Thứ Tư, 04/07/2007 21:21

Ngân hàng thừa vốn

6 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng (NH) đang tạm thời dư thừa một khối lượng vốn khả dụng VND khá lớn. Nhưng khả năng nhiều NH vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi.

Tiền gửi của các tổ chức tăng cao

Mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi khá ổn định; lãi suất thị trường liên NH ở mức thấp (lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ phiên gần nhất kỳ hạn 5 năm là 7,15%/năm), các thành viên Hiệp hội NH thoả thuận điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi... nhưng nguồn vốn huy động của các NH trong 6 tháng đầu năm 2007 vẫn tăng cao.

Riêng Hà Nội (địa bàn chiếm gần 40% tổng vốn huy động toàn hệ thống), vốn huy động (VHĐ) từ các tổ chức (phi TCTD) và dân cư cuối tháng 6.2007 tăng 21% so cuối năm 2006, trong khi đó tỉ lệ sử dụng vốn để cho vay và đầu tư chỉ đạt 46,3%/ VHĐ.

Nguồn vốn tăng mạnh trước hết là do vẫn chưa có kênh đầu tư nào thay được kênh NH. TTCK sụt giảm, thị trường BĐS vẫn "đóng băng", giá vàng biến động khá thất thường... Bên cạnh đó, vốn tăng cũng là kết quả cạnh tranh quyết liệt của các NH như mở rộng mạng lưới, tìm kiếm các khách hàng mới...

Tuy nhiên, đây là năm thứ hai nguồn vốn dân cư tiếp tục có xu hướng tăng chậm lại. Hiện tiền gửi từ các tổ chức đã chiếm đến 61% VHĐ của các NH ở Hà Nội. Nguồn này đang có mức tăng rất cao, gấp 3 lần mức tăng tiền tiết kiệm.

Trước nguy cơ sụt giảm nguồn tiết kiệm, các NH tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm vốn từ KBNN, các tổ chức bảo hiểm, quỹ hỗ trợ, các dự án ODA... để khai thác, các nguồn vốn tiền gửi lớn, ổn định. Đồng thời tiếp cận, ký hợp đồng với các đơn vị có nguồn thu thường xuyên như ngành điện, nước, bưu điện... để thu hút tiền gửi đồng thời cung cấp các dịch vụ NH.

Chi nhánh NHCT Đống Đa cho biết nguồn vốn tăng 6 tháng đầu năm của họ chủ yếu do một số DN CPH có nguồn thu từ tiền bán cổ phần hoặc tăng vốn... Tuy nhiên có một thực tế là do cạnh tranh, nhiều NH đã phải nâng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức lên khá cao, tương đương lãi suất tiết kiệm (có NHTMCP nhận tiền gửi của một TCty đến mức 9%/năm), đây là một dấu hiệu không có lợi cho nền kinh tế vì nhiều khả năng thay vì đầu tư vào mở rộng SX-KD, một số DN sẽ chọn cách gửi tiền vào NH để hưởng lãi.

Vẫn thiếu vốn ngoại tệ

Mức tăng vốn huy động ngoại tệ 6 tháng đầu năm của các NH đạt rất thấp so mức tăng tiền gửi VND (ở Hà Nội tỉ lệ tăng tương ứng là 5%&28%). Cơ cấu kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ của các NH hiện cũng không vững chắc, phần lớn là tiền gửi không kỳ hạn của một số DNNN lớn.

Tại một chi nhánh NHĐT&PT ở HN, mặc dù ngoại tệ chiếm đến 33% tổng vốn huy động nhưng chủ yếu là tiền gửi của một TCty, nguồn này sẽ giảm ngay lập tức nếu TCty đó có nhu cầu rút vốn về.

Mặc dù các NH đưa ra các đợt phát hành kỳ phiếu ngoại tệ với các kỳ hạn và mức lãi suất hấp dẫn, tăng lãi suất huy động... nhưng nguồn tiết kiệm ngoại tệ vẫn rất hạn chế.

Sở Giao dịch NH Ngoại thương VN cho biết, huy động vốn từ dân cư bằng ngoại tệ giảm là do tỉ giá ngoại tệ thời gian qua tương đối ổn định trong khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ luôn thấp hơn VND nên người dân có xu hướng chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND để gửi tiết kiệm. Nhiều NH đang lo lắng vì sự khan hiếm vốn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vay của các DN XNK vào cuối năm.

Lãi suất tiền gửi: Nhiều khả năng tiếp tục tăng

Dự báo về tình hình huy động vốn 6 tháng cuối năm, hầu hết các NH đều cho rằng sẽ nhiều khó khăn. Theo ý kiến của NHNo&PTNT-CN Hoàng Mai: "Tiền gửi dân cư có xu hướng chững lại do một số nguyên nhân: Chỉ số CPI có khả năng cao hơn dự kiến; cơ hội đầu tư của dân cư vào các DNNN CPH nhiều hơn, vốn nhàn rỗi sẽ bị chia sẻ cho nhiều quyết định đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả theo kỳ vọng đã được xác định; cơ cấu chi tiêu của người dân đang thay đổi theo hướng tăng chi cho giáo dục, mua sắm và giảm tích trữ khi lương tăng chậm và thấp hơn mức tăng giá cả sinh hoạt.

Tiền gửi tổ chức có xu hướng không tăng vì phần lớn các DN (cả sở hữu nhà nước và tư nhân) đều không có nhiều vốn và số vốn này hầu như chưa đáp ứng được hoạt động kinh doanh của chính họ nên vốn tạm thời nhàn rỗi để gửi NH sẽ không lớn và chủ yếu chỉ là tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn".

Một số NH nhận định các đợt phát hành trái phiếu để hút vốn, chào bán thêm CP của các TCty... rồi viễn cảnh một số tập đoàn kinh tế lớn chuẩn bị thành lập các Cty tài chính và NH của mình cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong huy động vốn ngày càng trở nên gay gắt, quyết liệt.

Bên cạnh đó Quyết định 1141/QĐ-NHNN của NHNN VN về tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND cũng là một nhân tố tác động đến tăng lãi suất đầu vào của các NH. Vì vậy, bên cạnh một số rất ít NH tính hạ lãi suất huy động vốn để đảm bảo không vượt mức trần thỏa thuận của Hiệp hội NH thì nhiều NH đã tính đến khả năng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi, đặc biệt là lãi suất tiền gửi ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư và tiêu dùng xã hội tăng lớn vào dịp cuối năm và duy trì năng lực cạnh tranh của mình.

Các tin tức khác

>   Nhiều nhà đầu tư Mỹ chú ý thị trường tài chính Việt Nam (04/07/2007)

>   PG Bank: “Thách thức là không nhỏ” (04/07/2007)

>   Techcombank hợp tác với Bảo Minh thanh toán phí bảo hiểm (04/07/2007)

>   VIB Bank tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng (04/07/2007)

>   Hà Nội: Tỷ lệ sử dụng vốn huy động từ ngân hàng đạt thấp (04/07/2007)

>   Góp ý dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân: Phải dễ hiểu, dễ thu (04/07/2007)

>   Đến lượt nhà đầu tư Mỹ (04/07/2007)

>   Rầm rộ chương trình tín dụng mới (04/07/2007)

>   Tăng lãi suất USD có hút được vốn? (04/07/2007)

>   Hơn 100 tỷ đồng tiền thừa được trả lại  (04/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật