Thứ Ba, 03/07/2007 12:05

Đánh thuế phải như nhổ lông ngỗng!

Đánh thuế cũng như việc nhổ lông ngỗng, làm sao nhổ được nhiều lông nhất mà con ngỗng ít kêu nhất.

Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dường như chưa đáp ứng cả hai điều này: số thu dự kiến không tăng lên bao nhiêu mà số người trong diện phải đóng thuế thì “kêu trời”.

Cuộc hội thảo khoa học lấy ý kiến về dự thảo Luật thuế TNCN tại Văn phòng Quốc hội phía Nam trong ngày 2-7 đã tập trung mổ xẻ vì sao dự luật chưa thể đi đến đích cuối cùng là động viên được nhiều thuế nhất mà người dân không phải phản ứng lại việc Chính phủ “lấy tiền” trong túi của họ.

Giảm trừ gia cảnh: 4 hay 5 triệu đồng?

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu là mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là phù hợp. Ông Đinh Dũng Sỹ, phó vụ trưởng Ban xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ, phát biểu: “Tôi cho rằng đưa ra để người dân chọn lựa 4 hay 5 triệu đồng thì không bao giờ có câu trả lời. Nếu đó là con số đã đựơc tính toán dựa trên những cơ sở thật sự khoa học thì tại sao lại cần phải đưa ra hỏi ý kiến? Hơn nữa, đã gọi là Luật thuế TNCN thì mọi người dân có thu nhập đều phải đóng thuế, đóng thuế ngay từ đồng đầu tiên. Vấn đề quan trọng là phải đưa ra được biểu thuế và mức thuế phù hợp. Chẳng hạn, tại sao không đưa ra mức thuế 0% hoặc 1% đối với khoản thu nhập từ 5 triệu đồng trở xuống. Có thu nhập 1 triệu đồng thì nộp 10.000 đồng/tháng, người dân nào lại từ chối?”.

Đồng tình với ông Sỹ, các chuyên gia khác cũng cho rằng Tổng cục Thuế không nên loay hoay với hai con số 4 hay 5 triệu đồng, vừa thể hiện sự lúng túng trong quan điểm xây dựng luật thuế vừa cho thấy cơ quan này đang “thỏa hiệp” với các nhóm lợi ích xã hội khác nhau. “Trợ cấp là trợ cấp, thuế là thuế, hãy tách bạch hai thứ này. Các khoản ưu đãi, miễn giảm cho các đối tượng này, cho các loại thu nhập kia... là các khoản “trợ cấp” được lén đưa qua thuế, ảnh hưởng đến tính trung lập của hệ thống thuế” - tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác bày tỏ lo ngại việc tất cả người dân cùng đi kê khai thuế (nếu phải đóng thuế từ đồng thu nhập đầu tiên) sẽ gây áp lực quá tải lên cơ quan thuế. “Chúng ta phải cân nhắc chính sách thuế có tính đến tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của VN. Đúng là triết lý thuế TNCN phải đi đến việc huy động tất cả người dân đều phải kê khai và đóng thuế, nhưng liệu chúng ta có kham nổi không? Vì vậy, cơ quan soạn thảo đưa ra mức chiết trừ 4 hay 5 triệu đồng chính là để giảm bớt một khối lượng công việc lớn và để việc hành thu được hiệu quả” - ông Trần Thế Vượng, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, giãi bày.

Ông Trần Du Lịch, viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cho rằng các khoản đóng góp cho các tổ chức xã hội từ thiện, các quĩ xóa đói giảm nghèo cần được cho phép khấu trừ thuế để khuyến khích người dân chia sẻ một phần thu nhập của mình đối với những người ít may mắn hơn.

Ai phải nộp thuế?

PGS.TS Nguyễn Đăng Dung (khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) làm “nóng” hội thảo khi đưa ra vấn đề vì sao các quan chức nhà nước và hầu hết cán bộ công chức đều thuộc diện “không phải đóng thuế”. “Nếu chúng ta thông qua dự luật, điều này có nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục loại trừ một bộ phận quan trọng của xã hội sẽ không phải đóng thuế.

Nói ra thì “phản cảm” nhưng có phải chúng ta làm luật chỉ để nhắm đến việc thu thuế của những người dân bình thường? Các bộ trưởng, thứ trưởng của chúng ta đang thật sự nhận khoản thu nhập là bao nhiêu? Có thật là chưa đến mức phải đóng thuế?” - ông Dung đặt câu hỏi. Một số đại biểu khác cũng cho rằng cần “tiền lương hóa” các khoản thu nhập của các quan chức để luật thuế được nhìn nhận công bằng và nhân bản hơn.

Ông Ngô Huy Cương, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng luật đang chừa một “lỗ hổng” lớn để sau này Bộ Tài chính muốn giải thích “thế nào cũng được”. Đó là về nguyên tắc, nếu luật đã liệt kê các khoản “thu nhập chịu thuế TNCN” thì được hiểu những khoản còn lại không phải chịu thuế. Đằng này luật liệt kê cả hai loại này, tức là còn khoảng giữa (vừa có thể không chịu thuế, vừa có thể phải chịu thuế) để dành cho Bộ Tài chính “quyết” về sau này.

Liên quan đến đối tượng nộp thuế, PGS.TS Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và pháp luật) cũng cho rằng trong danh sách nộp thuế theo diện này ngoài hộ kinh doanh cá thể cần thêm vào doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác, và thành viên hợp doanh, thành viên hợp vốn của các công ty hợp doanh. Nguyên nhân, theo ông, do đây là những đơn vị không thực hiện nguyên tắc tách bạch giữa tài sản của cá nhân và tài sản doanh nghiệp.

Hôm nay 3-7, các đại biểu tiếp tục thảo luận.

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (03/07/2007)

>   Không phải thuế cao là thu được nhiều (03/07/2007)

>   Bảng Anh tăng 8,2% so với USD (03/07/2007)

>   Giá vàng đã đạt mức 650 USD/ounce (02/07/2007)

>   1/7: Lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8,25% (02/07/2007)

>   Kinh doanh bảo hiểm: 1 trong 4 trụ cột chính của BIDV (02/07/2007)

>   Southern Bank hợp tác với ICE thu đổi ngoại tệ (02/07/2007)

>   Hoàn thuế cho các DN nhập khẩu vật tư, nguyên liệu để trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu (02/07/2007)

>   Eximbank tăng lãi suất huy động USD và VNĐ (02/07/2007)

>   VABank hợp tác với Hội đồng Vàng thế giới (02/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật