Nhật Bản cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp để thúc đẩy ngoại giao thương mại
Hồi cuối tháng 6/07, lần đầu tiên trong vòng 4 năm, Nhật Bản đã nối lại hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức thu nhập ngày càng tăng tại Trung Quốc và một số nước Châu Á khác, Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được mục tiêu nâng gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu nông sản và thuỷ sản lên 1.000 tỷ yên vào năm 2013, so với mức của năm 2006.
Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản đã xác định Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Công và Xingapo là các thị trường xuất khẩu gạo chủ chốt của nước này. Tương tự, các thị trường xuất khẩu ưu tiên của khoai lang Nhật Bản là vùng lãnh thổ Đài Loan và Mỹ; của táo Nhật Bản là Trung Quốc và Hàn Quốc; của cá thu Nhật Bản là Thái Lan và Ai Cập.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại theo đuổi chính sách bảo hộ nông nghiệp, với mức thuế nhập khẩu 778% đánh vào gạo, đang làm giảm các cơ hội trong ngoại giao thương mại cũng như làm chậm tiến trình cải cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành.
Các mối quan ngại về hoạt động ngoại giao thương mại của Nhật Bản đã trở thành hiện thực khi ngày 5/7, Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế nước này, ông Akira Amari đã bác bỏ hoàn toàn đề xuất của Niu Dilân và Canađa về các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản. Lý do mà ông Amari đưa ra là các vấn đề nhạy cảm liên quan tới nông nghiệp. Trong khi đó, Tôkiô đã khởi động các cuộc đàm phán FTA với Ôxtrâylia, cũng là một nước nông nghiệp.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Niu Dilân Phil Goff, ông Amari nhấn mạnh Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Niu Dilân trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như đầu tư, khoa học và công nghệ, tiết kiệm năng lượng và du lịch. Ông Amari cũng cho rằng Nhật Bản sẽ gặp khó khăn khi ký FTA với Canađa do nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản là nông phẩm.
Nhật Bản vẫn cứng rắn không mở cửa hoàn toàn các thị trường nông nghiệp do lo ngại sự tràn vào của các nông phẩm giá rẻ. Nhật Bản hiện đánh thuế 482% với bơ, 325% với đường và 252% vào lúa mỳ.
Nhật Bản, hiện là quốc gia nhập khẩu tịnh lương thực, đang xem xét khởi động các cuộc đàm phán FTA với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) -hai nền nông nghiệp lớn.
Kyodo
|