Góp ý dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân: Phải dễ hiểu, dễ thu
Thực trạng nhiều mặt của nước ta hiện nay là khó có thể thực thi được Luật thuế thu nhập như nêu trong dự thảo luật. Ít nhất trong nhiều năm nữa chúng ta có sáu vấn đề sau đây phải xử lý:
1. Hệ thống lương còn quá nhiều điều bất hợp lý để tính thuế theo dự luật.
2. Còn thiếu nhiều chính sách cần thiết đối với nhiều khoản thu nhập không thường xuyên của nhiều hoạt động kinh tế - nhiều khi rất quan trọng đối với nền kinh tế.
3. Hệ thống kế toán, kiểm toán, bộ máy thuế, hệ thống ngân hàng và nhìn chung là đội ngũ cán bộ công nhân viên chức liên quan đến thuế có nhiều vấn đề bất cập lớn so với đòi hỏi của dự luật.
4. Tính công khai minh bạch trong kinh tế, trong thu nhập rất thấp (bao gồm cả “nền kinh tế tiền mặt”) và không cho phép thực thi như dự thảo luật.
5. Thuế thu nhập không gắn liền với những tiến bộ Nhà nước cam kết với dân phải đạt được, để người công dân nâng cao ý thức: rất xứng đáng và có nghĩa vụ đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước.
6. Nhìn chung ngoài việc xây dựng dự thảo luật, chưa có những chuẩn bị cần thiết khác xử lý năm vấn đề nêu trên.
Điều đặc biệt quan trọng là dự thảo luật hoàn toàn không phù hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ở nước ta hiện nay như nhiều hội nghị, hội thảo đã chỉ ra là:
- Quá rắc rối và sẽ gây nhiều bất công, sơ hở, tham nhũng, thất thoát; không phù hợp với tình hình kinh tế đang có nhiều biến đổi nhanh; không phù hợp với tình hình giá cả tiêu dùng trượt nhanh và chỉ số lạm phát ngày càng cao.
Nếu nhất thiết phải thực hiện, tôi xin đề nghị:
I. Chia việc thực hiện thuế thu nhập thành hai giai đoạn
Giai đoạn 1: Thực hiện thuế thu nhập theo thuế suất đồng loạt, còn gọi là thuế suất phẳng, với các yêu cầu:
- Dễ thực hiện, thu được nhiều thuế vì có nhiều người đóng thuế, nuôi dưỡng được nguồn thu;
- Tranh thủ thời gian đưa dần mọi hoạt động kinh tế trong xã hội vào hệ thống kế toán, kiểm toán, thống kê, đồng thời tiến hành những biện pháp giảm dần việc chi tiêu tiền mặt, tăng cường và hoàn thiện hệ thống ngân hàng đi kèm với những biện pháp khuyến khích người dân để hệ thống ngân hàng có khả năng thu hút phần lớn mọi hoạt động kinh tế vào guồng máy vận hành của nó, tạo mọi thuận lợi khác cho việc tính và thu thuế;
- Chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật và những vấn đề khác cho việc thực hiện thuế thu nhập giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Trên cơ sở kết quả của giai đoạn một (có thể kéo dài khoảng 5-10 năm), hoàn chỉnh Luật thuế thu nhập đã được áp dụng cho giai đoạn này, hoặc ban hành Luật thuế thu nhập mới, hoàn thiện bộ máy thực thi thuế và mọi điều kiện vật chất kỹ thuật khác.
II. Nội dung thuế thu nhập của giai đoạn 1 đại thể như sau:
1. Thu thuế thu nhập theo thuế suất đồng loạt đối với mọi công dân theo tinh thần: có thu nhập thì có đóng thuế, không ngoại trừ một ai. Mục đích là xây dựng ý thức đóng thuế, thu được nhiều thuế do có nhiều người đóng thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, công khai minh bạch hóa nền kinh tế.
2. Vận dụng thuế suất đồng loạt cho thu nhập thường xuyên, tối đa là 3-4 nấc. Ví dụ: nấc tối thiểu là 1% đối với người có thu nhập thấp, 5% đối với người có thu nhập trung bình thấp, 10% đối với người có thu nhập trung bình cao, 15% đối với người có thu nhập cao (các chuyên gia sẽ tính toán để xây dựng các mức và thang cụ thể; vì lý do nuôi dưỡng nguồn thu kết hợp với khuyến khích đóng thuế, các khoảng cách giữa các mức để tính thuế nên để rộng - ví dụ: mức thu nhập thấp để tính thuế là
1 triệu đồng, mức thu nhập trung bình thấp để tính thuế là 5 triệu đồng, mức thu nhập trung bình cao để tính thuế là 20 triệu đồng, mức thu nhập cao để tính thuế là 50 triệu đồng trở lên). Phương thức này không đòi hỏi nhiều tính toán rắc rối, lòng vòng như trong dự thảo Luật thuế thu nhập đang đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
3. Thuế suất đồng loạt cho các khoản thu nhập không thường xuyên - ví dụ như lãi chứng khoán, lãi suất ngân hàng, những khoản thu nhập không thường xuyên khác, những khoản tiền thưởng... Thuế suất của những loại thu nhập không thường xuyên này nên thấp, mang tính khuyến khích sự công khai minh bạch và dễ thu. Có thu nhập loại này là chiết khấu ngay để thu thuế.
4. Thực hiện phí trước bạ ở mức thấp hợp lý đối với bất động sản, thuế hưởng tài sản thừa kế. Khuyến nghị không đưa thu nhập từ hai nguồn này vào tính thuế thu nhập cá nhân.
Tinh thần chủ yếu của phương thức này là tạo và khuyến khích ý thức đóng thuế, đẩy kinh tế ngày càng sâu vào môi trường công khai minh bạch, nuôi dưỡng nguồn thu, dễ thu và thu được nhiều thuế, tranh thủ thời gian cho việc kiện toàn hệ thống thuế thu nhập.
Tiền lãi tiết kiệm cũng phải đóng thuế!
* Các nguồn thu của quan chức nhà nước đều phải kê khai và nộp thuế
Phát biểu trong ngày làm việc thứ hai (3-7) tại hội thảo khoa học lấy ý kiến về dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, ông Trương Chí Trung, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết việc đóng thuế của các quan chức nhà nước và cán bộ công chức cho đến nay vẫn là vấn đề “nhạy cảm”. “Lúc trước phụ cấp lãnh đạo không thuộc diện chịu thuế, nhưng nay chúng ta sẽ đưa vào” - ông Trung khẳng định.
Để làm rõ hơn ý ông Trung, bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết theo qui định hiện hành, các khoản phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chức vụ từ ngân sách nhà nước không chịu thuế thu nhập. Trong khi đó, phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp chức vụ ở các doanh nghiệp và văn phòng đại diện thì lại thuộc diện chịu thuế. “Như vậy là không có sự bình đẳng giữa người làm việc tại các cơ quan nhà nước và người làm việc tại các doanh nghiệp. Dự luật vì thế sẽ sửa đổi điều này để tiến tới việc các quan chức nhà nước và cán bộ công chức sẽ kê khai và nộp thuế” - bà Cúc nói.
Tại hội thảo, ông Trung cũng khẳng định chỉ thu thuế dựa trên thu nhập ròng vì mọi khoản thu nhập đều có chi phí riêng. Sở dĩ ông Trung nói điều này vì trước đó ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), cho rằng Bộ Tài chính đang xem nghề kinh doanh chứng khoán là nghề cho chi phí bằng không. Trong khi đó, theo ông Hải, hàng vạn người đang theo đuổi nghề này phải trả nhiều khoản chi phí, bao gồm tiền phí môi giới chứng khoán, chi phí mua thông tin, chi phí đào tạo, chi phí vay vốn...
Một điều khá bất ngờ tại hội thảo là hầu hết chuyên gia tài chính, luật sư... đều tán thành với việc phải đánh thuế tiền lãi tiết kiệm. Theo họ, Tổng cục Thuế đã có phần hơi “yếu lòng” khi lúc đầu định đưa lãi tiết kiệm vào diện chịu thuế, sau lại lấy ra khi nghe có ý kiến phản ứng.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, luật sư trưởng văn phòng luật sư Phước và cộng sự, thông lệ chung của các nước trên thế giới, tiền lãi tiết kiệm cũng là một dạng thu nhập phổ biến của người dân và cần phải chịu thuế thu nhập. Xét đến tình hình kinh tế - xã hội của VN hiện nay, việc xem tiền lãi tiết kiệm là một khoản thu nhập thuộc đối tượng không chịu thuế có thể làm thỏa mãn một số người dân thường xuyên gửi tiền lãi tiết kiệm và các tổ chức tín dụng, cũng như để khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm. Nhưng ngược lại, chính sách này sẽ làm mất đi tính công bằng của Luật thuế thu nhập.
Ông Phước phân tích: “Để dung hòa hai quan điểm đối kháng trên, tôi cho rằng Quốc hội có thể xem xét trừ tỉ lệ lạm phát hằng năm do Tổng cục Thống kê thông báo vào tiền lãi tiết kiệm. Số còn lại sẽ phải chịu thuế thu nhập như một khoản thu nhập thuộc đối tượng nộp thuế bình thường”.
Tuổi Trẻ
|