Ngân hàng tiến về tỉnh lẻ
Cuộc chạy đua mở rộng thị phần của các ngân hàng, nhất là khối thương mại cổ phần ngày càng “nóng” cùng nhịp độ phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng.
Trong vòng chưa đầy 1 năm, từ chỗ chỉ có một trụ sở chính và vài chi nhánh nhỏ ở khu vực nội thành, đến nay, nhiều ngân hàng đã có quy mô hoạt động lên đến hàng trăm chi nhánh và phòng giao dịch ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trước đây, khi cần vay vốn hay sử dụng dịch vụ ngân hàng, người tiêu dùng ở các tỉnh lẻ chỉ có thể tiếp cận mạng lưới giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Chính vì vậy, dịch vụ tài chính vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần trước khi có sự xuất hiện của ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng trong nước đang ra sức mở rộng mạng lưới giao dịch.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã khai trương 4 chi nhánh và 1 trụ sở mới trong tháng 7 (trụ sở mới đặt tại Cần Thơ và 1 chi nhánh tại Đồng Nai). Ông Hoàng Kim Long, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển (Eximbank) cho biết, để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2007, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về mọi mặt trong hoạt động kinh doanh, trong đó, mục tiêu phát triển mạng lưới hoạt động trên toàn quốc được Ngân hàng quan tâm đặc biệt.
Vào thời điểm cuối năm 2006, tổng số điểm giao dịch của Eximbank chỉ đạt 24 điểm, trong đó có hội sở, 15 chi nhánh và 8 phòng giao dịch (chủ yếu nằm ở các thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội). Tính đến ngày 21/7/2007, tổng số điểm giao dịch của Eximbank đã được nâng lên 38, chủ yếu được mở tại các tỉnh cách xa thành phố (như Quảng Ninh và sắp tới là Quảng Ngãi, Nghệ An). Theo kế hoạch, trong năm nay, tổng số điểm giao dịch của Eximbank trên cả nước sẽ được nâng lên 60.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho biết, tính đến thời điểm này, tổng số điểm giao dịch và chi nhánh của Ngân hàng đạt gần 90. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, con số này sẽ được nâng lên 113 điểm ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thay vì chỉ có mặt ở những thành phố lớn như trước đây. Dự kiến, đến năm 2008, ACB sẽ phủ đều mạng lưới hoạt động trên cả nước. “Sở dĩ đến thời điểm này các ngân hàng mới đua nhau mở rộng mạng lưới hoạt động là do cơ sở hạ tầng, nhất là công nghệ đã được trang bị tốt hơn so với thời gian cách đây 1 - 2 năm. Nếu thiếu, yếu về cơ sở hạ tầng và công nghệ, thì ngân hàng không thể mở rộng mạng lưới hoạt động”, ông Toại nói và cho rằng, cái khó nhất đối với các ngân hàng trong mở rộng quy mô hiện nay là nguồn nhân lực.
Hiện tổng số nhân viên làm việc trong hệ thống ACB là hơn 3.200 người. Theo ông Toại, trong kế hoạch phát triển đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2015, ACB đặt mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính đa năng hàng đầu Việt Nam, với hoạt động cốt lõi là bán lẻ, năng động, kênh phân phối đa dạng dựa trên công nghệ hiện đại. ACB phấn đấu đến năm 2010 đạt trên 10% thị phần huy động, 5% thị phần cho vay của ngành ngân hàng Việt Nam, với quy mô hoạt động tương đương các ngân hàng trong khu vực và tổng tài sản ước đạt khoảng 12 tỷ USD. Như vậy, để đạt được kết quả trên, đòi hỏi ACB phải có một bộ máy quản trị tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khối thương mại cổ phần, có thể nói, Sacombank là ngân hàng có tốc độ phát triển về mạng lưới giao dịch nhanh nhất trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007, với tổng số 180 điểm giao dịch tính đến thời điểm này. Đáng chú ý, thời gian gần đây, “hệ thống chân rết” của Sacombank đã tỏa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa như Quảng Bình, Phú Quốc…, những nơi chưa có sự xuất hiện của một ngân hàng cổ phần nào. Với mục tiêu đem những tiện ích ngân hàng tốt nhất đến tận tay người dân và cơ cấu sử dụng cho vay bán lẻ chiếm 65% trong tổng vốn, Sacombank đã góp phần tạo nên những chuyển động tích cực cho thị trường vốn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ĐTCK
|