Thứ Sáu, 20/07/2007 17:52

Tài trợ bằng nợ và vốn cổ phần: loại nào rẻ hơn?

Trong bài viết này, “chi phí” được đề cập là chi phí có thể đo lường được cho việc huy động vốn tài trợ cho hoạt động của doanh nghiệp. Với nợ, đó chính là chi phí lãi vay mà doanh nghiệp phải trả cho khoản vay của mình. Với vốn cổ phần, chi phí sử dụng vốn được hiểu như là quyền đối với thu nhập phải đủ thỏa mãn được các cổ đông khi họ quyết định góp vốn vào công ty.

Ví dụ, nếu bạn điều hành một doanh nghiệp nhỏ và cần tài trợ khoảng 40.000 USD, bạn có thể hoặc là đi vay ở ngân hàng số tiền 40.000 USD với lãi suất 10%; hoặc bạn phải bán một lượng cổ phần, chẳng hạn 25% cho người hàng xóm để có được 40.000 USD.

Giả sử năm sau đó, DN của bạn tạo ra được lợi nhuận hoạt động là 20.000 USD. Nếu ban đầu, bạn quyết định đi vay ở ngân hàng với chi phí lãi vay (hay còn gọi là chi phí tài trợ của nợ) sẽ là 4.000 USD, bạn còn lại lợi nhuận 16.000 USD. Ngược lại, nếu bạn sử dụng tài trợ vốn cổ phần, nghĩa là bạn không hề có nợ và dĩ nhiên là không có chi phí lãi vay nhưng bạn chỉ được nắm giữ 75% lợi nhuận của DN (25% thuộc sở hữu của người hàng xóm). Do đó, lợi nhuận của bạn bây giờ chỉ có 15.000 USD (tức 75% x 20.000 USD).

Từ ví dụ này, bạn có thể thấy nợ rẻ hơn vốn cổ phần là như thế nào, do đó cũng rất dễ hiểu khi các cổ đông sáng lập của công ty quyết định lựa chọn phát hành nợ, chứ không phải vốn cổ phần. Thuế cũng là một yếu tố giúp cho tình huống phát hành nợ trở nên tốt hơn. Nếu DN sử dụng nợ, chi phí lãi vay được khấu trừ ra khỏi thu nhập hoạt động trước khi thu nhập bị đánh thuế, do đó chính hành động này đã đem đến cho DN lợi ích tấm chắn thuế từ nợ.

Dĩ nhiên, lợi ích của tài trợ nợ với lãi suất cố định đôi khi lại có thể là điểm bất lợi. Bởi vì nợ được xem là chi phí tài chính cố định, dù DN có hoạt động ra sao, thu nhập nhiều hay thậm chí đang thua lỗ thì doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo việc trả lãi vay đúng kỳ hạn và trả nợ gốc khi đáo hạn, do vậy sự gia tăng nợ của DN cũng đồng nghĩa với việc gia tăng thêm rủi ro tài chính.

Quay trở lại ví dụ trên, giả sử trong năm sau, công ty của bạn chỉ tạo ra được có 5.000 USD. Với tài trợ nợ, bạn có thể vẫn có cùng 4.000 USD lãi vay phải trả và vì vậy lợi nhuận của bạn chỉ còn lại 1.000 USD (5.000 USD - 4.000 USD). Trong trường hợp tài trợ hoàn toàn bằng vốn cổ phần, tức là bạn không hề phải trả một đồng lãi vay nào hết, thì bạn vẫn có 75% lợi nhuận tương đương với 3.750 USD (75% x 5.000 USD).

Do vậy, đối với một công ty được kỳ vọng làm ăn tốt thì tài trợ nợ có thể được sử dụng thường xuyên với mức chi phí thấp hơn so với tài trợ bằng vốn cổ phần. Tuy nhiên, nếu công ty không thể vận hành tốt để tạo ra lượng tiền mặt đủ lớn, thì chi phí lãi vay lúc này có thể là một gánh nặng. Đây chính là mặt trái của việc tài trợ hoạt động doanh nghiệp bằng nợ. Từ đây có thể thấy, dù nợ có chi phí rẻ hơn vốn cổ phần, doanh nghiệp nào cũng có thể hiểu được điều này, nhưng thời điểm nào thì sử dụng nợ là hợp lý? Hợp lý ở đây có nghĩa là tận dụng được tối đa lợi ích của nợ, tận dụng tối đa lợi ích từ đòn bẩy tài chính từ nợ. Khi nào thì doanh nghiệp nên vay nợ và vay nợ bao nhiêu là thích hợp? Quá trình đi tìm lời giải cho bài toán trên có lẽ sẽ vô cùng thú vị và cũng không ít “đau đầu” cho các nhà quản trị.

Dễ thấy, doanh nghiệp không bao giờ có thể chắc chắn 100% về lượng thu nhập trong tương lai (mặc dù họ có thể có những dự đoán hợp lý) và khi thu nhập tương lai của các doanh nghiệp càng không ổn định thì rủi ro càng tăng lên. Do đó, doanh nghiệp trong ngành có rủi ro kinh doanh thấp, có dòng tiền ổn định thường sử dụng nợ nhiều hơn là doanh nghiệp trong ngành nhiều rủi ro. Doanh nghiệp nhỏ hoặc mới bắt đầu hoạt động cũng sử dụng nợ rất ít, nếu không muốn nói là không có sử dụng nợ. Doanh nghiệp mới với sự không chắc chắn cao có thể phải trải qua một thời gian đầy khó khăn để tìm được tài trợ bằng nợ vay, nên thường thì hoạt động của chúng hầu hết được tài trợ bằng vốn cổ phần.

Ở Việt Nam, nhắc đến nợ, người ta thường có tâm lý e dè, nhất là đối với các doanh nghiệp đang trong thời kỳ “sung mãn”, lượng tiền mặt  dư thừa thì dường như họ lại càng không quan tâm đến nợ, “tiền tôi có, tại sao phải vay?”. Cũng vậy, sau 7 năm TTCK Việt Nam ra đời, đi vào hoạt động và đạt được sự phát triển như hôm nay thì để giải quyết bài toán thiếu vốn, doanh nghiệp niêm yết thường chọn giải pháp vốn cổ phần, chứ không mấy mặn mà với việc sử dụng tài trợ bằng nợ. Các doanh nghiệp dường như đã quên đi lợi ích từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Hy vọng trong tương lai không xa, vấn đề tài trợ bằng nợ sẽ được DN Việt Nam quan tâm thỏa đáng và đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc sử dụng nợ. Cần nhắc lại là phát hành trái phiếu cũng là một hình thức vay nợ của DN.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Sông Đà 10 (20/07/2007)

>   KHA Nhận giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng (20/07/2007)

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu cho CTCP Dịch vụ - Du lịch Dầu khí (20/07/2007)

>   TAC báo cáo tài chính tóm tắt QII/2007 (21/07/2007)

>   AGF niêm yết bổ sung cổ phiếu (20/07/2007)

>   PPC báo cáo lưu chuyển tiền tệ Quý II/2007 (20/07/2007)

>   TDH Báo cáo tài chính QII/2007 (21/07/2007)

>   HAP: Nghị quyết Hội đồng Quản trị (20/07/2007)

>   Thông tin chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu cho CTCP Cao su Thống Nhất (20/07/2007)

>   GMC Giải trình tăng giá cổ phiếu 5 phiên liên tiếp (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật