Khốc liệt cuộc chiến giành thị phần
VN-Index ở thế “giằng co” kéo dài khiến không ít nhà đầu tư nản lòng, một số đã bỏ thói quen “lên sàn” làm cho nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lo lắng tới khoản doanh thu hàng tháng. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của nhiều CTCK mới, thị phần của các CTCK lại càng có nguy cơ bị thu hẹp. Một cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng giữa các CTCK đang diễn ra.
Ngày 26/6/2007, CTCK Thủ Đô (CSC) chính thức mở thêm chi nhánh tại TP. HCM. Cùng với kế hoạch mở rộng hoạt động, Công ty cũng đưa ra mức phí ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Theo đó, mức phí giao dịch giảm tới 80% đến hết ngày 31/8/2007. Mặc dù trước đây, một số CTCK đã thực hiện kế hoạch giảm phí cho khách hàng nhưng có thể nói, đây là “phát súng” tiên phong mang đầy tính cạnh tranh giữa các CTCK cũ và mới.
Bà Vương Thị Thanh Đan, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh CSC, cho biết việc quảng bá hình ảnh Công ty nhằm thu hút nhà đầu tư là một trong những mục tiêu quan trọng của đơn vị trong thời điểm hiện nay. Cơ sở để thực hiện chiến dịch quảng bá này là việc Công ty cung cấp đầy đủ các dịch vụ như đặt lệnh mua bán, cầm cố chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, nhận repo CP, thông báo kết quả giao dịch qua điện thoại, tra cứu thông tin tài khoản qua tin nhắn…
Cũng theo bà Đan, hiện Công ty kết hợp với Kênh truyền hình Info-TV thực hiện các chương trình giới thiệu, tư vấn đầu tư; phối hợp với các trung tâm đào tạo chứng khoán để phổ cập kiến thức cho nhà đầu tư. Đặc biệt, Công ty đã quảng bá hình ảnh trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác…
Tương tự CSC, CTCK Hải Phòng (Haseco) cũng quyết định hạ phí dịch vụ. Trong năm 2006, đơn vị này từng “nổi tiếng” bởi mức phí giao dịch đứng hàng thấp nhất, ngay cả khi nhà đầu tư đổ xô đi mở tài khoản. Theo Haseco, bắt đầu từ ngày 1/7, nhà đầu tư ở CTCK này chỉ phải chịu mức phí giao dịch duy nhất là 0,15%/tổng giá trị giao dịch.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đã đến lúc họ phải được xác định đúng nghĩa là “thượng đế”. Cụm “gió đã đổi chiều” hoàn toàn thích ứng với những CTCK đã từng phân biệt đối xử với nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi đưa ra mức tiền tối thiểu để đáp ứng yêu cầu mở tài khoản.
Giám đốc một CTCK tại TP.HCM xác nhận, việc công khai cạnh tranh của các CTCK mới bằng giảm phí giao dịch đã khiến nhiều đơn vị có thâm niêm hoạt động lo lắng, vì điều này dễ kích thích nhà đầu tư. Đáng nói là số lượng CTCK mới ra đời ngày càng nhiều khiến nguy cơ mất khách hàng tăng theo. Hiện có tới 50 bộ hồ sơ xin thành lập CTCK đã được gửi lên UBCKNN, điều này có thể đẩy số lượng CTCK vượt hơn con số 100. Cũng theo vị giám đốc này, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các CTCK sẽ diễn ra bởi TTCK Việt Nam đã qua giai đoạn bùng nổ, điều này không chỉ thể hiện ở tâm lý ái ngại của nhà đầu tư trong thời gian VN-Index điều chỉnh giảm, mà còn là việc hạn chế các nguồn vốn ngân hàng tham gia thị trường như Chỉ thị 03 (khống chế mức cho vay đầu tư chứng khoán không vượt quá 3%/tổng dư nợ). Lợi thế của nhiều CTCK mới thành lập còn được xác định bởi số vốn mà những đơn vị này dành cho dịch vụ repo chứng khoán vẫn còn nhiều. Đây là hạn chế của các CTCK đã có nhiều khách hàng, trong khi lại là điều đặc biệt quan tâm của nhiều nhà đầu tư hiện nay.
Thực tế, hình thức giảm phí hay quảng bá hình ảnh của CTCK trên báo chí mới chỉ là bề nổi của cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng. Bề chìm của “cuộc chiến” giữa các CTCK là việc củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên; hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ khách hàng; thu hút nhân tài bằng nhiều hình thức ưu đãi như bán CP, hưởng lương cao… Ngoài ra, nếu như Bộ phận nghiên cứu của CTCK Sài Gòn (SSI) đưa ra một bản phân tích độc lập về triển vọng của TTCK Việt Nam với tiêu đề “Góc nhìn của người trong cuộc” thì chỉ 1 tháng sau, CTCK Thăng Long cũng đưa ra một bản phân tích về TTCK. Theo giới quan sát, hiện nhiều bản phân tích tương tự đang được các CTCK triển khai và coi đây là tiêu chí để đánh giá đẳng cấp trên thị trường. Các CTCK quy mô nhỏ hơn cũng không chịu lép vế khi hàng ngày cung cấp cho khách hàng bản tin với đầy đủ thông tin, diễn biến và dự báo thị trường.
Có thể nói, sự cạnh tranh của các CTCK có thể mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nói riêng và TTCK nói chung. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Ví như nhà đầu tư có thể “bội thực” thông tin và dự báo của các CTCK, thậm chí kinh doanh thua lỗ vì thực hiện theo những dự báo này. Hay như việc CTCK cùng “chạy đua” để được thực hiện nghiệp vụ repo với ngân hàng còn hạn mức cho vay chứng khoán sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
ĐTCK
|