Đến lúc "thử" làm nhà đầu tư
Trong thời điểm thị trường "khó chơi" với khả năng điều chỉnh sâu là rất lớn, sự sôi động lại được đổi vai sang những "hoạt náo viên" mới: Nhóm CP hạng trung và cả hạng "ruồi". Liệu những NĐT trung thành với những CP blue-chips có trở nên lạc điệu và những dòng tiền chảy vào nhóm CP tăng giá có thực sự là dòng tiền khôn ngoan?
"Kẹp" blue-chips
Xu hướng đi xuống của VN-Index tuần qua, với việc mất trên 34 điểm có nguyên nhân cơ bản là sự giảm giá mạnh của nhóm CP đầu tàu.
Điển hình là FPT, từ giá 290.000đ/CP rơi xuống mức 283.000đ/CP; PPC với 11 phiên giảm, từ mức 63.000đ/CP xuống còn 57.500đ/CP. Nhẹ nhàng hơn một chút, STB mất tổng cộng 3.000đ/CP sau 8 phiên đi ngang và giảm.
REE cũng trong tình trạng tương tự với -7.000đ/CP sau 7 phiên đi xuống.
Nhóm CP lớn khác như PVD, ITA, SJS, VNM... cũng trong tình trạng giảm hoặc không tăng. Nguyên nhân khiến nhóm CP này đi xuống là sức cầu đang ở thế yếu với sức ép bán ra. Về lực cầu hỗ trợ, do nhiều mã trong tình trạng hết "room" nên không thể trông chờ vào ngoại lực.
Ngoài ra, việc cơ cấu danh mục đầu tư của khối này cũng khiến một số mã như FPT "lâm nguy" thực sự. Thống kê hai tuần gần đây, riêng giao dịch khớp lệnh, NĐTNN đã bán ra khoảng 2,36 triệu CP FPT, tương đương hơn 693 tỉ đồng.
Với STB, mặc dù hầu như không có giao dịch của NĐTNN, nhưng sức ép bán ra của tổ chức đầu tư trong nước không hề thua kém. Thống kê quy mô lệnh với STB cho thấy lực "đè" cực lớn: Từ đầu tháng 6 đến nay, quy mô một lệnh mua trung bình chỉ có hơn 800 CP, trong khi quy mô một lệnh bán lên tới gần 2.500 CP.
Mặc dù dao động theo xu hướng giảm giá, nhưng lượng giao dịch của những CP này vẫn nằm trong nhóm có tính thanh khoản cao, chứng tỏ lượng NĐT mua vào - bán ra không hề nhỏ. Theo nhận xét của một số NĐT có kinh nghiệm, thời điểm thị trường chung đi xuống như hiện tại thì nhóm blue-chips cũng rất khó tăng giá vì tỉ trọng của nhóm CP này lớn trong cơ cấu tính VN-Index, nhất là khi diễn biến cung - cầu bất lợi. Do đó, nguồn tiền từ những nhà đầu cơ chuyên nghiệp thường rời bỏ những CP này để chảy sang những cơ hội sinh lời lớn hơn. Đây là diễn biến hoàn toàn bình thường, vì mục đích cao nhất của giới đầu cơ là tận dụng khả năng sinh lời cao nhất trong mọi điều kiện thị trường. Khối lượng giao dịch rất lớn của nhóm blue-chips mỗi phiên là biểu hiện của sự khác nhau trong chiến lược đầu tư.
CP blue-chips "kẹp" trong thời điểm hiện tại không có nghĩa là mất khả năng sinh lời trong tương lai vì về cơ bản, đây vẫn là những CP tốt trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn ít được quan tâm do khả năng sinh lời quá thấp. Đối với những người theo trường phái mua và nắm giữ trung, dài hạn, nhiều blue-chips đang ở mức giá tương đương thời điểm trước khi thị trường bùng nổ hồi tháng 2.2007.
Rủi ro với CP tăng giá
Mặc dù tuần qua, về tổng thể thị trường diễn biến ảm đạm, với mức mất điểm mạnh của VN-Index, nhưng không khí lạc quan được khởi phát từ nhóm CP có thị giá trung bình hoặc thấp. Thực tế vừa qua, một số CP có kết quả kinh doanh quý khả quan đều tăng giá rất nhanh, thậm chí cả tuần liên tục kịch trần với nguồn tiền lớn đổ vào. Nguyên nhân là do khả năng sinh lời từ những CP này lớn hơn những CP khác thời điểm hiện tại. Ngoài những mã có chu kỳ tăng khá dài như TAC, BBC, còn một số mã khác cũng bắt đầu một chu kỳ tăng, đánh dấu bằng các giao dịch kịch trần như BBT, CAN, CLC, DCT, DIC, TYA..
Theo quan sát tại các sàn giao dịch, những mã này đang thu hút được một lượng lớn NĐT nhảy vào, cả chủ động lẫn "a dua". Tuy nhiên, không phải tất cả các CP đang trên đà "phi nước đại" đều tốt và không phải nhảy vào bất kỳ thời điểm nào đều sinh lợi. Đó là điểm khác biệt quan trọng giữa NĐT có kinh nghiệm và NĐT theo đám đông.
Theo lời khuyên của một NĐT có thâm niên lướt sóng, hoạt động xả hàng của giới chuyên nghiệp rất "êm" và những NĐT ít kinh nghiệm nhưng "say máu" rất khó phát hiện. Thường thì NĐT chuyên nghiệp phát hiện ra CP có khả năng đột biến từ khi giá còn làng nhàng ở mức thấp. Khi giá tăng vù vù với lượng cầu cực lớn là lúc số đông bắt đầu nhảy vào, do "loá mắt" trước khả năng sinh lời quá nhanh. Do đó, NĐT nên cảnh giác với những CP tăng trần liên tục một thời gian quá dài, vì rủi ro nhảy vào đúng lúc đạt mức giá đỉnh là rất lớn.
Ngoài ra, NĐT cũng nên đặt sẵn một mức giá sẽ bán thu lời hoặc cắt lỗ và tuân theo triệt để. Đặc biệt, việc cắt lỗ nên thực hiện sớm như một hình thức cắt lỗ chủ động, chẳng hạn giảm giá 10-15%, đừng để bị buộc vào tình thế phải bán ra khi đã lỗ tới 50-60%.
Theo LĐ
|