Thứ Năm, 12/07/2007 23:14

Chứng khoán: 1,3 tỉ USD “bay hơi” trong tháng 6

Chưa thể có kết quả công bố chính thức về tỷ lệ nhà đầu tư đã nộp tiền trúng giá mua cổ phiếu Bảo Việt vì tổng công ty đang chờ chỉ đạo của Bộ Tài chính liên quan đến việc bán 18% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

ANZ đã chi tới 88 triệu USD mua 10% cổ phần của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mức đầu tư kỷ lục trên thị trường tài chính vào một doanh nghiệp Việt Nam cho đến thời điểm này và tiền đã được chuyển vào tài khoản phong tỏa để trả cho SSI từ ngày 6/7.

Trên sàn niêm yết, nước ngoài chỉ bỏ thêm 75 triệu USD vào cổ phiếu trong tháng 6/2007, bằng một nửa số tiền họ đã đầu tư trong tháng 5. Đã ngày một rõ hơn sự “lấn sân” của yếu tố ngoại trong lĩnh vực tài chính vốn đang có nhiều thay đổi.

Vì sao SSI?

ANZ đang thể hiện những bước đi chuyên nghiệp trong chiến lược kinh doanh ở Việt Nam. Sau ba năm mua 10% cổ phần Sacombank, tìm hiểu khá kỹ các ngóc ngách của thị trường tiền tệ, họ mới công khai đặt chân vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, mà chủ yếu là hướng tới dịch vụ khách hàng cá nhân.

SSI đang là một trong những công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường về nghiệp vụ môi giới với hàng chục ngàn tài khoản, trong đó có 60% tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên thị trường (hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp mã số giao dịch cho 6.000 tài khoản của nước ngoài).

Chỉ cần cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói cho số khách hàng này của SSI, ANZ sẽ có thị phần đáng kể trong mảng chứng khoán.

Đấy chính là lý do vì sao ANZ “chịu chơi” trả tới 88 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần SSI và cam kết hỗ trợ công ty về quản lý rủi ro. ANZ sẽ cử một giám đốc chuyên trách bộ phận quản lý rủi ro cho công ty. Ngoài tận dụng ưu thế khách hàng, khoản đầu tư của ANZ có thể mang lại cho họ mức lời tương đối bởi lợi nhuận sau thuế của SSI năm 2007 sẽ vượt kế hoạch 800 tỉ đồng (lợi nhuận sáu tháng đầu năm của SSI là 668 tỉ đồng/vốn điều lệ 800 tỉ đồng).

SSI hiện có tổng tài sản 5.000 tỉ đồng và sẽ tăng vốn lên 1.200 tỉ đồng vào quí 4-2007 từ nguồn thặng dư. Công ty cũng vừa có giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ và đang thỏa thuận với đối tác Thụy Sỹ xung quanh việc huy động vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Một nguồn tin nói quỹ của SSI ban đầu mang tính private fund (quỹ đầu tư tư nhân) nhưng sau đó sẽ chuyển thành dạng công chúng (public) và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, SSI đang ráo riết cùng với Viettel và hai doanh nghiệp đại gia khác hoàn tất việc chuẩn bị lập ngân hàng chuyên về dịch vụ điện tử. Ngân hàng SSI - Viettel sẽ không phát triển tín dụng, mà chủ yếu cung cấp những dịch vụ qua mạng và qua điện thoại di động.

Với tư cách cổ đông nước ngoài lớn nhất, ANZ chắc chắn hưởng lợi từ điều này bởi Vietttel đang thuộc nhóm doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạng lưới khách hàng nhanh nhất trong lĩnh vực viễn thông.

1,3 tỉ USD “bay hơi”

Sự đặt chân vào chứng khoán của ANZ là bước tiếp nối dòng chảy vốn ngoại trên thị trường. Tuy nhiên trong tháng 6/2007, nước ngoài đã giảm lượng tiền “bơm” vào sàn niêm yết. Đây là tháng mua vào thấp thứ hai trong sáu tháng qua của họ (chỉ nhỉnh hơn mức của tháng 3, là tháng họ bán ra nhiều nhất).

 Điều này cùng với ảnh hưởng của Chỉ thị 03 đã ngay lập tức tác động tới mặt bằng giá cổ phiếu. Nếu trong tháng 5/2007 tổng mức vốn hóa của cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM là 19,8 tỉ USD, thì trong tháng 6 chỉ còn 18,5 tỉ USD, tức 1,3 tỉ USD đã “bốc hơi” do giá chứng khoán giảm.

Trong tháng 5 còn hai công ty có tổng mức vốn hóa thị trường lớn hơn 2 tỉ USD/doanh nghiệp là VNM và FPT, thì sang tháng 6 giá trị cả hai đều tụt xuống dưới ngưỡng này. Ngoài ra tháng 5 có 11 đơn vị có giá trị giao dịch bình quân hơn 1 triệu USD/ngày, nhưng tháng 6 chỉ còn 8 công ty.

Sự sụt giảm giá trị giao dịch là thông số rõ ràng cho thấy thị trường chưa thể phục hồi (bình quân 38 triệu USD/ngày trong tháng 6 so với 63 triệu USD/ngày của tháng 3/2007). Giới đầu tư nước ngoài đã không khó khăn để nhận ra nguồn tiền của nhà đầu tư trong nước đang co hẹp do mức khống chế cho vay đầu tư chứng khoán của ngân hàng tối đa chỉ 3% tổng dư nợ. Họ giảm mua để giá cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh. Và cùng lúc họ đầu tư chọn lọc vào những cổ phiếu blue-chip còn “room”, hoặc cổ phiếu mà chỉ số P/E có khả năng giảm thấp vào cuối năm do lợi nhuận doanh nghiệp tăng.

Ở đây sự bất hợp lý xuất hiện. Nhà đầu tư ngoại, bị khống chế bởi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu một doanh nghiệp tối đa 49%, ít có khả năng đầu tư vào chứng khoán OTC (nhiều quỹ đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư vào cổ phiếu niêm yết để hạn chế rủi ro), lại đang trở thành yếu tố dẫn dắt thị trường.

Trong khi các quy định về quản lý ngoại hối ngày một thoáng hơn, Việt Nam đang tự do hóa các giao dịch trên tài khoản vãng lai, nước ngoài có thể chuyển tiền ra, vào bất cứ khi nào họ muốn (sau khi đã làm đủ nghĩa vụ thuế), và nhất là họ được đảm bảo bởi “neo tỷ giá” rằng đồng Việt Nam chỉ mất giá 1% so với USD, thì nhà đầu tư trong nước lại bị “chặn” nguồn tiền vay từ ngân hàng để đầu tư.

Giá trị giao dịch cổ phiếu trên sàn sẽ khó được cải thiện, thị trường OTC sẽ khó tan băng và vai trò của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng “phình lớn”, nếu chính sách điều hành thị trường không được xem xét lại một cách thích hợp hơn.

Trở lại với trường hợp Bảo Việt, một quan chức Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết từ trước đến nay không có quy định yêu cầu các công ty phải công bố tỷ lệ nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu trúng đấu giá. Họ chỉ công bố số cổ phiếu sẽ mang ra đấu giá lần hai nếu có.

Thế nhưng nhiều nhà đầu tư lại có cách nhìn khác về Bảo Việt. Bảo Việt là doanh nghiệp tầm cỡ, mọi quy trình IPO đều phải minh bạch, công khai. Nhà đầu tư có quyền được biết giá trúng đấu giá bình quân thực tế là bao nhiêu vì đây là giá tối thiểu mà các tổ chức nước ngoài có thể mua.

Giá này sẽ tác động không nhỏ đến giá giao dịch của Bảo Việt trên thị trường OTC nói riêng và giá của các cổ phiếu bảo hiểm nói chung. Giá này cũng là sự phản hồi của thực tế cuộc sống về phương thức định giá phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia khi cổ phần hóa.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đại diện giao dịch của các CTCK lại liên tục mắc lỗi (12/07/2007)

>   Bổ sung Giấy phép văn phòng đại diện Công ty Nomura International (Hong Kong) Limited (12/07/2007)

>   Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của NĐTNN tại đợt phát hành thêm của Cty niêm yết (12/07/2007)

>   SD6: Cổ đông được mua cổ phiếu phát hành thêm với giá bằng mệnh giá (12/07/2007)

>   Tin vắn DN đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội ngày 12/7 (12/07/2007)

>   Lượng đặt mua cổ phiếu ATIP gấp 60 lần chào bán (12/07/2007)

>   Chứng khoán: 5 ấn tượng sau 7 năm (12/07/2007)

>   Trái phiếu chuyển đổi: Coi chừng “rượu pha thêm nước”! (12/07/2007)

>   Thông tin xử phạt Đại diện giao dịch (12/07/2007)

>   STB: Giao dịch cổ phiếu của thành viên HĐQT (12/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật