Thứ Hai, 16/07/2007 11:10

TTCK vẫn “hút” các quỹ đầu tư nước ngoài

Thị trường niêm yết liên tục sụt giảm, thị trường OTC đóng băng dài hạn, thế nhưng tình trạng ảm đạm này không ảnh hưởng tới kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) về TTCK Việt Nam. Ngày càng có nhiều quỹ ĐTNN mới vào Việt Nam; các quỹ đang hoạt động thì tiếp tục mở rộng quy mô.

Gần đây nhất, Quỹ đầu tư mạo hiểm GrandFord (Anh) đã liên kết với Công ty cổ phần Quản lý quỹ Phú Lân (Lion Capital) để cùng thực hiện việc huy động vốn cho các dự án bất động sản tại Việt Nam. GrandFord là quỹ hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về cơ sở hạ tầng, bất động sản và cổ phần hóa đã đầu tư hơn 500 cây cầu ở khu vực châu Á. Giải thích mục đích kết hợp với Lion Capital, ông Desmond Lin, Tổng giám đốc GrandFord cho biết, Lion Capital là một trong số ít quỹ không bị hạn chế quyền sở hữu và được phép đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam và GrandFort muốn “tận dụng” triệt để thế mạnh này để triển khai các dự án về bất động sản và hạ tầng của mình ở Việt Nam.

Theo ông Bùi Công Giang, Tổng giám đốc Lion Capital, TTCK Việt Nam thực sự hấp dẫn bởi nhiều yếu tố như: hơn 3.000 công ty đang hoạt động trên thị trường OTC có nhiều tài sản tiềm năng, có giá trị cao; Chính phủ đang xem xét cổ phần hóa các công ty độc quyền như vận chuyển, điện, dầu và khí đốt... Chính vì vậy, sau cái “bắt tay” này sẽ là việc thành lập 2 quỹ đầu tư là quỹ bất động sản và quỹ chứng khoán với vốn đầu tư ban đầu cho mỗi quỹ là 100 triệu USD. Mục tiêu của quỹ chứng khoán là mua cổ phần của các công ty Nhà nước tổ chức bán đấu giá lần đầu (IPO). Quỹ sẽ tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng thị giá cao của các công ty niêm yết và công ty trên thị trường OTC. Còn quỹ bất động sản sẽ đầu tư vào các dự án chiến lược tại TP.HCM, Hà Nội như các khu dân cư; thương mại; các khu công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm; cơ sở hạ tầng... Việc niêm yết ở sàn giao dịch châu Âu cũng là mục tiêu quan trọng của Lion Capital.

Cũng trong đầu tháng 7, Công ty ATIP, chuyên về năng lượng của Mỹ đang có dự án khai thác dầu khí tại vịnh Bắc Bộ với tổng vốn đầu tư cho đến thời điểm này khoảng 80 triệu USD đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán NYEN-EURONEXT (Paris). Vì có dự án tại Việt Nam nên ATIP cũng đang tiến hành huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước với mong muốn “người Việt Nam sẽ làm chủ một tập đoàn dầu khí tư nhân lớn của thế giới” như lời ông Đinh Đức Hữu, Chủ tịch HĐQT của ATIP. Cũng theo ông Hữu, ATIP cũng đang ấp ủ nhiều dự án tại Việt Nam và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trước đó không lâu, VinaCapital, công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam cũng đưa Quỹ Vietnam Infrastructure Limitid (Quỹ cơ sở hạ tầng Việt Nam) niêm yết tại sàn chứng khoán London với mã giao dịch “VNI”. VNI là một dạng quỹ đóng với vốn đầu tư ban đầu 402 triệu USD. Đây là quỹ công chúng đầu tiên hoạt động đầu tư chuyên sâu vào các dự án cơ sở hạ tầng thuộc các ngành kinh tế chiến lược của Việt Nam như năng lượng, giao thông, viễn thông, nước... Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, hơn 10 năm qua Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,5%. Tuy nhiên tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp những thay đổi này. Đó chính là cơ hội lớn và VinaCapital đã không bỏ qua cơ hội này. Với việc thành lập VNI, VinaCapital đang nghiên cứu các dự án liên quan đến đường cao tốc, sân bay, nhà máy điện, viễn thông và “chờ đón cơ hội đầu tư từ việc cổ phần hóa tài sản cơ sở hạ tầng của Nhà nước”.

Mekong Capital cũng đã cho ra mắt quỹ thứ ba, Quỹ Azalea Fund với số vốn 100 triệu USD. Mục tiêu chính của Azalea Fund là tập trung đầu tư vào các công ty nhà nước cổ phần hóa. Có thể nói, sự phát triển của Mekong Capital thể hiện rất rõ qua nguồn vốn đầu tư của các quỹ. Nếu như quỹ đầu tiên của Mekong chỉ có số vốn 18,5 triệu USD thì quỹ thứ hai tăng lên 50 triệu USD và đến quỹ thứ ba, con số này đã tăng gấp đôi như trên. Ngoài ra, còn có hàng loạt quỹ khác cũng đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, trong đó có một quỹ đầu tư của Nhật Bản, dự kiến số vốn 200 triệu USD. Các tổ chức tài chính của Hồng Kông, Trung Quốc cũng đã đặt chân đến Việt Nam thông qua việc thành lập công ty tư vấn đầu tư tài chính với mục tiêu trước mắt là các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa sắp tới...

Theo một chuyên gia chứng khoán, nhu cầu đầu tư rất lớn của hàng loạt quỹ ĐTNN sẽ gặp được nguồn cung rất lớn từ các đợt IPO khổng lồ sắp diễn ra. Sự có mặt của các quỹ ĐTNN sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển của TTCK Việt Nam trong tương lai.

TN 

Các tin tức khác

>   TTCK Việt Nam: Sẽ tăng trưởng tương tự Trung Quốc (16/07/2007)

>   Lữ Gia triển khai 2 dự án lớn (16/07/2007)

>   Tăng vốn điều lệ: Nhận diện rủi ro của nhà đầu tư (16/07/2007)

>   Giao dịch trực tuyến: “Chuyển thẳng lệnh với iTrade” (16/07/2007)

>   Giao lưu trực tuyến về TTCK: "Những câu hỏi của tháng 7" (16/07/2007)

>   Merrill Lynch bi quan về chứng khoán VN (15/07/2007)

>   BMP Chi trả cổ tức đợt 01 năm 2007 (14/07/2007)

>   HPC Trả cổ tức đợt 1 năm 2007 (14/07/2007)

>   Bổ sung mục đích sử dụng danh sách người sở hữu cổ phiếu SAP (14/07/2007)

>   Bổ sung mục đích sử dụng danh sách người sở hữu cổ phiếu HPC (14/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật