Thứ Ba, 03/07/2007 11:21

Cú sốc... dưới 1.000 điểm

Sau nhiều ngày ở thế "giằng co", chứng khoán mở đầu tuần mới đã gây "sốc" cho nhà đầu tư khi cả hai sàn đều giảm cực mạnh. VN-Index chính thức tuột mốc 1.000 điểm, giảm tới 30,51 điểm, (tương đương 3%). HASTC-Index giảm gần bằng số điểm mất của 9 phiên liên tiếp vừa qua cộng lại, giảm 28,4 điểm (gần 10%), còn 256,3 điểm.

"Bão lửa" hoành hành

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8/5, VN Index xuống lại dước mức 1.000 điểm. Xu hướng giảm giá đã được dự đoán từ trước nhưng việc sụt giảm mạnh như phiên này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Nhiều nguồn tin đang đặt ra kỳ vọng ở khả năng níu kéo từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, đây là phiên mở đầu tháng 7, thời điểm mà nhiều chuyên gia nhận định thị trường có thể ấm lại theo chu kỳ thường thấy ở những năm trước.

Bảng giao dịch điện tử tràn ngập một màu đỏ. Điều đáng nói là biên độ tung hoành của "gam màu đỏ" đã mở rộng khắp từ bluechips đến các cổ phiếu thị giá thấp, cường độ thống trị cũng mạnh hơn khi trong 98 mã giảm có tới 1/3 rơi kịch sàn. Lác đác 4 mã màu xanh, 7 mã còn lại chống cự không lên cũng chẳng xuống.

Top 5 mã giảm giá mạnh nhất thị trường phiên này đều rớt kịch sàn. Trong đó, 2 cổ phiếu "hàng hiếm" dẫn đầu về mức sụt điểm: BMC rớt 23.000đ xuống 477.000đ/CP, TCT rớt 20.000đ xuống 381.000đ/cp. Các bluechips vốn phục hồi vài phiên trước cũng không thoát khỏi "cơn bão đỏ": SJS, VNM, KDC, NKD, REE…

4 mã tăng giá hiếm hoi trên thị trường, ngoại trừ, IMP tăng trần 6.000đ lên 130.000đ/CP; 3 mã còn lại đều là cổ phiếu thị giá thấp với mức lên điểm không đáng kể, khối lượng khớp lệnh khiêm tốn: TAC, RHC, SFN với mức lên giá chỉ từ 200 - 1.500đ/CP.

Sàn Hà Nội với 63 mã giảm giá, chỉ có 8 mã lên giá, còn lại 16 mã không giao dịch, HASTC Index trải qua phiên thứ 10 liên tiếp mất điểm. Nhưng khác với tình cảnh sụt giảm nhẹ không quá 5 điểm/phiên trước đây, HASTC-Index phiên này giảm mạnh xuống tới 28,40 điểm (tương đương 9,97%) xuống 256,3 điểm. Hầu hết các cổ phiếu trên sàn HN sau 10 phiên điều chỉnh giảm liên tiếp gần đây đã mất từ 10 - 30 % thị giá.

Mua đủng đỉnh, bán sốt ruột

Tâm trạng lo lắng của nhà đầu tư gần đây về sự "trồi sụt" của thị trường, tình cảnh đấu giá ảm đạm của các doanh nghiệp lớn, cộng thêm nỗi hoang mang từ " dư chấn" do Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, là nguyên nhân khiến một lượng cung CP được bán ra mạnh. Thống kê, tổng khối lượng đặt bán phiên này là 12,55 triệu chứng khoán, so với phiên trước tăng 70,81% trong khi tổng khối lượng đặt mua phiên này lại giảm 11,15%, đạt 7,3 triệu đơn vị.

Trong số hàng trăm tỷ đồng vào thị trường mỗi phiên, 1 phần lớn là nguồn tiền vay mượn hoặc cầm cố CP. Áp lực trả nợ và lãi suất vay khiến tâm lý bán lan rộng. NĐT tìm mọi cách để bán CP và cách "khôn ngoan" nhất là bán sàn. Tuy nhiên, với lượng chào bán khổng lồ, các lệnh nhập vào hệ thống không dễ gì được khớp. Lượng dư bán chất đống ở mức sàn, khá nhiều cổ phiếu dư bán ở khối lượng lớn, điển STB với 214.380 CP, kế đến là BBT với 205.320 CP, CII (180.150 CP), VNM (178.730 CP), BBC (145.520 CP), ... Trong khi đó, phía bên mua lại tỏ ra thờ ơ chờ cơ hội mua rẻ hơn. Thống kê thị trường có tới gần 40 mã có số dư mua bằng 0.

Khắp các sàn CK đều cho thấy, NĐT rất chăm chú vào bảng điện tử, họ bình phẩm xem thứ nào rớt nhiều nhất rồi chặc lưỡi ra về. Quan sát tại các sàn, người đến nộp tiền vào tài khoản trong cả buổi sáng không đến chục người.

Tâm lý chung của các nhà đầu tư vẫn là chờ đợi và hệ quả là giá trị giao dịch trong ngày cũng tiếp tục ảm đạm. Toàn thị trường có 6 triệu chứng khoán được giao dịch, với giá trị vào khoảng 587 tỷ đồng. Mức giao dịch này tiếp tục sụt giảm so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Cuộc đua không cân sức

Trong bối cảnh hàng loạt các CP lớn, nhỏ rớt giá thảm hại, khối ĐT nước ngoài đã không "ngần ngại" khi chọn các bluechips vào "giỏ hàng" của mình. Các mã được khối này "nhặt" nhiều nhất là FPT (213.860 đơn vị), PVD (146.480 đơn vị), IMP (246.520 đơn vị), SJS (84.300 đơn vị), BMC (15.220)... Giao dịch mua của NĐT nước ngoài chiếm hơn 42,93% đạt giá trị 252,046 tỷ đồng.

Trong khi các NĐT trong nước "cạn vốn" bán tống bántáng rathì các NĐT nước ngoài lại thả sức tung hoành. Cuộc đua giữa NĐT trong nước và nước ngoài đang ở thế không cân sức. Lợi thế về vốn của NĐT nước ngoài không chỉ được tận dụng từ những hạn chế của nhà đầu tư trong nước, nhất là Chỉ thị 03 không hẹn giờ mà tiếp tục khởi phát. Điều đáng nói là "bàn thua" của nhà ĐT trong nước tiềm ẩn ở thị trường OTC, đặc biệt là ở các cuộc đấu giá CP (IPO) của các DN lớn sắp tới. Cơ hội lớn nhất mà NĐT NN đang chờ đợi hơn 10 năm nay là việc CPH doanh nghiệp chủ chốt như ngân hàng, khối năng lượng, viễn thông, cơ sở hạ tầng...sẽ đến ngay trong nửa cuối năm 2007. NĐT NN có cả "thế" (ảnh hưởng thị trường) và "lực" (tiền) trong khi các NĐT trong nước lại đang phải "cuống cuồng" lên để trả nợ.

Hanoinet

Các tin tức khác

>   Dư nợ cho vay chứng khoán gồm những khoản nào? (03/07/2007)

>   Xử phạt giao dịch chứng khoán: Chẳng ai sợ! (03/07/2007)

>   Cổ tức có thể bị đánh thuế 2 lần (03/07/2007)

>   4 công ty sắp lên sàn Hà Nội (02/07/2007)

>   Tập đoàn Hoà Phát sẽ niêm yết trên sàn TP.HCM (02/07/2007)

>   Fimex đầu tư 40 tỷ đồng xây nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu (02/07/2007)

>   MCV ký hợp đồng nguyên tắc Bitexco - Nho Quế (02/07/2007)

>   Các hợp đồng đang và sẽ triển khai của MCV (02/07/2007)

>   MCV ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 96 tỷ đồng (02/07/2007)

>   MCV Phát hành cổ phiếu tăng vốn (02/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật