Thứ Sáu, 20/07/2007 23:48

Người Nhật bị cám dỗ bởi chứng khoán Việt Nam

Bất chấp thị trường chứng khoán đi xuống trong một vài tháng gần đây, các nhà đầu tư cá nhân từ xứ sở hoa anh đào vẫn đổ xô tìm đến Việt Nam.

Đầu tháng 11/2006, từ thông tin của một người bạn, Dai Bouchou - một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán ở Tokyo (Nhật Bản) đã sang TP HCM tìm hiểu một số công ty bất động sản, ngân hàng… Và chỉ trong 3 ngày, Dai Bouchou đã mở tài khoản giao dịch tại một công ty chứng khoán ở TP HCM.

Sau khi về nước, ông Dai Bouchou đã bỏ ra gần 800.000 USD để mua ba loại cổ phiếu đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến đầu tháng 7 này, khi quay lại Việt Nam, ông Dai Bouchou đã thực sự bất ngờ khi tính toán giá trị cổ phiếu mua trước đây giờ đã tăng vọt lên gần 1,5 triệu USD.

Hàng trăm nhà đầu tư Nhật đã tìm đến Việt Nam giống như Dai Bouchou. Anh Hùng - hướng dẫn viên của một công ty du lịch chuyên đón khách Nhật tại TP HCM cho biết, xu hướng các nhà đầu tư cá nhân của Nhật sang Việt Nam du lịch kết hợp đầu tư chứng khoán bắt đầu xuất hiện từ hơn một năm trước đây và đã trở thành một “cơn sốt chứng khoán Việt Nam” thật sự.

“Chỉ riêng công ty chúng tôi, hầu như tuần nào cũng đón từ 1-2 đoàn là các nhà đầu tư Nhật sang Việt Nam du lịch kết hợp mở tài khoản để chơi chứng khoán”, anh Hùng cho hay.

Nắm bắt cơ hội này, nhiều công ty chứng khoán tại TP HCM đã nhanh chóng thuê hẳn nhân viên người Nhật và những người biết tiếng Nhật nhằm mục đích hỗ trợ các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào. Anh Phạm Văn Thanh Dũng - nhân viên môi giới tại Công ty chứng khoán BSC (TP HCM) cho biết, 90% khách hàng nước ngoài của BSC là người Nhật, tương đương 1.500 người. Vì vậy, BSC đã xây dựng hẳn một chương trình phần mềm liên quan đến thủ tục bằng tiếng Nhật.

“Nếu trước đây chỉ lác đác một vài nhà đầu tư đến mở tài khoản thì hiện nay con số này đã tăng vọt lên 100 nhà đầu tư Nhật mỗi tháng”, anh Dũng khẳng định.

Mua sự trưởng thành của Việt Nam

Bà Kimura Yoshiko - một nữ chuyên gia phân tích chứng khoán hàng đầu của Nhật đã cùng với 14 nhà đầu tư khác đã đến TP.HCM ngày 15/7 ví von: "Nền kinh tế Nhật đang bước vào giai đoạn “xế chiều” trong khi nền kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu “buổi sáng bình minh”, do đó chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rất nhanh trong thời gian tới. So với các nước trong khu vực, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam rất cao, chưa kể dân số của Việt Nam quá trẻ, đây là những yếu tố rất lôi cuốn các nhà đầu tư Nhật”, bà Kimura nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Akihiro Ichimura - chuyên gia của Matsui (một công ty có khối lượng giao dịch chứng khoán 200 tỷ yen mỗi ngày, có trụ sở tại Nhật), với các nhà đầu tư cá nhân Nhật, có thể khẳng định họ có đủ kinh nghiệm để "mua sự trưởng thành của Việt Nam”. Hầu hết những nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đều quan tâm và tìm hiểu rất kỹ cổ phiếu của các ngân hàng, các công ty địa ốc, xây dựng hạ tầng. “Phần lớn họ là những người đang mua cổ phiếu như là “mua tài sản” cho những dự định đường dài”, ông Akihiro Ichimura nhận xét.

Đa phần nhà đầu tư Nhật, họ không quan tâm nhiều chuyện giá cổ phiếu biến động mỗi ngày, việc tăng hay giảm trong một vài tuần như vừa qua đối với họ vẫn là quá ngắn.

Theo ông Utsunomiya - giám đốc công ty The Million Millionaires Project (TMMP - chuyên cung cấp thông tin về thi trường chứng khoán Việt Nam), mục tiêu của phần lớn các nhà đầu tư Nhật là từ 10-20 năm. Chính vì vậy, việc đầu tư vào một công ty nào đó ở tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng thì với họ đây vẫn là dấu hiệu tốt, dù cổ phiếu họ mua có thể trồi sụt trong một khoảng thời gian nào đó.

“Nếu so sánh với việc dùng số vốn đó đầu tư vào Nhật Bản hiện nay đang trong giai đoạn nền kinh tế bị chững lại thì chắc chắn sẽ không sinh lời bằng Việt Nam. Đây chính là cách suy nghĩ của phần lớn các nhà đầu tư Nhật khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua: có thể trong ngắn hạn có thể chưa đạt như mong muốn, nhưng về lâu dài 15-20 năm chắc chắn sẽ thành công”, ông Ustunomiya nhấn mạnh.

Sẽ tiếp tục bùng nổ

Mặc dù chỉ số VN-Index trong một vài tháng gần đây giảm mạnh và chỉ xoay quanh ngưỡng 1000 điểm, song thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam tại Nhật vẫn tiếp tục sôi động.

Hiện nay tại Nhật có khoảng trên 300 công ty chứng khoán, trong đó rất nhiều công ty trực tuyến như Matsui Securities, E-trade Securities, Rakuten Securities, Monex Securities, Kabu.com Securities… có cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường chứng khoán của Việt Nam. Đặc biệt, một số công ty môi giới chứng khoán của Nhật cũng cho thành lập hẳn những trang web bằng tiếng Nhật để chuyên phục vụ thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Utstunomiya, nếu không có thay đổi, chỉ sau hai năm nữa, số nhà đầu tư cá nhân của Nhật sang Việt Nam đầu tư chứng khoán sẽ lên đến con số 100.000 người. Ở Nhật, các nhà đầu tư có vốn từ 20 vạn đến 50 vạn yen (khoảng 50.000 USD) đang thiếu cơ hội đầu tư và họ đang tìm những nơi tốt nhất để bỏ vốn đầu tư lâu dài.

Dù chưa có con số chính xác, nhưng các công ty môi giới chứng khoán của Nhật cho biết, hiện nay chỉ riêng thị trường Trung Quốc đang có khoảng 100.000 nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản và đầu tư vào thị trường này.

Với chủ đề “Cơn sốt chứng khoán Việt Nam”, liên tục trong vài tháng gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng của Nhật như báo Yomiuri, Nikkei, đài NHK… đã cử phóng viên sang tận Việt Nam để tìm hiểu, thực hiện các bài phóng sự về xu hướng các nhà đầu tư cá nhân của Nhật đổ xô đến Việt Nam. Đặc biệt, đài NHK mới đây đã thực hiện phóng sự dài gần 30 phút đề cập đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà báo Juko Noda - trưởng đại diện của NHK tại Việt Nam khi thực hiện phóng sự trên đã phải thừa nhận: “Sức “nóng” của thị trường khoán Việt Nam đã thực sự đang lôi cuốn hàng ngàn nhà đầu tư Nhật”.

 Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   24/7: TRC chính thức giao dịch với giá tham chiếu 150.000 đồng/CP (20/07/2007)

>   AGF báo cáo tài chính QII/2007 (25/07/2007)

>   VF1 niêm yết và giao dịch chứng chỉ quỹ phát hành thêm (20/07/2007)

>   AGF niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (20/07/2007)

>   TRC: Bản cáo bạch niêm yết (24/07/2007)

>   Bài giới thiệu về Cy cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) (20/07/2007)

>   FPT Báo cáo tài chính tóm tắt QII/2007 (21/07/2007)

>   IMP báo cáo tài chính QII/2007 (21/07/2007)

>   Tài trợ bằng nợ và vốn cổ phần: loại nào rẻ hơn? (20/07/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Sông Đà 10 (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật