Thứ Ba, 10/07/2007 23:40

Nhiều công ty công nghệ rút khỏi Ấn Độ do giá nhân công tăng

Một trong những nét nổi bật của tiến trình toàn cầu hoá là dịch vụ ngoại biên (outsourcing) - hiện tượng các các nước phát triển khai thác nguồn lực tại các nước đang phát triển để giảm chi phí sản xuất.

Thung lũng Silicon, trung tâm phát triển kỹ thuật cao của Mỹ, đã từng góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác nguồn lực tại Ấn Độ bằng cách xây dựng các cơ sở sản xuất cần tay nghề kỹ thuật cao để tận dụng giá nhân công rẻ. Tuy nhiên giờ đây, nhiều công ty trong số này đang có kế hoạch rút khỏi Ấn Độ khi lợi nhuận bị thu hẹp.

Công ty Riya, có trụ sở tại bang California cách đây 2 năm đã mở chi nhánh phát triển phần mềm tại Bangalore (Ấn Độ) do giá nhân công kỹ thuật cao chỉ bằng 1/4 ở Mỹ. Thế nhưng, kể từ đó, mức lương của các kỹ sư Ấn Độ tăng không ngừng, năm ngoái tương đương một nửa lương nhân công ở Thung lũng Silicon, và đầu năm nay đã bằng 75% mức lương ở Mỹ. Với chi phí lương như vậy, nếu cộng thêm những bất lợi về liên lạc giữa cơ quan tổng hành dinh và cơ sở của họ tại Ấn Độ do sự chênh lệch về thời gian, công ty Riya đã quyết định đóng cửa văn phòng ở Bangalore.

Theo Nhật báo Phố Uôn, tại thung lũng Silicon, một số công ty kỹ thuật, đặc biệt là các công ty mới khởi nghiệp hoặc công ty cỡ trung bình đã không còn đến Ấn Độ để tìm nhân công giá rẻ nữa. Công ty chế tạo phần mềm Kana Software Inc đã loại bỏ 100 công ăn việc làm phát triển phần mềm ở Ấn Độ hồi cuối năm 2005, thay vào đó họ quyết định tăng thêm biên chế làm việc tại Mỹ. Công ty Teneros Inc đã đóng cửa văn phòng có 30 nhân viên tại Ấn Độ và đưa 12 người sang làm việc tại tổng hành dinh của họ ở Mountain View, Cali. Một số doanh nghiệp chuyển hướng đi tìm nhân công rẻ tại các nước khác như Rumani và Ba Lan.

Mặc dù vậy, về tổng thể, các ngành công nghiệp kỹ thuật và dịch vụ của Ấn Độ cung ứng nhân lực cho các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục phát triển. Thu nhập của các ngành công nghiệp này đã tăng gần 1/3, lên tới 39,6 tỉ USD trong năm tài chính vừa kết thúc vào tháng 3/07. Các công ty lớn kinh doanh kỹ thuật cao của Mỹ vẫn tiếp tục chuyển các dây chuyền sản xuất cơ bản như thiết kế các mã phần mềm sang Ấn Độ, nơi các công ty như Infoys Technologies và Wipro đang thuê hàng ngàn nhân viên người Ấn Độ mỗi năm. Lý do để họ tiếp tục ở lại đây là vì nó gần các khách hàng. Tuy nhiên, ngay cả các một số công ty lớn, như Apple, cũng huỷ bỏ kế hoạch xây dựng một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật ở Ấn Độ hồi năm ngoái mà không giải thích lý do. Trong khi đó, công ty Intel Corp đang tăng cường hoạt động thuê mướn nhân công ở Việt Nam, nơi giá nhân công rẻ hơn ở Ấn Độ.

Mỗi năm Ấn Độ cho ra trường gần 500.000 kỹ sư. Đây là nguồn nhân công tay nghề cao, đã có lúc được coi là mối đe dọa cạnh tranh công ăn việc làm với người Mỹ. Mặc dù vậy, theo một công trình nghiên cứu do công ty Mỹ Mckensey&co tiến hành, chỉ có 1/4 số kỹ sư tin học Ấn Độ hội đủ điều kiện về ngôn ngữ, văn hoá và kỹ năng thực hành để làm việc tại các công ty đa quốc gia. Hệ quả là đã diễn ra một sự cạnh tranh nhằm giành giật các kỹ sư tin học tài năng nhất của Ấn Độ, và sự thu hẹp khoảng cách về lương giữa các kỹ sư Ấn Độ và Mỹ. Tại Ấn Độ, mức tăng lương theo lạm phát trong ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ liên quan đến phần mềm là 10 đến 15%/năm, một số nơi lên tới 50%. Tại Mỹ, mức tăng lương theo lạm phát trong khu vực phần mềm chỉ chưa đầy 3%/năm. Điều này có nghĩa là Ấn Độ đối với các công ty kỹ thuật cao mới khởi nghiệp và cỡ trung bình (lực lượng chiếm số khá đông ở Thung lũng Silicon) không còn là địa chỉ cung cấp nguồn lực lao động ưu tiên nữa. Mặc dù các công ty này chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường cung cấp lực lượng lao động, song việc họ rút khỏi Ấn Độ là một sự báo động , bởi lẽ công nghiệp kỹ thuật đã và đang là động lực phát triển của nền kinh tế nước này. Ngoài việc sử dụng trực tiếp 1,6 triệu nhân viên, ngành công nghiệp này còn góp phần hỗ trợ khoảng 6 triệu công ăn việc làm khác trong nước. Việc tăng lương trong khu vực này đang đặt ra một thách thức đối với nền kinh tế dựa vào công ăn việc làm kỹ thuật cao của Ấn Độ.

TTXVN

Các tin tức khác

>   Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc (10/07/2007)

>   Google “thôn tính” công ty an ninh mạng với giá hơn 600 triệu USD (10/07/2007)

>   Sắp hoàn tất sàn giao dịch hàng hoá lớn nhất thế giới (10/07/2007)

>   Pháp quyết tâm giành chức giám đốc IMF (10/07/2007)

>   IEA: Sắp xảy ra thiếu hụt dầu toàn cầu (10/07/2007)

>   Khó đoạn tình với hàng Trung Quốc (10/07/2007)

>   APEC nỗ lực cứu vòng đàm phán Doha (10/07/2007)

>   Đuổi việc CEO sau 3 quý sa sút lợi nhuận (10/07/2007)

>   BOJ vẫn lạc quan về kinh tế Nhật Bản (10/07/2007)

>   Chứng khoán Nhật lên điểm kỷ lục (09/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật