Thứ Sáu, 13/07/2007 06:54

Vì sao các NĐT lớn chấp nhận mua cổ phiếu "lỗ"?

Về mặt nguyên tắc, giá mua cổ phiếu (CP) với khối lượng lớn của các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược sẽ phải rẻ hơn mức giá hiện tại trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều thương vụ giao dịch gần đây cho thấy, tình hình đang diễn ra theo chiều ngược lại. Vì sao các tổ chức danh tiếng lại chấp nhận mua CP với mức giá đắt hơn mức giá có thể mua dễ dàng trên thị trường?

Khi Ngân hàng ANZ công bố giá trị khoản đầu tư vào SSI, hầu như các NĐT đều khá ngạc nhiên. Tổng giá trị mà ANZ phải trả là 88 triệu USD - tương đương việc mua với giá hơn 176.000 đồng/CP, trong khi CP SSI có thể mua dễ dàng trên thị trường chỉ với giá 155.000 - 158.000 đồng/CP. Thế nhưng, ANZ không phải là NĐT lớn duy nhất thực hiện việc mua CP với mức giá "lỗ".

Trước đó, hàng loạt các tổ chức đầu tư lớn, trong đó có cả Dragon Capital đã chấp nhận mua chứng chỉ quỹ (CCQ) VF1 với mức giá 33.164 đồng/CCQ khi mà giá thị trường của VF1 đã thấp hơn mức bán "ưu đãi" cho các cổ đông. Cuối ngày 12.7, giá của VF1 là 30.500 đồng/CCQ. Bên cạnh VF1, đợt đấu giá của Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) cũng có sự kiện tương tự. Một quỹ đầu tư của Hàn Quốc đã chấp thuận đóng tiền mua CP của Bảo Việt với mức giá đấu lên tới 83.700 đồng/CP với khối lượng 6,4 triệu CP, dù mức giá Bảo Việt trên thị trường vào thời điểm đó chỉ vào khoảng 69.000 đồng/CP. Chưa hết, trường hợp đấu giá của Công ty bảo hiểm dầu khí (PVI) cũng tương tự của Bảo Việt khi có tổ chức lớn chấp nhận mua PVI với giá trên 75.000 đồng/CP nhưng các NĐT cá nhân lại chào bán PVI với mức giá thấp hơn.

Ngoài các trường hợp nêu trên, một trong những trường hợp được nhiều người biết đến nhất là hợp đồng bán 500 tỉ đồng mệnh giá của Eximbank cho nhiều NĐT chiến lược trong nước. Các NĐT này gồm những công ty, tổ chức tài chính rất thành công trong lĩnh vực đầu tư tài chính như ACB, Kinh Đô, VF1, Công ty tài chính dầu khí, Công ty quản lý quỹ Bảo Việt... Mức giá bán cho các NĐT chiến lược này là gấp 8 lần so với mệnh giá trong khi trên thị trường, CP của Eximbank được bán đầy rẫy chỉ với 7 lần so với mệnh giá.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI cho biết: "Điều quan trọng là các tổ chức đầu tư lớn luôn biết rõ mình mua cái gì khi họ quyết định đầu tư. Thêm vào đó, khi họ đã cam kết đầu tư thì họ sẽ đi với khoản đầu tư của mình một thời gian chứ không phải việc mua vào rồi bán ngay nên thị giá vào thời điểm ký hợp đồng mua bán không phải là nhân tố chính tác động đến quyết định của họ".

Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nhận xét: "Không nên chỉ nhìn vào mức giá để xác định đó là một vụ mua hớ hay mua lỗ. Ngoài mức giá, các tổ chức đầu tư lớn thường có những điều kiện khác đi kèm và chỉ khi nhìn vào hợp đồng mới đánh giá được chính xác về khoản đầu tư đó. Cũng phải nói thêm rằng, các tổ chức đầu tư lớn quyết định đều có cân nhắc, tính toán cẩn thận chứ không phải nhắm mắt mua liều". Ông này cũng lưu ý một điểm: "Vào thời điểm mà các tổ chức đầu tư đàm phán mua, mức giá chắc chắn thấp hơn mức giá thị trường tại thời điểm đó, còn đến khi ký hợp đồng, giá đã giảm xuống dưới cả mức đàm phán thì lại là một chuyện khác".

Một chuyên gia hàng đầu về chứng khoán thì bình luận: "Không nên chỉ nhìn vào mức giá mà các NĐT lớn mua, so sánh với mức giá mà các NĐT nhỏ đang giao dịch trên thị trường để nói các NĐT lớn đang bị lỗ. Việc lỗ hay lãi chỉ biết được khi người ta bán khoản đầu tư của mình trong mối tương quan với một số chỉ tiêu đầu tư khác".

Ông Lý Xuân  Hải - Tổng giám đốc ACB, một NĐT chiến lược của Eximbank trong thương vụ bị coi là mua "hớ" lại khẳng định: "Mức giá trả cho Eximbank là phù hợp với ACB tại thời điểm hiện nay. Đây là mức giá được cân nhắc kỹ khi ACB trở thành một NĐT chiến lược tại Eximbank, nó phù hợp với tầm nhìn, khả năng tài chính, dòng tiền... của ACB. Chúng tôi đã cam kết dài hạn về khoản đầu tư này nên kể cả khi giá thị trường còn 3 - 4 thì chúng tôi vẫn cứ quyết định mua". Ông Hải cũng nhận xét thêm: "Một mức giá có thể là phù hợp với ACB nhưng không phù hợp với các NĐT khác cũng là điều bình thường bởi như vậy thì mới là thị trường chứng khoán. Không nên coi đó là một mức giá đắt hay rẻ mà chỉ nên xem xét rằng, mức giá đó có phù hợp với kỳ vọng và đặc điểm của tổ chức của mình hay không mà thôi".

Thanh nien

Các tin tức khác

>   Chứng khoán: 1,3 tỉ USD “bay hơi” trong tháng 6 (12/07/2007)

>   Đại diện giao dịch của các CTCK lại liên tục mắc lỗi (12/07/2007)

>   Bổ sung Giấy phép văn phòng đại diện Công ty Nomura International (Hong Kong) Limited (12/07/2007)

>   Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của NĐTNN tại đợt phát hành thêm của Cty niêm yết (12/07/2007)

>   SD6: Cổ đông được mua cổ phiếu phát hành thêm với giá bằng mệnh giá (12/07/2007)

>   Tin vắn DN đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội ngày 12/7 (12/07/2007)

>   Lượng đặt mua cổ phiếu ATIP gấp 60 lần chào bán (12/07/2007)

>   Chứng khoán: 5 ấn tượng sau 7 năm (12/07/2007)

>   Trái phiếu chuyển đổi: Coi chừng “rượu pha thêm nước”! (12/07/2007)

>   Thông tin xử phạt Đại diện giao dịch (12/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật