Chủ Nhật, 15/07/2007 23:09

Trung lập để khách quan

Trước ngày 31/7/2007, Trung tâm Thẩm định giá (TĐG), Trung tâm Thông tin và Thẩm định giá miền Nam, Trung tâm Thông tin, tư vấn dịch vụ về tài sản và bất động sản (đều thuộc Bộ Tài chính), trung tâm TĐG do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thành lập đều phải chuyển sang hoạt động theo mô hình DN (công ty cổ phần hoặc công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên).

“Các DN TĐG hoạt động theo Luật DN, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả TĐG trước khách hàng. Cụ thể, DN TĐG có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng TĐG, nắm giữ tài liệu có liên quan đến tài sản TĐG cung cấp hồ sơ của tài sản cần TĐG, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản TĐG (trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật); từ chối thực hiện dịch vụ TĐG khi thấy tài sản cần TĐG không đủ điều kiện pháp lý; thu tiền dịch vụ TĐG và tham gia các tổ chức nghề nghiệp về TĐG”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh và cho biết, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, DN TĐG sẽ không còn chịu sự can thiệp trực tiếp của cơ quan tài chính các cấp, mà thay vì quản lý trực tiếp như trước đây, Bộ Tài chính sẽ trở thành cơ quan giúp Chính phủ quản lý về mặt nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ TĐG.

Kết quả TĐG được sử dụng như một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chi ngân sách nhà nước, tính thuế; xác định giá trị tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm; cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hoá, giải thể DN; tư vấn cho cơ quan nhà nước quyết định giá quyền sử dụng đất. Việc chuyển các trung tâm TĐG hoạt động theo mô hình cơ quan sự nghiệp có thu sang mô hình DN, theo ông Thỏa, là việc làm tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, bởi TĐG là một loại hình dịch vụ tài chính đòi hỏi sự công khai, minh bạch và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động TĐG phải thực sự độc lập mới đưa ra được kết quả khách quan, xác thực. Hơn nữa, Việt Nam hiện là thành viên thông tấn của Hiệp hội TĐG quốc tế và là thành viên chính thức của Hiệp hội TĐG ASEAN, mà theo quy định của 2 hiệp hội này, thì trung tâm TĐG của các nước thành viên phải hoạt động theo mô hình DN. “Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của trung tâm TĐG không chỉ phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, mà còn tránh tình trạng ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’. Cụ thể, việc cơ quan tài chính các cấp cấp ngân sách cho các đơn vị thụ hưởng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, nhưng lại sử dụng đơn vị trực thuộc TĐG hàng hoá, dịch vụ, trang thiết bị mua sắm dẫn tới thiếu khách quan, dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực”, ông Thỏa nêu ví dụ và cho biết, ngoài lĩnh vực TĐG, các dịch vụ tài chính khác trong tương lai sẽ chuyển sang hoạt động theo Luật DN thay vì là cơ quan sự nghiệp như hiện nay.

Theo Thông tư 67/2007/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, đối với tài sản, vốn do Nhà nước đầu tư ban đầu trước khi chuyển thành công ty cổ phần, giá trị tài sản, vốn được đánh giá lại và chuyển thành cổ phần của Nhà nước hoặc bán cho người lao động trong DN; trước khi chuyển thành công ty TNHH, giá trị tài sản, vốn do Nhà nước đầu tư được đánh giá lại và được coi là phần vốn góp của Nhà nước trong công ty TNHH. Như vậy, mặc dù chuyển đổi mô hình, nhưng Nhà nước (do các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh làm đại diện) vẫn là cổ đông lớn, thành viên đóng góp lớn trong các DN TĐG. Điều này liệu có bảo đảm cho DN TĐG hoạt động độc lập? Theo ông Thỏa, mặc dù Nhà nước vẫn còn vốn tại một số DN TĐG, nhưng sự can thiệp (nếu có) của cơ quan nhà nước cũng bị hạn chế theo Luật DN. “Trước mắt, Nhà nước chỉ giữ phần vốn tại một vài DN TĐG, phần vốn tại tất cả các DN còn lại sẽ thực hiện đấu giá và bán toàn bộ phần vốn nhà nước theo đúng Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần”, ông Thỏa cho biết.

Theo Nghị định 101/2005/NĐ-CP của Chính phủ về TĐG, hạn cuối cùng để các các trung tâm TĐG, trung tâm có chức năng hoạt động TĐG thuộc các thành phần kinh tế đã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật sẽ phải chuyển đổi sang mô hình DN chậm nhất vào ngày 31/7/2007. Như vậy, thời gian để chuyển đổi chỉ còn hơn nửa tháng, tuy nhiên, theo ông Thỏa, thời gian còn lại đủ để các trung tâm chưa chuyển đổi thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 101/2005/NĐ-CP. Bởi trên thực tế, vướng mắc lớn nhất trong việc chuyển đổi là định giá lại tài sản, đặc biệt là trụ sở làm việc, thì hiện chỉ có 2 trung tâm thuộc Bộ Tài chính là được Nhà nước trang bị tài sản để hoạt động, tài sản của các trung tâm khác hầu như đều đi thuê, đi mượn hoặc đã hết thời gian khấu hao, nên việc xử lý đơn giản hơn rất nhiều.

ĐT

Các tin tức khác

>   Huy động 12.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội (15/07/2007)

>   Các giải pháp bình ổn giá cả trong nước (15/07/2007)

>   Vì sao đồng đôla Mỹ sụt giá mạnh? (14/07/2007)

>   Ngân hàng ngoại “thâm nhập” ngân hàng nội (14/07/2007)

>   BIDV sớm bán cổ phần lần đầu ra công chúng (14/07/2007)

>   Huy động thêm 700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (14/07/2007)

>   Các NHCP vượt mốc vốn 1.000 tỷ đồng trước thời hạn (13/07/2007)

>   Mua máy bay Boeing 787 để cho thuê (13/07/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (13/07/2007)

>   Yêu cầu tăng cường an toàn vận chuyển tiền (13/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật