Thứ Hai, 16/07/2007 18:14

Đồng Việt Nam hướng tới tự do chuyển đổi

Thủ tướng vừa có Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam. Việt Nam có một đồng tiền mạnh, có khả năng chuyển đổi cao là mục tiêu đặt ra không chỉ bây giờ mà đã từ rất lâu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần những bước đi mạnh mẽ hơn.

Chuyển đổi tự do

Hiểu một cách đơn giản thì một đồng tiền tự do chuyển đổi như USD, Euro, Yên Nhật… là đồng tiền có thể sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, hay nói cách khác là được các nước khác chấp nhận trong giao dịch thanh toán. Tất nhiên, VND chưa thể đạt được điều đó, cái đích hướng tới khiêm tốn hơn là nâng cao khả năng chuyển đổi.

Theo Quyết định trên, mục tiêu được hướng tới là bước đầu xây dựng cơ chế để VND tham gia thanh toán xuất nhập khẩu, bước đầu cho VND tham gia quan hệ vay, trả nợ nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thì một đồng tiền được chuyển đổi phụ thuộc vào 4 yếu tố. Cụ thể là tự do hoá các giao dịch vãng lai; nới lỏng các giao dịch tài khoản vốn (nguồn vốn vào - ra không gặp trở ngại); thả nổi tỷ giá hối đoái; và cuối cùng là phải có thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường hối đoái mở.

Xét về từng yếu tố thì hai yêu cầu đầu tiên về cơ bản đã được giải quyết về mặt pháp lý. Việc tự do hóa các giao dịch vãng lai đã được áp dụng và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận.

Đối với tài khoản vốn, việc nới nỏng dần dần cũng được xây dựng và thể hiện về căn bản không có sự ngăn cản về dòng vốn ra và vào.

Còn đối với tỷ giá, ông Nghĩa cho biết, hiện đối với các loại ngoại tệ, về cơ bản tỷ giá đã được tự do, duy chỉ có USD là đang được kiểm soát khá chặt, tỷ giá giao dịch hàng ngày của các ngân hàng chỉ trong biên độ +/-0,5% so với tỷ giá chính thức được công bố.

Đối với yêu cầu cuối cùng thì Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hoàn chỉnh. Việc phải có thị trường tài chính và thị trường hối đoái mở ở đây được hiểu là thị trường phải được thông thương với thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.

"Tức là Tp.HCM hoặc Hà Nội sẽ phải trở thành trung tâm giao dịch tiền tệ lớn và các tác động từ bên ngoài vào Việt Nam và các tác động từ Việt Nam có thể vào ra tương đối dễ dàng", ông Nghĩa nói và cho biết, "cho đến bây giờ, đồng Việt Nam đã có chuyển đổi ở mức độ hẹp chứ không phải không có, còn khả năng chuyển đổi hoàn toàn cần phải có thời gian".

Mất bao lâu?

Nếu chỉ nhìn vào các yếu tố trên thì có thể thấy, mục tiêu nâng cao sức chuyển đổi của đồng Việt Nam đã có những bước đi dài. Tuy nhiên, trên thực tế lại không giống hoàn toàn các quy định về mặt pháp lý đã có được.

Theo ông Nghĩa, nói tự do hoá các giao dịch vãng lai, về mặt các quy định pháp lý tưởng chừng như không có gì khó khăn, nhưng trên thực tế có vô vàn những giấy phép con. Còn đối với tự do hoá giao dịch tài khoản vốn cũng tương tự, vốn vào - ra Việt Nam không đơn giản chút nào.

Thực tế đã xảy ra là doanh nghiệp muốn chuyển tiền về thì Ngân hàng Nhà nước nói cần phải có giấy phép kinh doanh loại ngành hàng đó, doanh nghiệp đi xin giấy phép kinh doanh ngành hàng đó thì sở kế hoạch và đầu tư trả lời là cần phải được chấp nhận của Ngân hàng Nhà nước về chuyển tiền vào.

Theo ông Nghĩa, câu chuyện “con gà - quả trứng” như vậy rất phổ biến, đó là những nhân tố làm cho khả năng chuyển đổi của đồng Việt Nam rất kém. Do đó, không chỉ gỡ về mặt pháp lý mà còn phải gỡ cả thói quen quản lý cũ.

Ngoài những vấn đề trên, Việt Nam còn có những chốt chặn khác như tỷ lệ đầu tư của nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam tối đa chỉ là 49%, tỷ lệ đầu tư của ngân hàng nước ngoài vào ngân hàng Việt Nam tối đa là 30%.

"Đấy là những hạn chế, khiến cho tự do hoá giao dịch vãng lai và giao dịch vốn không phải hoàn toàn tự do như pháp luật quy định, như là chúng ta mong muốn", ông Nghĩa nhận định.

"Thế nên, với cơ sở pháp lý hiện hành mà chúng ta khắc phục được cơ chế lâu nay thì có thể hy vọng đến năm 2012 -2015, đồng Việt Nam có khả năng chuyển đổi lớn, cỡ độ khoảng năm chục phần trăm là có thể đạt được", ông Nghĩa nói.

Theo Quyết định 98 thì Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đổi mới chính sách quản lý ngoại hối theo hướng tự do hóa nhiều hơn và tăng dự trữ ngoại hối. Bộ Thương mại phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho VND tham gia quan hệ thanh toán xuất nhập khẩu, giảm và tiến tới xóa bỏ danh mục ưu tiên bán ngoại tệ cho nhập khẩu mặt hàng thiết yếu trên cơ sở đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép nhà đầu tư nước ngoài sử dụng VND tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, giảm và tiến tới xóa bỏ các quy định về cân đối ngoại tệ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Thụy Sĩ tài trợ nâng cao năng lực ngành ngân hàng (16/07/2007)

>   Vietnam Airlines được bảo lãnh thuê mua 2 máy bay (16/07/2007)

>   Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm (16/07/2007)

>   Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm (16/07/2007)

>   Lãi suất huy động USD tăng dồn dập (16/07/2007)

>   Trung lập để khách quan (15/07/2007)

>   Huy động 12.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội (15/07/2007)

>   Các giải pháp bình ổn giá cả trong nước (15/07/2007)

>   Vì sao đồng đôla Mỹ sụt giá mạnh? (14/07/2007)

>   Ngân hàng ngoại “thâm nhập” ngân hàng nội (14/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật