Tăng lãi suất USD có hút được vốn?
Huy động USD tăng không cao khiến nhiều ngân hàng đã khởi động tăng lãi suất USD từ tháng 5 đến nay. Gần 10 ngân hàng đã vào cuộc
Động thái này đã nâng lãi suất huy động USD tăng trung bình 0,05%/năm ở các kỳ hạn ngắn, tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn dài. Lãi suất USD kỳ hạn 12 tháng của vài ngân hàng đã vọt lên đến 5,05%/năm, kỳ hạn 24 tháng lên mức 5,25%/năm.
Tiết kiệm: USD thua VND
Với mức điều chỉnh này, lãi suất USD đang rút ngắn khoảng cách với lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên, cho dù được nâng lãi suất, USD có vẻ vẫn không hấp dẫn nhiều người.
Chiều 30-6, tại một ngân hàng, sau khi nhận kiều hối, không ít khách hàng đã đổi sang tiền đồng để gởi tiết kiệm. Tính ra, cho dù tăng đến mức kỷ lục thì lợi ích gởi USD cũng chỉ bằng một nửa so với tiền đồng. Với 1.000 USD lãi suất mới, gởi sau một năm chỉ được hơn 800 ngàn đồng; còn đổi sang gởi bằng tiền đồng thì lãi gần gấp đôi.
Điều này cũng bộc lộ qua số liệu huy động trên TP.HCM. Nguồn huy động VND dồi dào khiến lãi suất tiền đồng hầu như không có biến động. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động VND tăng 42%, còn huy động ngoại tệ chỉ tăng 17,5%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ lại tăng cao hơn (27%) so với VND (24,7%). Đó là một trong những lý do nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động USD.
Theo giám đốc một ngân hàng, vài ngân hàng đang có ý thúc đẩy cho lãi suất USD tiến gần hơn với lãi suất VND. Theo ông, với tốc độ tăng giá (CPI) 6 tháng đầu năm là 5,2%, thì ở mức lãi suất cũ, gởi USD chẳng còn hấp dẫn được mấy người.
Đồng thời, ngoài thị trường tỷ giá USD/VND dần tăng khiến nhiều người đang muốn đổi sang ngoại tệ có giá trị khác. Tại một quầy thu đổi ngoại tệ, một khách hàng mua ngoại tệ đắn đo không biết nên đổi đồng USD hay euro. Cuối cùng, chị chọn USD, nhưng thòng lại một câu: “Giá USD tăng nữa chắc phải nhảy qua euro”. Giá USD tăng làm chị thiệt thòi, trong khi đồng euro khá ổn định từ đầu năm, giá trị và phổ biến cũng không kém USD là mấy.
Ngân hàng trong thế giằng co
Lãi suất USD tăng xuất phát sâu xa từ vài nguyên nhân. Từ đầu năm, lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, lượng kiều hối dồi dào... đã làm VND tăng giá so với USD, gây bất lợi cho xuất khẩu.
Đồng thời, nhập khẩu trong mấy tháng đầu năm tăng đột biến đẩy nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước, trước áp lực trên, cùng với mong muốn nâng cao lượng ngoại tệ dự trữ, đã mua vào khoảng 7 tỉ USD ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm. Động thái này đã “hút” đi một lượng lớn ngoại tệ ngoài thị trường, nhưng cũng góp phần làm giá VND tăng khoảng 0,15 % so với đồng USD.
Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, buộc các ngân hàng thương mại phải có biện pháp kích thích huy động ngoại tệ, mà dễ thấy nhất là điều chỉnh tăng lãi suất tiền gởi USD.
Trưởng phòng khối doanh nghiệp một ngân hàng cho biết, đầu ra cho vay USD đã đội lên thêm 0,2%/năm. Theo ông, chỉ một số ít doanh nghiệp tỏ ý phàn nàn. Tuy nhiên, việc tăng đầu ra hiện nay không hề đơn giản. Ngân hàng khá khó khăn đi thuyết phục doanh nghiệp chấp nhận khoản lãi suất tăng thêm.
Ngoài ra, theo ông giám đốc trên, đối với những khách hàng doanh nghiệp lớn, hầu như lãi suất USD khó có thể đổi. Một doanh nghiệp lớn khi vay và gởi đều với số lượng tiền rất lớn, xê xích lãi suất một phân cũng ảnh hưởng đến túi tiền của họ, nên nhiều ngân hàng không dám “manh động” với các VIP này.
Bên cạnh đó, vốn khả dụng của ngân hàng đang trong tình trạng thừa. Do nguồn vốn huy động qua thị trường chứng khoán tăng mạnh, thay vì đi vay vốn ngân hàng như trước, nhiều doanh nghiệp gởi vốn ngược lại ngân hàng.
Thêm vào đó, quyết định của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% tác động đến quy mô nguồn vốn, hoạt động tín dụng khiến nhiều ngân hàng đang “nhức đầu” với bài toán đầu vào – đầu ra để bù đắp chi phí gia tăng.
SGTT
|