Thứ Hai, 02/07/2007 06:44

Kinh tế làng nghề:

Làm gì để phát triển làng nghề?

Kinh tế làng nghề đang đóng góp gì cho nền kinh tế VN? Tại sao cùng một môi trường kinh tế - xã hội, nhưng có những làng nghề phát triển mạnh, lại có những làng nghề mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất?

Làm gì để phát triển kinh tế làng nghề theo định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn? Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã trao đổi với ông Vũ Quốc Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN.

* Hiện đang có các luồng ý kiến khác nhau về làng nghề VN. Nhiều người cho rằng làng nghề phát triển tốt, trong khi không ít ý kiến lại nhận định làng nghề đang có dấu hiệu suy thoái vì không bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của thị hiếu tiêu dùng. Ông nhận xét thế nào về hiện trạng làng nghề VN?

- Tôi thấy làng nghề VN đang đứng trước cơ hội phát triển tốt và nhiều làng nghề đã biết nắm bắt cơ hội đó để làm giàu ngay trên thôn làng của mình. Nhiều làng nghề từ Nam đến Bắc đang ăn nên làm ra như gốm sứ Bình Dương, Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng; đồ gỗ Đồng Kỵ, Gò Công; dệt Vạn Phúc; cơ khí Ý Yên; mây tre đan Củ Chi, Chương Mỹ; chạm bạc Đồng Xâm, Đại Bái; đá mỹ nghệ Non Nước...

Thực tế cũng có nhiều làng nghề đang trong tình trạng khó khăn vì thiếu vốn, không có doanh nghiệp làm đầu tàu, sản phẩm không có đầu ra. Nhưng tiềm năng phát triển của làng nghề vẫn đang rất lớn. Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN mới đạt 274 triệu USD, thì năm 2006 đã đạt khoảng 650 triệu USD, bán ra trên 100 nước và vùng lãnh thổ, chưa kể hai ngành gỗ, da giày xuất khẩu mỗi năm hàng tỉ USD đều có đóng góp rất lớn của các làng nghề. Giai đoạn này đang có nhiều thuận lợi cho làng nghề vì kinh tế phát triển, cả thị trường quốc tế lẫn nội địa đều mở rộng với hàng thủ công mỹ nghệ. Những thứ rất nhỏ, đơn giản như con tò he của Hà Tây cũng xuất được sang Nhật.

* Theo ông, làng nghề VN hiện đang có vị trí thế nào trong nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực kinh tế nông thôn?

- Một điều tra của Bộ Công nghiệp cho thấy làng nghề VN đang sử dụng 1,3 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và 3-5 triệu lao động thời vụ đã khẳng định được vị trí quan trọng của làng nghề trong nền kinh tế chung. Làng nghề phát triển sẽ giải quyết việc làm cho nông thôn đang có quá nhiều người thất nghiệp; gìn giữ và phát

triển văn hóa truyền thống; đặc biệt tạo ra bộ mặt đô thị hóa mới cho nông thôn để nông dân ly nông nhưng không ly hương và làm giàu trên quê hương mình. Nó làm giảm bớt căn bệnh “to đầu” vì làn sóng nông dân nhập cư về các thành phố lớn kéo theo hàng loạt hệ quả xã hội nặng nề.

Thu nhập của người lao động hưởng lương ở các làng nghề hiện phổ biến khoảng 600.000-1.500.000 đồng, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ làm ruộng lúa, đặc biệt là vùng đất hẹp người đông như đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, khu vực kinh tế làng nghề, đặc biệt là các nghề truyền thống, còn có một ý nghĩa khác là sử dụng được lao động già cả, khuyết tật, trẻ em mà khác khu vực kinh tế khác không nhận. 

* Cùng trên một địa phương, một môi trường chính sách như nhau, nhưng có những làng nghề phát triển và cũng có những làng nghề gặp khó khăn. Tại sao? Hiện đâu là điểm yếu của các làng nghề? 

- Hầu hết làng nghề nào có cơ sở, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì làng nghề đó phát triển. Họ có vốn, có sự nhạy bén thị trường, có khả năng tổ chức. Họ hoạt động như đầu tàu chính kéo theo cả đoàn tàu là làng nghề đi lên. Còn những làng nghề đang gặp khó khăn thường do sản phẩm làm ra không phù hợp với thị trường, sản xuất manh mún, cò con, ngại đối đầu rủi ro, thiếu sự liên kết với nhau. Nhiều làng nghề mới chỉ biết tập trung sản xuất, chưa chú trọng khâu tiếp thị, kinh doanh. Sản phẩm họ làm ra đến được khách hàng phải qua nhiều khâu trung gian, làm lợi nhuận thu về rất thấp...

* Theo ông, cần phải làm gì để phát triển kinh tế làng nghề theo đúng định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn?

Thực tế cho thấy kinh tế nông thôn gắn liền với nông nghiệp có nhiều hạn chế. Nông dân ở nhiều vùng nông thôn không thể làm giàu được trên mảnh ruộng của mình dù đã cố gắng xoay xở hết cách. Làng nghề sẽ mở ra cho nông dân một hướng làm ăn khác ngay trên mảnh đất của mình. Họ sẽ không phải thất nghiệp hoặc phải đi tha phương cầu thực.

Để các làng nghề phát triển cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ làng nghề đến chính sách vĩ mô. Bản thân các cơ sở sản xuất ở làng nghề phải biết liên kết lại với nhau để thành những cơ sở, những doanh nghiệp mạnh ở ngay trong làng. Mô hình doanh nghiệp hương trấn đang làm ăn hiệu quả ở Trung Quốc là một minh chứng. Khi làm được điều này, làng nghề sẽ có lực để bước ra, tìm hiểu thị trường và theo sát được nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các chính sách vĩ mô để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Lâu nay, Nhà nước với các chính sách, nguồn vốn của mình luôn chú trọng đến các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là quốc doanh, mà lơ là các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất ở làng nghề. Chỉ khi nào Nhà nước quan tâm hơn đến thành phần kinh tế tư nhân nhỏ ở làng nghề bằng các giải pháp cụ thể như chính sách thông thoáng, nguồn vốn dễ tiếp cận, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, giúp đỡ giải quyết ô nhiễm môi trường... thì các làng nghề mới phát triển đồng bộ được.   

Tỉnh Nam Định có 90 làng nghề truyền thống, trong đó có 77 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Mỗi năm các làng nghề này đem về cho tỉnh 13-15 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, chưa kể phần lớn tiêu thụ trong nước. Tỉnh Hà Tây có 411 làng nghề, chiếm 1/5 số lượng làng nghề cả nước. Giá trị sản xuất từ khu vực kinh tế này đem về cho Hà Tây khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Trong đó nhiều làng nghề đạt mức doanh thu mỗi năm trên 70 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 140.000 hộ nông dân và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã...

Trung bình một hộ nông dân từ năm 1990 đến nay đã “nở nồi” thành 2-4 hộ. Diện tích đất làm nông nghiệp trên đầu người ở nông thôn ngày càng giảm sút nhanh chóng. Khảo sát ở nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng mỗi khẩu nông dân chỉ có 150-400m2 đất để canh tác nông nghiệp.

Theo số liệu khảo sát cụ thể của Tổ chức Care và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN tại các xã có nhiều đất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình và Hải Dương, mỗi nông dân cũng chỉ canh tác được 400-700m2 đất. Với diện tích này, mỗi nông dân chỉ lao động tối đa 4-6 tháng/năm là thất nghiệp. Và mỗi hộ nông dân (4-6 người) làm nông nghiệp chỉ thu được tối đa 4-6 triệu đồng/năm.

Tính ra, mỗi người dân chỉ có khoảng 3.000 đồng để sống mỗi ngày. Thậm chí có nông dân ở huyện lúa Đông Hưng, Thái Bình đã liệt kê chi li sau khi trừ tất cả các khoản phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống và các phí ở địa phương... để canh tác 1 sào ruộng thì ông ta còn đúng... 1.000 đồng mỗi ngày. Trong khi đó, các tỉnh còn nhiều ruộng phía Nam cũng đang ngày càng dôi dư lao động. Nhân lực trẻ ngày càng đổ xô về các thành phố lớn để tìm việc làm.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Thị trường bán lẻ: Việt Nam thụt lùi (01/07/2007)

>   Dung Quất: “trái tim” đang đập (01/07/2007)

>   Viettel là DN chiếm thị phần khống chế dịch vụ điện thoại di động (01/07/2007)

>   Hải Phòng: Bàn giao tàu chở hàng cho tập đoàn Nhật (01/07/2007)

>   Tỉnh Sêkoong muốn thu hút đầu tư từ Việt Nam (01/07/2007)

>   Khởi công khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza (01/07/2007)

>   Khởi công xây dựng nhà máy thuỷ điện A Lưới (01/07/2007)

>   Tổng Công ty Nam Triệu đóng tàu cho tập đoàn Anh (01/07/2007)

>   Đón hơn 2 triệu khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm (01/07/2007)

>   Thêm 883 triệu USD vốn FDI vào Bình Dương (01/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật