam sẽ có một hệ thống tốt hơn và hệ thống này sẽ ngắt mạch tự động. Hiện nay hệ thống của chúng ta đang gặp vấn đề khiếm khuyết về công nghệ thông tin.

Có ý kiến là Ủy ban Chứng khoán trong thời gian qua đã không kiểm soát được chính xác luồng vốn từ nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, ông nghĩ thế nào?

Hiện nay, việc quản lý ngoại hối chung trên quốc gia thì Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước và cụ thể là bên Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng nhà nước tức là giám sát các nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp vào và ra khỏi Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã có những qui định để giám sát luồng vốn này.

Ví dụ qui định tất cả những luồng vốn nước ngoài gián tiếp đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư phải mở một tài khoản chuyên dùng và tài khoản đó phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước.

Trong giám sát chung về nguồn vốn vào ra do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, phía Ủy ban Chứng khoán cũng rất quan tâm tới việc các quỹ đầu tư nước ngoài, các quĩ này, lượng vốn hình thành rất nhanh, đầu tư rất nhanh vào Việt Nam. Hiện nay, theo luật chứng khoán mới và qui chế chuẩn bị ra đời thì Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ tiến hành giám sát luồng vốn này.

Trong qui chế do Ủy ban Chứng khoán đang dự thảo thì các quĩ đầu tư nước ngoài phải đăng ký với Ủy ban về việc hình thành quĩ, nguồn vốn của quĩ, xuất xứ của quĩ và kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Thông qua đó, chúng ta hy vọng có thể giám sát được luồng vốn đầu tư gián tiếp từ các quĩ đầu tư vào Việt Nam là bao nhiêu và luồng vốn đó sẽ chuyển vào theo tiến độ như thế nào.

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Chứng khoán “đỏ”sàn: Chậm phát hành cổ phiếu, người mua “non”... bị nghẹn! (13/07/2007)

>   Vì sao các NĐT lớn chấp nhận mua cổ phiếu "lỗ"? (13/07/2007)

>   Chứng khoán: 1,3 tỉ USD “bay hơi” trong tháng 6 (12/07/2007)

>   Đại diện giao dịch của các CTCK lại liên tục mắc lỗi (12/07/2007)

>   Bổ sung Giấy phép văn phòng đại diện Công ty Nomura International (Hong Kong) Limited (12/07/2007)

>   Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của NĐTNN tại đợt phát hành thêm của Cty niêm yết (12/07/2007)

>   SD6: Cổ đông được mua cổ phiếu phát hành thêm với giá bằng mệnh giá (12/07/2007)

>   Tin vắn DN đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội ngày 12/7 (12/07/2007)

>   Lượng đặt mua cổ phiếu ATIP gấp 60 lần chào bán (12/07/2007)

>   Chứng khoán: 5 ấn tượng sau 7 năm (12/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật