Thứ Hai, 02/07/2007 17:45

Chủ động nguồn nguyên liệu - bài học không chỉ của ngành thép

Những ngày cuối tháng 6-2007, những doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã thở phào nhẹ nhõm bởi giá thép trong nước đã đủ sức cạnh tranh với thép Trung Quốc. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mặc dù áp lực cạnh tranh về giá đối với thép Trung Quốc vẫn còn, nhưng mức giá thép nhập từ Trung Quốc không chênh so với thép sản xuất trong nước nhiều nên lượng thép nhập từ Trung Quốc đã giảm mạnh và các hoạt động sản xuất trong nước đang sôi động trở lại.

“Hú hồn !”, đó là từ của một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước dùng để chỉ sự kiện thép Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam với mức giá rẻ hơn cả phôi thép được nhập về để sản xuất thép. Chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm 2007, trên 330.000 tấn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, tăng hơn gấp đôi sản lượng thép Trung Quốc vào Việt Nam cả năm 2006 (khoảng 150.000 tấn) do Trung Quốc có những thay đổi chính sách thuế đối với mặt hàng thép từ cuối năm 2006. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng trong khoảng thời gian này, nhiều nhà máy đã phải tạm ngưng sản xuất (thép cuộn), tập trung sản xuất thép cây hoặc chuyển sang đi “buôn” thép Trung Quốc. Chỉ còn một số nhà máy còn hoạt động do dự trữ được nguồn phôi thép hoặc tự sản xuất được phôi thép như Nhà máy Thép Thái Nguyên, Công ty Thép miền Nam…

“Bị động” được nhiều người xem là khái niệm để chỉ thực trạng ngành thép Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, sau khi Trung Quốc có những thay đổi về chính sách thuế như thoái thu thuế VAT, giảm thuế xuất khẩu… dẫn đến giá thép nhập vào Việt Nam rẻ một cách “bất ngờ”. Đứng bên cạnh anh khổng lồ với năng lực sản xuất trên 300 triệu tấn/năm và là thị trường chính cung cấp phôi thép cho Việt Nam, ngành thép Việt Nam (có năng lực sản xuất khoảng trên 3 triệu tấn/năm) có tiếng nói không đáng kể. Nếu không có áp lực của các nước Mỹ, EU, Đông Nam Á về chính sách hỗ trợ xuất khẩu thép của Trung Quốc, xem ra bài toán về giá thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam vẫn chưa có lời giải. Thứ hai là bị động về nguồn phôi thép. Năm 2006, sản xuất phôi thép trong nước chỉ đạt trên dưới 1 triệu tấn/năm đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu nguồn phôi. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2007 ngành thép sẽ cố gắng chủ động sản xuất khoảng 2 triệu tấn phôi, đáp ứng 50% nhu cầu, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng phải vài năm nữa mới đạt được con số này. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, trước đây không ít doanh nghiệp không muốn sản xuất phôi vì giá thành cao hơn nhập từ nước ngoài, chỉ cần đầu tư vào công đoạn sản xuất từ phôi sang thép cuộn hoặc thép cây sẽ có mức lợi nhuận cao hơn. Chính vì vậy khi thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn, hoặc tương đương giá phôi thép cũng nhập từ Trung Quốc, đã khiến những doanh nghiệp không chủ động được nguồn phôi điêu đứng.

Muốn ăn quả phải chủ động trồng và chăm sóc cây, nếu không chủ động hơn nữa về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, trong thời gian tới khi một số nước chỉ cần đánh thuế cao nguồn phôi thép xuất khẩu thì ngành thép lại thêm một lần nữa “hú hồn”. Đây không chỉ là bài học cho riêng ngành thép.

SGGP

Các tin tức khác

>   Dệt may không còn thu hút người lao động? (02/07/2007)

>   Giá dầu thô trên thế giới đang tăng cao nhưng các DN trong nước chưa có phương án tăng giá xăng dầu. (02/07/2007)

>   Giá sữa sẽ lập kỷ lục mới? (02/07/2007)

>   Gạo Việt Nam bị Nhật cảnh cáo (02/07/2007)

>   Sẽ xem xét các khuyến nghị về tình hình thực hiện dự án ODA (02/07/2007)

>   Thêm 3 DN viễn thông chiếm thị phần không chế (02/07/2007)

>   Kho ngoại quan vàng: Tín hiệu tích cực (02/07/2007)

>   Công nghiệp: Tăng trưởng cao, chất lượng thấp (02/07/2007)

>   Một số lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu từ ngày 1/7 (02/07/2007)

>   Giá gas giảm 3.000 - 4.000 đồng/bình (02/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật