Lãi suất cho vay tăng: Khách hàng sợ, ngân hàng lo
Trước sức ép tăng lãi suất tiền gửi và tỉ lệ dự trữ bắt buộc mới (10%), nhiều ngân hàng (NH) đã phải tăng lãi suất cho vay. Hiện trừ hệ thống NH Công thương vẫn giữ nguyên mức lãi suất như cuối năm trước, các NH khác đều tăng.
Tại địa bàn HN, lãi suất cho vay các kỳ hạn cao nhất hiện nay so mức cho vay cao nhất cuối năm 2006 như sau: Ngắn hạn 14,4%/năm (tăng 2,04%/năm); trung hạn 14,4%/năm (tăng 1,35%/năm); dài hạn 15%/năm (tăng 0,6%/năm).
Cả NH và DN đều phải chia sẻ gánh nặng này.
Tiền đâu để trả?
Theo nhận xét của phó TGĐ một TCty nhà nước (Đồng Nai), "với mức lãi suất cao như hiện tại, chỉ DN nào có nhiều luồng tiền cân đối để trả nợ khi dự án chưa phát huy được hiệu quả mới "dám" vay, chứ các DN làm dự án đơn lẻ, quy mô nhỏ thì lấy đâu tiền mà trả. Chẳng hạn tại địa bàn Đồng Nai, DNN&V, DN tư nhân vay rất ít, nếu có, chỉ vay vốn lưu động và cố gắng kinh doanh quay mấy vòng trước khi đến hạn trả lãi".
Thực tế với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 12%/năm trở lên, nhiều DN vẫn "nhắm mắt" vay để duy trì sản xuất kinh doanh mà chưa tính đến sẽ trả nợ thế nào. "Các DN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, hạch toán sòng phẳng, Cty cổ phần và tư nhân khó chịu nổi mức lãi suất này. Vay kỳ hạn 10 năm đến 9 năm thì tiền trả lãi bằng tiền gốc vay. Tôi nghe nói có NH cho vay đến 16,2%/năm, lãi suất đó chỉ có đi buôn hàng cấm mới đủ tiền trả" - kế toán trưởng một DNNN cho biết.
Theo thông tin từ một số chi nhánh NH, khi nghe tin NH định tăng lãi suất cho vay, nhiều khách hàng đã phản ứng vì khi thực hiện dự án, DN đã tính toán kỹ chi phí đầu vào với mức lãi suất hiện hành. Với một dự án hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, tăng thêm vài phần trăm lãi suất chi phí đội lên quá cao, không hiệu quả.
DN "chết", NH cũng "chết"
Vướng phải vòng quay duy trì khả năng trả nợ của DN là điều nhiều NH lo lắng. Theo lời một GĐ NHTMCP, "DN tốt, tính toán cẩn thận mới "dám" vay và NH có cho vay những DN này cũng chỉ cho vay với mức lãi suất vừa phải để giữ khách. Còn những DN mà lãi suất cho vay cao đến đâu cũng không "ngán" thì phải coi chừng. Những DN kiểu này phần lớn trong tình trạng khó khăn.
Phương án, dự án thì "vẽ" đẹp lắm. Vay được một thời gian thì bộc lộ ngay là không có khả năng trả nợ. Nhiều khi đâm lao phải theo lao, NH lại cứ phải "bơm" tiếp vốn để nuôi, chứ DN chết, NH cũng chết theo".
Ngay trong nội bộ một số NH cũng có những ý kiến cần giảm lãi suất cho vay. Giám đốc một sở giao dịch NHTMNN đã quyết định tăng lãi suất cho vay ngay sau khi NHNN thông báo mức DTBB mới; theo ông, nếu không tăng lãi suất cho vay thì chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra quá thấp, trong bối cảnh tín dụng đang khó mở rộng thì NH không đạt chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên sau 2 tháng thực hiện lãi suất mới, các phòng tín dụng báo cáo tình hình nhiều khách hàng bỏ sang vay các NHTMCP (do có chính sách ưu đãi lãi suất tốt hơn) và đề nghị xem xét điều chỉnh giảm lãi suất.
Được biết, một số chi nhánh NHTM lớn như VCB cũng đang làm tờ trình đề nghị không tăng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng duy trì sản xuất-kinh doanh.
Lời giải nào?
Giá tiêu dùng tăng cao, đòi hỏi hệ thống NH phải có lãi suất thực dương mới thu hút được tiền gửi. Với mức độ cạnh tranh giữ thị phần nguồn vốn vẫn quyết liệt, nên từ giờ đến cuối năm, nhiều khả năng các NH sẽ không giảm lãi suất tiền gửi.
Bên cạnh đó, tỉ lệ DTBB 10% sẽ làm chi phí hoạt động của NH tăng. Tình hình trên đang đặt các NH trước một bài toán khó để đạt kết quả lợi nhuận khi lãi cho vay vẫn chiếm xấp xỉ 90% tổng thu nhập của NH. Lời giải đầu tiên các NH nghĩ đến là tăng lãi suất cho vay, nhưng thực tế đang chứng minh đây không phải là phương án tối ưu.
Lãi suất cho vay cao khiến nhiều khách hàng (cả DN và hộ gia đình) hoãn hoặc ngừng các dự án, phương án sản xuất-kinh doanh và kế hoạch chi tiêu. Đã nan giải bài toán cho vay thì với mức lãi suất cho vay như hiện nay, các NH càng khó mở rộng tín dụng. Kết quả cuối cùng là DN mất sức cạnh tranh vì thiếu vốn mà thu lãi tín dụng của NH cũng giảm.
Nhiều NH đã nhận ra nghịch lý này và đang tự cân đối lại hoạt động để điều chỉnh lãi suất cho hợp lý. Các NH phải tính toán, tiên lượng chi phí vốn và doanh thu. Trong bối cảnh này, không nên chỉ nghĩ đến tăng lãi suất cho vay mà nên tìm kiếm thêm lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư và dịch vụ phi tín dụng, khơi tăng các nguồn vốn giá rẻ để đảm bảo thu nhập mà không phải đẩy lãi suất cho vay tăng cao. Có thể NH cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận để thực sự đóng vai trò "bà đỡ" cho nền kinh tế.
Vừa qua, ông Nguyễn Đồng Tiến-Phó Thống đốc NHNN - cho biết, trước mắt NHNN chưa điều chỉnh các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản để phát tín hiệu ổn định lãi suất thị trường. Đây cũng là một yếu tố các NH nên cân nhắc để đưa ra các quyết sách phù hợp ích cho nền kinh tế, lợi cho NH.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các NHTM VN tại thời điểm 16.7.2007: Lãi suất cho vay VND: Ngắn hạn từ 9,84%-13,8%//năm, trung và dài hạn từ 11,4%-16,2%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn từ 5,7% - 6,7%//năm, trung và dài hạn từ 6,0%-7,8%/năm.
Mặc dù từ ngày 15.4.2007, các hội viên của Hiệp hội NH đã nhất trí đồng thuận điều chỉnh giảm các mức lãi suất huy động tiền gửi VND, nhưng thực tế đến nay lãi suất các loại tiền gửi có kỳ hạn vẫn ở mức cao hơn thỏa thuận. Cụ thể, NHTMNN cao hơn 0,03%-0,04%/tháng, NHTMCP cao hơn từ 0,02%-0,12%/tháng.
LĐ
|