Tháng “thử thách” thần kinh của các nhà đầu tư
Tháng 7 này được coi là tháng thử thách thần kinh của các nhà đầu tư (NĐT) bởi hàng loạt thông tin không mấy tích cực kèm theo tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) không mấy khả quan. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong tháng 8?
Cú sốc gây choáng váng đối với nhiều NĐT vào tháng 7.2007 là Chỉ thị 03 về hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mặc dù đã được ban hành trước đó nhưng từ tháng 7.2007, chỉ thị này mới chính thức có hiệu lực và hầu như tất cả các ngân hàng cổ phần đều tạm dừng việc cho vay cầm cố chứng khoán. Nguồn "máu" bơm cho TTCK bị hạn chế nghiêm trọng càng làm cho tình hình thị trường thêm khó khăn.
Bên cạnh Chỉ thị 03, hai bản báo cáo cũng gây cho các NĐT một tâm lý hoang mang là báo cáo của Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) và Tập đoàn Merrill Lynch. HSBC nhận định chỉ số VN-Index sẽ tụt xuống 900 điểm vào cuối năm, còn Merrill Lynch thì cho rằng nên bán hết cổ phiếu (CP) ở Việt Nam đi! Ngoài các sự kiện nêu trên, thông tin về dự thảo của Bộ Tài chính sẽ đánh thuế thu nhập tới 25% đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán cũng khiến không ít NĐT tỏ ra lo lắng...
Chưa hết. Trong tình hình thị trường không mấy khả quan, đợt IPO của Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam tưởng chừng sẽ là cú hích cho thị trường. Thế nhưng, sau ngày đấu giá, giá CP của Bảo Việt lại làm cho giá của một số CP cùng ngành ở trên sàn và hàng loạt CP ngành bảo hiểm trên thị trường OTC tụt dốc thê thảm. Vào ngày cuối cùng đóng tiền cho đợt đấu giá, chỉ thiếu chút nữa là Bảo Việt phải đấu giá lại vì số người bỏ cọc gần lên tới con số 30% tổng số CP đưa ra đấu giá...
Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhận xét: "Có thể coi tháng 7 là tháng mà các chính sách của Nhà nước, các tổ chức nước ngoài, các đợt đấu giá liên tục... nắn gân những NĐT non gan. Sau tháng 7 này, thị trường sẽ còn lại những NĐT có bản lĩnh hơn".
Trong tháng 7, một hiện tượng khá thú vị là sự biến động giá của một số blue-chip trên thị trường. Trong số các CP này, SSI là công ty làm ăn có lợi nhuận rất lớn nhưng giá CP vẫn rớt. Trong 6 tháng đầu năm, SSI có lợi nhuận trước thuế hơn 700 tỉ đồng, kèm theo đó là việc Ngân hàng ANZ công bố mua 10% cổ phần SSI với giá 88 triệu USD (tương đương với mức giá khoảng 176.000 đồng/CP). Nhưng trên thị trường, giá của SSI vẫn chỉ ở mức 155.000 đồng/CP. Tại sàn Hà Nội, CP của ACB cũng là trường hợp tương tự SSI khi ngân hàng vẫn làm ăn hiệu quả bậc nhất trong khối các ngân hàng cổ phần nhưng giá CP vẫn... rớt. FPT cũng vậy, được đánh giá là một blue-chip của thị trường nhưng so với thời kỳ đỉnh cao, giá CP của FPT đã mất gần 40%. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của FPT trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc: lợi nhuận trước thuế là 506 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2006. Ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc FPT cho biết: "Điều mà chúng tôi có thể làm để giúp giá CP tăng trưởng trong dài hạn là có được những kết quả kinh doanh thật tốt và có những chiến lược phát triển đúng. Chúng tôi đang làm tốt những điều đó nhưng giá CP trên thị trường là do quan hệ cung cầu".
Trên thị trường OTC, CP của Công ty cổ phần bảo hiểm Dầu khí (PVI) cũng là ví dụ tương tự. 6 tháng đầu năm, PVI đạt doanh thu 1.200 tỉ đồng (cả năm 2006 là 1.300 tỉ đồng), lợi nhuận là 90 tỉ đồng (lợi nhuận cả năm 2006 có 60 tỉ đồng). Kinh doanh như vậy nhưng giá CP của PVI lại tụt từ 230.000 đồng vào thời kỳ đỉnh cao xuống còn có 75.000 đồng/CP...
Nhận định về tình hình thị trường sau tháng 7 - tháng được coi là thời gian thử thách dữ dội dây thần kinh của các NĐT, một chuyên gia hàng đầu về chứng khoán tại TP.HCM nói: "Nếu như không có các chính sách tác động đến thị trường của các cơ quan quản lý, tình hình của tháng 8 sẽ không mấy khả quan so với tháng 7. Trong trường hợp Vietcombank tiến hành IPO bom tấn đúng thời hạn (cuối tháng 8) thì nhiều NĐT sẽ tiếp tục nằm chờ và tình hình mua bán cũng không mấy sôi động".
Chuyên viên phân tích một công ty quản lý quỹ tiết lộ: "Đầu quý IV là thời điểm nhiều quỹ đầu tư thực hiện xong việc huy động vốn và bắt tay vào việc giải ngân. Thời điểm này cộng với việc kỳ vọng của nhiều người là giá CP cuối năm sẽ tăng nên gần như việc giá CP sẽ phục hồi vào tháng 11 hoặc 12.2007 là chắc chắn. Tuy nhiên, vấn đề là người ta xem xét sự phục hồi này như thế nào". Ông này nhận định, nếu như mọi người cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ tụt xuống khoảng 900 trong tháng 9 thì cột mốc 1.000 - 1.100 điểm sẽ là mức kỳ vọng phục hồi vào cuối năm. Nhưng nếu như tình hình lại diễn biến khác và có những thay đổi nào đó chưa lường trước được trên thị trường khiến VN-Index không biến động theo hình răng cưa đi xuống nữa thì mức độ phục hồi sẽ nhanh hơn.
Thanh nien
|