Công nghiệp: Tăng trưởng cao, chất lượng thấp
Các chỉ số thống kê cho thấy, tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm nay tăng 19,5%, cao hơn tốc độ tăng chung của 6 tháng (16,9%).
Từ các chỉ số trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý sau.
Thứ nhất, công nghiệp đang trên đà tăng cao lên. Đó cũng là xu hướng tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước, các ngành khác của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, tính chung 6 tháng, tăng trưởng công nghiệp đạt tốc độ khá cao. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm tiếp tục tăng trưởng cao. Nếu vậy năm 2007 sẽ là năm thứ 17 công nghiệp liên tục tăng hai chữ số - một tốc độ tăng cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài mà các thời kỳ trước đó chưa bao giờ đạt được. Công nghiệp đã đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung.
Thứ hai, tăng trưởng cao hai chữ số của công nghiệp đạt được ở hai khu vực. Công nghiệp khu vực ngoài nhà nước tăng khá cao nhờ năng lực của khu vực này tăng do nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, nhờ tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh.
Công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,3%, nếu không kể dầu mỏ và khí đốt bị giảm, thì các ngành khác của khu vực tăng cao nhất, lên đến 24,3%, nhờ năng lực được tăng thêm, nhờ tận dụng được thời cơ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì thuế nhập khẩu vào các nước thành viên được cắt giảm để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tăng trưởng cao của công nghiệp đạt được ở nhiều địa bàn, trong đó có những địa bàn tăng cao hơn tốc độ chung, như Hà Nội (tăng 21,3%), Hải Phòng (18,4%), Vĩnh Phúc (52,8%), Hà Tây (22,1%), Bình Dương (23,7%), Đồng Nai (22,4%), Cần Thơ (18,1%)...
Tăng trưởng cao của công nghiệp đạt được ở nhiều sản phẩm chủ yếu, trong đó có những sản phẩm tăng cao hơn tốc độ chung, như bia (20,4%), thuốc trừ sau (20,8%), gạch lát (24,4%), thép cán (17,2), máy công cụ (41,6%), máy biến thế (20,8%), ôtô lắp ráp (32,9%), xe máy lắp ráp (34,5%).
Thứ ba, cơ cấu sản xuất công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, trên cả 3 mặt.
Theo thành phần kinh tế trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành, công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất (39,4%), cao hơn cả khu vực ngoài nhà nước (36,4%) và cao gấp rưỡi tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp nhà nước (24,1%).
Như vậy, công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước đã chiếm trên 3/4 toàn ngành công nghiệp, lại tăng trưởng với tốc độ cao, nên đã trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng chung.
Theo địa bàn, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở những địa bàn đô thị lớn thấp hơn ở những tỉnh vùng ven, thậm chí còn thấp hơn tốc độ tăng chung của cả nước. Công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM chiếm trên một phần tư giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, kỳ này chỉ tăng 12,7%, thấp hơn tốc độ tăng chung của cả nước và thấp hơn tốc độ tăng của Bình Dương, Đồng Nai...
Công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng chỉ tăng 11,7%, thấp hơn tốc độ tăng chung của cả nước và thấp hơn tốc độ tăng của các địa bàn lân cận. Tốc độ tăng trên địa bàn Hà Nội, Hài Phòng tuy vẫn tăng khá cao, nhưng đã thấp xa so với tốc độ tăng của Vĩnh Phúc, Hà Tây...
Theo ngành và loại sản phẩm, cơ cấu công nghiệp cũng đã chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng công nghiệp khai thác mỏ và tỷ trọng công nghiệp điện nước giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng.
Tỷ trọng công nghiệp khai thác mỏ giảm khi mà khai thác dầu thô giảm 7,4%, ga hoá lỏng giảm 16,3%, than chỉ tăng 12,4%, khí đốt thiên nhiên chỉ tăng 7,7%, thấp hơn nhiều tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước.
Tỷ trọng công nghiệp điện nước cũng bị giảm do sản xuất điện chỉ tăng 11,6%, vừa thấp hơn tốc độ tăng chung của công nghiệp, vừa vào loại thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng cao nhất trong ba ngành.
Thứ tư, tuy tăng với tốc độ cao, nhưng chất lượng tăng trưởng công nghiệp vẫn còn thấp. Công nghiệp còn mang nặng tính gia công, mà gia công thì giá trị gia tăng thấp, thu nhập của người lao động thấp; phụ thuộc vào nước ngoài trong điều kiện giá thế giới tăng. Công nghiệp phụ trợ và nội địa hoá chậm. Hiệu quả và sức cạnh tranh của công nghiệp còn thấp, dẫn đến nhập siêu còn lớn.
VnEconomy
|