Thứ Ba, 17/07/2007 14:01

Lạm phát 6 tháng đầu năm: Chính sách tiền tệ “vô can”?

Trong thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, “lạm phát là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua nhiều ngoại tệ”, dựa trên số liệu trong 5 tháng đầu năm NHNN đã mua 7 tỷ USD (khoảng 112.000 tỷ đồng). Sau khi bù trừ qua các kênh như “hút” về qua nghiệp vụ thị trường mở và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 72.000 tỷ đồng… thì NHNN đã đưa khoảng 60.000 tỷ đồng ra lưu thông (chiếm 10% GDP), như vậy là quá nhiều và đây chính là nguyên nhân gây ra lạm phát. Nhận định như vậy liệu có quá vội vàng hay không?

Trước hết, ai cũng hiểu, nếu lượng tiền trong nền kinh tế quá lớn sẽ có tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, lý thuyết kinh tế học vĩ mô đã chứng minh rằng, bất kỳ sự thay đổi trong lãi suất chính thức, hoặc cung tiền của Ngân hàng Trung ương (NHTW) phải có độ trễ thời gian để tác động đầy đủ đến nền kinh tế. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trung bình sau khoảng một năm ở Anh và ở các nền kinh tế công nghiệp khác thì sự thay đổi chính sách tiền tệ (CSTT) mới có tác động tối đa đến tổng cầu và sản suất, và thêm một năm nữa mới tác động đầy đủ đến lạm phát. Song, có rất nhiều sự thay đổi và không chắc chắn xung quanh độ trễ thời gian trên. Cụ thể, tác động chính xác sẽ phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau, như chu kỳ kinh doanh, lòng tin của người tiêu dùng và phản ứng của họ đối với sự thay đổi chính sách, giai đoạn của chu kỳ kinh doanh, các sự kiện trong nền kinh tế thế giới, kỳ vọng về lạm phát trong tương lai... Những ảnh hưởng khác này là nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan quản lý tiền tệ, nhưng kết hợp với những điều chỉnh chậm để đảm bảo rằng, tác động của CSTT có xu hướng dài hạn, độ trễ thay đổi và không chắc chắn. Sự điều chỉnh chậm trễ này còn liên quan đến độ trễ trong thay đổi quyết định tiêu dùng thực tế. Ước tính định lượng của độ trễ này xuất phát từ mô hình kinh tế lượng của NHTW Anh .

Một điều đáng chú ý khi xem xét cơ chế tác động của CSTT đến lạm phát, đó là phải xem xét mối quan hệ giữa GDP thực tế và lạm phát, giữa lạm phát kỳ vọng và lãi suất thực.

Khi GDP thực tế đạt mức tiềm năng thì mức sản lượng không tạo ra sức ép theo hướng tăng lên hoặc đi xuống đối với lạm phát. Trong trường hợp GDP thực tế cao hơn mức GDP tiềm năng sẽ gây sức ép lạm phát cao, và ngược lại. Các kỳ vọng lạm phát tác động theo 2 góc độ quan trọng. Trước hết, chúng ảnh hưởng đến mức lãi suất thực, và vì thế mà nó ảnh hưởng đến bất kỳ tỷ lệ lãi suất danh nghĩa cụ thể nào; thứ hai, chúng ảnh hưởng đến giá cả và tiền lương, và vì thế nó ảnh hưởng đến lạm phát thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với thực tế Việt Nam, đã có một vài nghiên cứu về tác động của tiền rộng (M2, tín dụng) đến lạm phát. Kết quả nghiên cứu của IMF về các nhân tố tác động đến lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2000 - 6/2006 đưa ra kết luận rằng, lạm phát của Việt Nam chịu nhiều yếu tố tác động, trong đó có những yếu tố chính là lạm phát quá khứ, chêch lệch giữa sản lượng tiềm năng và sản lượng thực tế, tỷ giá th?c hiệu lực (cứ giảm 1% điểm tỷ giá thực hiệu lực thì lạm phát tăng 0,12%) và tiền rộng tăng 1% thì lạm phát tăng 0,1%. Kết quả ước lượng hồi quy giữa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tín dụng (giả định các yếu tố khác ảnh hưởng đến CPI là không đổi), sử dụng bộ số liệu theo tháng từ năm 2000 đến năm 2006 cho thấy, khi tín dụng tăng 1% thì sau 14 tháng sẽ làm cho CPI tăng 0,1%.

Mặt khác, khi đánh giá lượng tiền được đưa ra nền kinh tế từ NHNN phải xem xét ở nhiều kênh. Mặc dù tác giả đã bù trừ các kênh để kết luận lượng tiền đưa ra nền kinh tế qua kênh mua ngoại tệ là 60.000 tỷ đồng, nhưng đó chưa phải là tiền mạnh (power money), vì chỉ có tiền mạnh mới là chỉ số tiền tệ để phân tích mối liên hệ với lạm phát. Thực tế, đến tháng 5/2007 tiền mạnh chỉ tăng hơn 10.000 tỷ đồng, bởi lượng tiền NHNN bơm ra mua ngoại tệ còn được bù trừ bởi việc “hút” tiền qua kênh ngân sách (tiền gửi Kho bạc tại NHNN tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm). Việc điều hành CSTT của NHNN phải dựa trên sự phân tích và dự báo các nhân tố tác động đến tiền mạnh để quyết định bơm hay hút tiền về qua các kênh mà NHNN có thể chủ động được.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Đồng Việt Nam hướng tới tự do chuyển đổi (16/07/2007)

>   Thụy Sĩ tài trợ nâng cao năng lực ngành ngân hàng (16/07/2007)

>   Vietnam Airlines được bảo lãnh thuê mua 2 máy bay (16/07/2007)

>   Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm (16/07/2007)

>   Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm (16/07/2007)

>   Lãi suất huy động USD tăng dồn dập (16/07/2007)

>   Trung lập để khách quan (15/07/2007)

>   Huy động 12.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội (15/07/2007)

>   Các giải pháp bình ổn giá cả trong nước (15/07/2007)

>   Vì sao đồng đôla Mỹ sụt giá mạnh? (14/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật