Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm
Theo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2007, hệ thống 8 NHTMCP trên địa bàn Hà Nội đều có mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với những quy định mới trong việc nâng mức dự trữ bắt buộc và giới hạn dư nợ cho vay CK, các NH dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới.
Những con số khả quan
Hai năm gần đây, các chỉ tiêu hoạt động của khối NHCP Hà Nội luôn ở mức cao. Nếu như tốc độ tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cho vay của khối các chi nhánh NHTM nhà nước đến cuối tháng 6/2007 so với cuối năm 2006 chỉ đạt tương ứng là 15,5% và 6,5%, thì các NHCP đạt mức tăng xấp xỉ 30% trở lên, trong đó một số NH có mức tăng lớn như Techcombank: 50% và 38%, NHTMCP Quân đội (MB): 34,4% và 29,7%, VPBank: 25% và 57%...
Đạt được mức tăng này do NHCP có một số yếu tố: Mạng lưới mở rộng, năng lực tài chính tăng, chiến lược khách hàng phù hợp với xu thế thị trường (đặc biệt các NHCP có sẵn các mối quan hệ với DN nhỏ và vừa, DN tư nhân), chủ động đa dạng hoá các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Một trong những hoạt động nổi bật của khối NHCP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2007 là làn sóng khai trương chi nhánh và các điểm giao dịch mới. Thống kê cho thấy, 8 NHCP Hà Nội đã mở mới tổng cộng 40 chi nhánh và 64 phòng giao dịch, trong đó chỉ có 2 chi nhánh và 25 phòng giao dịch tại địa bàn Hà Nội. Kịch bản mở rộng mạng lưới của các NHCP Hà Nội là hướng tới các TP trực thuộc T.Ư và các vùng kinh tế trọng điểm. Việc mở rộng mạng lưới đã giúp các NHCP Hà Nội thu hút được nhiều vốn, mở rộng tín dụng, khẳng định thương hiệu...
Tuy nhiên, theo NHNN-Chi nhánh Hà Nội, các NHCP cần lường trước rủi ro khi mở rộng mạng lưới quá nhanh, quá nhiều, trong khi nguồn nhân lực - đặc biệt là một số chức danh quản lý - còn ít kinh nghiệm. Bị sức ép về thu nhập nên đã có tình trạng một số chi nhánh, phòng giao dịch nới lỏng điều kiện cho vay. Một số NH có dấu hiệu tăng trưởng tín dụng "nóng" tiềm ẩn rủi ro. Chi phí cho mạng lưới lớn cũng ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả kinh doanh.
Đối diện nhiều khó khăn
6 tháng đầu năm, kinh doanh của 8 NHTMCP Hà Nội đều có lãi. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng lợi nhuận trước thuế của 8 NH đạt khoảng 1.431,8 tỉ đồng. Nhiều NH đã đạt lợi nhuận trước thuế vượt trên 60% kế hoạch năm, như MB bằng 75,5% kế hoạch năm, Techcombank bằng 60%...
Mặc dù nhiều NH khẳng định, chỉ tiêu lớn về cân đối và lợi nhuận đạt trong 6 tháng đầu năm sẽ tạo điều kiện tốt cho NH tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy, lợi nhuận những tháng cuối năm 2007 của các NH sẽ không đạt cao. Hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp là quy định tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc và thực hiện lộ trình giảm mức cho vay kinh doanh CK về dưới 3%/tổng dư nợ. Trước khi có Chỉ thị 03 của Thống đốc NHNN, một số NHCP Hà Nội có mức dư nợ cho vay kinh doanh CK khá cao - từ 10% đến trên 20%/tổng dư nợ.
Với lộ trình 6 tháng cuối năm, sức ép lên các NHCP không phải nhỏ. Bị khống chế cho vay CK trong điều kiện khó mở rộng tín dụng, một vài NHCP đang khó khăn trong việc sử dụng vốn. Thậm chí, có NH hiện thừa mức dự trữ bắt buộc (không được hưởng lãi) trên 100 tỉ đồng. Để sử dụng vốn hiệu quả, các NHCP cũng đang tích cực phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho TTCK, đồng thời nghiên cứu kỹ về thị trường cho vay tiêu dùng và bất động sản.
Một sức ép nữa là nhu cầu tăng vốn điều lệ theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ về danh mục vốn pháp định của TCTD. Năm 2007, tất cả NHCP Hà Nội đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ với quy mô 15.000 tỉ đồng CP và 3.000 tỉ đồng trái phiếu. Nếu đạt kế hoạch, đến cuối năm 2007, các NHCP Hà Nội sẽ có tổng vốn điều lệ gấp 2,1 lần cuối năm 2006.
Tuy nhiên, hiện nhiều NHCP rất lo lắng vì do thủ tục chào bán thêm CK kéo dài và phức tạp. Đến giữa tháng 7/2007, mới chỉ có một nửa số NHCP thực hiện tăng vốn, với giá trị chào bán 2.760 tỉ đồng CP và 1.000 tỉ đồng trái phiếu. Đây là mức thực hiện tương đối thấp và nhiều NH có khả năng không đạt kế hoạch.
LĐ
|