Sự phục hồi kinh tế Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò do Nhật báo phố Uôn (WSJ) gần đây cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể phục hồi từ nay đến cuối năm, mặc dù vẫn còn tiềm ẩn một số nguy cơ, đáng lưu ý nhất là nguy cơ lạm phát tái diễn.
Kinh tế Mỹ đang ở vị thế tốt hơn so với cách đây vài tháng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhìn thấy một nguy cơ ngày càng lớn. Đó là với đà phục hồi dài hơn của kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, chỉ cần một sự tăng trưởng nhẹ cũng có thể làm tình trạng lạm phát tái diễn. Điều này có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ và buộc Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức cao để ngăn chặn nguy cơ lạm phát.
Nhà kinh tế Stephen Slanley thuộc công ty RBS Greenwich Capital nhận xét nước Mỹ đang tiến gần đến một sự phục hồi ổn định, nhưng bất cứ bước tăng trưởng nào cũng gây lạm phát lớn hơn so với những gì được dự báo cách đây 6 tháng.
60 nhà kinh tế danh tiếng tham gia cuộc thăm dò này (được tiến hành giữa tháng 6/07) đã vẽ nên bức tranh nhìn chung là sáng sủa đối với một nền kinh tế vừa trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài trên cả hai lĩnh vực chế tạo và đầu tư kinh doanh và hiện đang đứng trước tình trạng thị trường địa ốc sụt giảm mạnh.
Với việc người tiêu dùng tăng chi tiêu, đồng USD yếu hơn thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và sự phục hồi trong lĩnh vực chế tạo và đầu tư, các nhà kinh tế dự báo GDP thực tế sẽ tăng 2,6% tính theo mức hàng năm trong 6 tháng cuối năm nay và 2,9% năm 2008, thấp hơn mức tăng 3,3% năm 2006 song cao hơn nhiều so với mức tăng 0,7% trong quý I/07.
Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng vừa phải của nền kinh tế sẽ tạo ra trung bình gần 115.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2008, nhưng vẫn chưa đủ để giữ tỷ lệ thất nghiệp khỏi tăng nhẹ từ mức 4,5% hiện nay lên 4,7% vào tháng 11 tới và mức này sẽ được duy trì cho đến tháng 6/08. Các nhà kinh tế dự đoán khả năng có suy thoái trong 12 tháng tới là 23%, thấp hơn mức 27% cách đây 6 tháng.
Tuy nhiên, càng có nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc, cho dù có những thông điệp tốt lành mà các số liệu thống kê mới đây mang lại. So với tháng 5/06, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (không tính giá lương thực và năng lượng) của Mỹ trong tháng 5/07 chỉ tăng 1,9%, so với mức tăng 2,4% của tháng 2/07.
Trong cuộc thăm dò này, 1/5 các nhà kinh tế được hỏi cho rằng lạm phát là nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế Mỹ, tăng gấp đôi so với số người dự đoán như vậy cách đây 6 tháng. Họ dự đoán rằng ít có khả năng FED sẽ giảm lãi suất ngắn hạn (hiện ở mức 5,25%) vào tháng 12 tới, ngược FED sẽ giảm lãi suất xuống 5% vào tháng 6/08.
Nguyên nhân khiến các nhà kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát là vì giá lương thực và năng lượng đã tăng quá nhanh trong thời gian quá dài.
Theo điều tra, cứ 3 nhà kinh tế thì có 1 người cho rằng toàn cầu hóa đang góp phần đẩy giá cả ở Mỹ tăng lên. Nhà kinh tế chủ chốt Joseph Carson của công ty quản lý đầu tư Alliance Bernstein ở Niu Yoóc cho rằng sự nổi lên của những trung tâm công nghiệp mới và nhu cầu tiêu dùng tại các nước đang phát triển, như Trung Quốc, đang đẩy giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng lên. Giá lương thực và năng lượng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhau. Tại Mỹ, nỗ lực của Chính phủ khuyến khích sản xuất cồn ethanol nhằm thay thế dầu nhập khẩu đã làm giá ngô cũng như giá thịt gia súc được nuôi bằng ngô tăng lên.
Theo ông Carson, toàn cầu hóa mang lại hàng hóa rẻ hơn, song cũng đẩy giá năng lượng và lương thực tăng cao hơn. Rốt cuộc, lạm phát giá lương thực sẽ ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng giống như giá năng lượng.
Cùng với lương tăng, chi phí lương thực và năng lượng tăng lên đang gây sức ép đối với tất cả các doanh nghiệp, buộc họ phải tăng giá sản phẩm. Tom Douglas, chủ 6 tiệm ăn ở khu vực Seattle cho biết hóa đơn khí đốt của mỗi tiệm ăn của ông đã tăng gấp hơn 2 lần trong 3 năm qua. Giá thịt bò cũng tăng 50% so với năm ngoái, lương cho nhân viên cũng như đầu bếp tăng khoảng 15%. Kết quả là ông đang có kế hoạch tăng giá thực đơn trong năm nay, song cũng không đủ để cứu lợi nhuận khỏi sụt giảm từ 5% năm ngoái xuống khoảng 3,5% hiện nay.
Trường hợp của ông Douglas minh họa cho lý do thứ hai đang khiến các nhà kinh tế lo ngại về lạm phát là các doanh nghiệp đang ở trong thời điểm rất khó có thể bù đắp khoản chi phí tăng lên bằng cách đốc thúc người lao động tăng năng suất. Trong những tháng gần đây, mức tăng năng suất lao động đã giảm đi, một phần vì các doanh nghiệp vẫn duy trì việc thuê mướn ồ ạt ngay cả khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trong quý I/07, năng suất lao động tính theo giờ tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính chỉ tăng 0,3% so với năm 2006 - mức tăng thấp nhất kể từ 1993 đến nay.
Tuy vậy, trong dài hạn, các nhà kinh tế dự đoán năng suất lao động tại khu vực phi trang trại sẽ tăng 2,2%/năm so với gần 3% trong 10 năm tính đến năm 2005. Các nhà kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3%, tuy cũng có ý kiến cho rằng mức tăng này chỉ đạt 2,5%.
Nhà kinh tế chủ chốt Ehtan Harris thuộc ngân hàng đầu tư Lehman Brother ở Niu Yoóc nhận định rằng khác với cuối thập kỷ 1990 sự sụt giảm về năng suất có nghĩa là ngay cả nếu đạt được tốc độ tăng trưởng vừa phải, kinh tế Mỹ vẫn có thể phải đối diện với nguy cơ lạm phát gia tăng. Cũng theo cuộc thăm dò trên, cứ 3 nhà kinh tế được hỏi ý kiến có 1 người coi sự sụt giảm của thị trường nhà đất là nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ trong 12 tháng tới.
TTXVN
|