Nhà đầu tư đang gặp quá nhiều rủi ro?
Thị trường thời gian qua chứng kiến quá nhiều biến động, với NĐT cá nhân đây quả thực là một giai đoạn thăng trầm. Băn khoăn, hoang mang và thắc thỏm và ngần ngại là tâm lý chung của nhiều NĐT. Liệu có phải TTCK đang quá rủi ro với NĐT? Và NĐT phải làm gì để hạn chế những rủi ro đó?
1. Rủi ro đến từ phía các cơ quan quản lý
Đây là rủi ro tác động lớn nhất đến thu nhập của NĐT, bởi nó tác động tới toàn thị trường và hầu như NĐT không thể chống đỡ được. Nhắc lại vấn đề gây tranh cãi nhất trong thời gian qua là Chỉ thị 03 quy định về dư nợ cho vay CK và việc gia tăng tỉ lệ dự trữ của các NHTM - một kênh vốn quan trọng cho TTCK.
Ngay lập tức chiếc bình thông từ NH sang CK bị chặn lại, NH mất đi một nguồn lợi lớn, NĐT thì lao đao khi mất đi nguồn hỗ trợ tài chính chính, chưa kể nhiều NĐT phải rút vốn khỏi thị trường để hoàn trả nợ cho NH. Cộng với nguồn cung không nhỏ từ các đợt IPO lớn và các đợt phát hành thêm dồn dập vì không có lộ trình cụ thể trong 6 tháng đầu năm.
Cán cân cung - cầu mất cân đối, thị trường sụt giảm, thị giá CP mất đến 30% vào thời điểm đen tối nhất của thị trường. Đó là chưa kể đến tác động về dự thảo đánh thuế 25% vào thu nhập từ CK khiến nhiều NĐT hoang mang. Vẫn biết việc đánh thuế thu nhập cá nhân là hoàn toàn hợp lý, nhưng mức đánh thuế bao nhiêu để thu nhập thực tế mà NĐT nhận được bù đắp được rủi ro mà họ gặp phải là một vấn đề phải lưu tâm.
Sự can thiệp quá sâu của các cơ quan quản lý vào TTCK sẽ ngăn cản sự phát triển của thị trường, bởi nó làm tăng tính rủi ro hệ thống và NĐT sẽ "chùn chân" khi cân nhắc việc tham gia vào thị trường.
2. Rủi ro đến từ phía tổ chức phát hành
Chủ yếu là do việc chưa hoàn chỉnh trong hệ thống công bố thông tin. Độ trễ về thời gian do năng lực công bố thông tin hoặc do cố ý khiến NĐT không nắm rõ hoặc biết được thông tin về tổ chức phát hành. Thông tin không cân xứng là nguyên do đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho một số cá nhân và gây thiệt hại cho nhiều NĐT khác.
Trong khi đó, một hiện tượng trên thị trường thời gian qua là việc các Cty đua nhau tăng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tài chính chứ không phải là tập trung cho sản xuất. Theo thống kê, trong năm 2006 trên 90% số DN đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính và chỉ có chưa đầy 50% trong số đó hạch toán lợi nhuận "dương".
Đây chính là một khe hở cần quản lý thì lại không được sự quản lý chặt chẽ. Trong ngắn hạn, có thể hoạt động này mang lại nguồn lợi nhuận bất thường đáng kể cho DN, nhưng trong dài hạn với cung cách đầu tư thiếu chuyên nghiệp, DN không những không phát triển được hoạt động sản xuất kinh doanh như kế hoạch đã đề ra, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông mình nếu việc thua lỗ xảy ra.
3. Rủi ro đến từ các báo cáo nghiên cứu thị trường
Những báo cáo thị trường của các tổ chức đầy danh tiếng trong và ngoài nước như IMF, HSBC hay SSI, TSC ít nhiều gây sóng gió trong giới đầu tư và có những tác động nhất định đến tâm lý thị trường.
Điều đáng bàn luận ở đây là tính chính xác của các báo cáo nước ngoài này khi nêu những thống kê và những cảnh báo về TTCK VN. Nhất là những khuyến nghị mang tính nhạy cảm kiểu như: P/E của TTCK VN đang ở mức quá cao, hay "VN - Index giảm xuống 900 điểm vào cuối năm 2007"... khiến không ít NĐT có những dự đoán tiêu cực về thị trường. Với một thể chế thị trường bậc cao, việc nhiều tổ chức công bố những báo cáo nghiên cứu thị trường là hoàn toàn bình thường, NĐT chỉ nên xem xét những nhận định đó dưới góc độ tham khảo, không nên coi đó là kim chỉ nam cho thị trường.
Tuy thế, ở một thị trường mới nổi như TTCK VN thì việc công bố các báo cáo đó có tác động khá lớn đến thị trường, đặc biệt khi nó được công bố trong giai đoạn thị trường ảm đạm như hiện nay.
4. Rủi ro đến từ bản thân NĐT
Thiếu kiến thức, thiếu tâm lý vững vàng, thiếu chuyên nghiệp khiến NĐT gặp rủi ro rất lớn khi không thể chọn lọc hoặc xử lý một núi thông tin hàng ngày - chính xác có, thất thiệt có. Chính vì thế, NĐT nhiều khi tự gây ra rủi ro cho chính mình và hiện tượng này là khá phổ biến.
Khi thị trường tăng trưởng với mức độ chóng mặt, việc kiếm tiền từ "buôn" CK tưởng như dễ dàng, rất nhiều người huy động vốn từ nhiều nguồn, đặc biệt là cầm cố để mua CK. Tâm lý đã mua là được khiến NĐT không cân nhắc hết những rủi ro do thị trường mang lại. Kết quả là khi thị trường bước sang giai đoạn điều chỉnh, không có tiềm lực tài chính, những NĐT vốn mỏng buộc phải cắt lỗ - rút khỏi thị trường.
Hơn nữa, việc thiếu tính bền vững trong hoạt động đầu tư, chủ yếu là tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn mà không tính toán đến các chi phí hoặc rủi ro có thể gặp phải của NĐT cũng là một nguyên nhân khiến thị trường có những diễn biến khó lường như thời gian qua.
LĐ
|