Không phải thuế cao là thu được nhiều
Văn phòng Quốc hội và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp vừa tổ chức hội thảo về Dự luật Thuế thu nhập cá nhân trong ngày 2 và 3.7 để thu thập ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Nhiều ý kiến liên quan sát sườn đến quyền lợi, đời sống người dân.
Đừng quá "gắt" với người ăn lương
TS Vũ Ngọc Nhung cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế cần nâng lên mức 10 triệu đồng. Việc cải cách tiền lương lâu nay bị lấn cấn và không nên căn cứ vào mức lương không đủ sống để định mức nộp thuế. Mức lương tối thiểu chỉ đủ ăn có 1 tuần và không đủ tái tạo sức lao động.
TS Dương Anh Sơn (ĐHQG TPHCM) đặt câu hỏi: Sau năm 2009, chưa biết mức trượt giá như thế nào và liệu mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng có đủ cho đối tượng nộp thuế đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu?
TS Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM) thì đồng tình với mức 4 triệu đồng/tháng cho đối tượng nộp thuế, vì cần tạo ý thức cho mọi người có thu nhập đều nộp thuế.
Tuy nhiên, theo ông, đối với các đối tượng làm công ăn lương thì mức thuế thu nhập thấp sẽ khuyến khích phát triển lao động trong các ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng KHKT cao. Chưa chắc thuế cao thì sẽ thu được nhiều.
Ông Lịch nhận xét, thuế thu nhập ở VN tập trung nhiều vào đối tượng làm công ăn lương và xem việc đánh thuế vào lao động là quan trọng, nhất là lao động chất lượng cao, do đối tượng này dễ thu thuế hơn. Biểu thuế luỹ tiến tính 7 bậc được đánh giá là phức tạp. TS Trần Du Lịch đề nghị giảm còn 5 bậc từ 5%- 25%. TS Nguyễn Quang đề nghị nên giữ 4 bậc (đến 20%).
Tăng các khoản khấu trừ
Về khoản khấu trừ gia cảnh, TS Vũ Ngọc Nhung cho rằng, nên nâng cao để tái tạo sức lao động. Khoản này không chỉ tính chi phí nuôi 2 con đến thành niên mà phải tính đến chi phí ăn học đến bậc đại học.
TS Nguyễn Ngọc Điện - Chủ nhiệm khoa Luật - ĐH Cần Thơ - nhận xét: Khái niệm con sống phụ thuộc còn sai biệt giữa luật và thực tiễn. Con cái cần được cha mẹ trợ cấp để theo đuổi việc học cho đến khi có khả năng tự tìm việc nuôi sống bản thân.
Về khấu trừ chi phí y tế, TS Sơn cho rằng, chỉ khấu trừ BHYT bắt buộc như trong dự thảo là vô cảm. Hệ thống BHYT chưa phủ kín các tầng lớp dân cư. Một bộ phận lao động nghèo, vẫn phải tự mình chi trả toàn bộ chi phí sức khoẻ và chi phí này cũng phải được khấu trừ.
Theo luật gia Cao Bá Khoát, nên xét cho thu nhập của vợ chồng có thể bù trừ cho nhau: Tính tổng thu nhập của cả hai sau khi chiết trừ gia cảnh rồi mới tính thuế.
TS Trần Du Lịch đề nghị tính thêm 2 khoản: Khấu trừ khoản tiền mua nhà trả góp đối với người chưa có nhà ở, nhằm góp phần ổn định chính sách nhà ở cho nhân dân và khấu trừ khoản đóng góp cho các tổ chức từ thiện, các quỹ phát triển sự nghiệp, y tế, văn hoá...
Ông Lịch cho biết: "Trong trường hợp này, nếu tính thuế suất cao nhất 25%, thì nhà nước chỉ đóng góp tối đa 25% - còn lại do người dân đóng góp".
Còn nhiều bất công
Một nhận xét đáng quan tâm là nền kinh tế VN phổ biến dùng tiền mặt trong giao dịch của người dân. Chúng ta chưa có công cụ giám sát thu nhập, giám sát lưu thông dòng tiền có hiệu quả nên còn nhiều khoản thu tiềm ẩn trong nền kinh tế tiền mặt.
Sẽ có nhiều khoản thu nhập lớn không chịu thuế hoặc chịu thuế thấp, làm giảm đi mục tiêu hướng đến sự công bằng. Bên cạnh đó, còn có tình trạng cán bộ chuyên quản thuế đàm phán với người thọ thuế, tạo môi trường phát sinh tiêu cực.
TS Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN - nhận xét: Trong nền kinh tế phổ biến các hoạt động kinh tế phi chính thức, nguyên tắc công bằng chiều ngang bị vi phạm thô bạo: Người làm công ăn lương phải chịu thuế do thu nhập thể hiện rõ ràng, còn người làm trên thị trường lao động phi chính thức không xác định được thu nhập.
Nguyên tắc công bằng theo chiều dọc bị vi phạm trầm trọng do tính yếu kém của bộ máy quản lý và thu thuế: Hệ thống thuế không kiểm soát được những người có thu nhập cao. Những người có thu nhập càng cao, khả năng trốn thuế càng lớn.
LĐ
|